Xây dựng chính quyền không giấy tờ

15/04/2019 07:41

Hướng tới mục tiêu cắt giảm thủ tục, giấy tờ, toàn bộ các sở, huyện, thành phố trong tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc...

Sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Sở Khoa học và Công nghệ giảm 50% số văn bản giấy

Sự ra đời của Trục liên thông văn bản quốc gia và đề án Cổng dịch vụ công quốc gia ngày 12.3 vừa qua chính là thông điệp mạnh mẽ, chính thức được phát đi từ Chính phủ về quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hải Dương đã sớm bắt tay vào xây dựng chính quyền điện tử.

Giảm chi phí

Khoảng 50% số giấy tờ, văn bản đã được tiết giảm kể từ khi Sở Khoa học và Công nghệ sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Từ hơn 3 năm trước, khi ứng dụng phần mềm này, toàn bộ văn bản, tài liệu nội bộ đã được xử lý qua mạng. Việc quản lý, điều hành, xử lý văn bản trên hệ thống này thuận lợi, minh bạch hơn, có thể theo dõi công khai đến các khâu, các bộ phận. Năm 2018, sở thử nghiệm cắt giảm thêm giấy tờ bằng cách gửi một số tài liệu có dung lượng lớn bằng Google Drive trong nội bộ cơ quan và thành viên các hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học. Năm nay, xác định rõ nhiệm vụ đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh làm việc trên môi trường mạng trực tuyến, Sở Khoa học và Công nghệ nêu cao khẩu hiệu "Hướng tới số hóa, dịch vụ thông minh và hỗ trợ khởi nghiệp". Toàn bộ các tài liệu bản mềm về các đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ đều được chuyển qua email tới các thành viên có trách nhiệm. Tài liệu có dung lượng lớn được mã hóa, dẫn đường link. Theo Giám đốc Sở Phạm Văn Bình, thay cho việc phải in ấn, phát hành, vận chuyển khối lượng lớn tài liệu, văn bản giấy thì việc ứng dụng CNTT đã giảm chi phí về thời gian, công sức, kinh phí. Quan trọng hơn, môi trường làm việc không giấy tờ đã dần hình thành, cán bộ, nhân viên tự thay đổi, thích ứng với nếp nghĩ, nếp làm việc mới, nâng cao trình độ để làm chủ công nghệ.

Cùng hướng tới mục tiêu cắt giảm thủ tục, giấy tờ, toàn bộ các sở, huyện, thành phố trong tỉnh đã triển khai ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng hiện đại; tăng cường ứng dụng nhiều hệ thống phần mềm văn bản điện tử, thư điện tử công vụ, hệ thống "một cửa" điện tử để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng chữ ký số đang được Sở Thông tin và Truyền thông, một số đơn vị cấp huyện triển khai. Năm 2018, chỉ số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tăng 30 bậc so với năm 2017, xếp thứ 30 trong cả nước; chỉ số ứng dụng CNTT xếp thứ 25 trong cả nước, tăng 33 bậc so với năm 2017.

Ở cấp xã, đến nay, toàn tỉnh đã có hệ thống thư điện tử công vụ với hơn 3.000 tài khoản được cấp cho cán bộ cấp xã. Trang thông tin điện tử của các xã được đồng bộ với trang thông tin điện tử của huyện, góp phần giảm số lượng văn bản giấy phải chuyển xuống cơ sở bằng đường bưu điện. Việc gửi các loại bảng biểu, mẫu thống kê qua môi trường mạng đã giúp cán bộ cấp cơ sở không phải chờ đợi in sao, vận chuyển...

Hướng tới đồng bộ, hiện đại

Nằm trong số 95 cơ quan ở Trung ương và địa phương kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia, ngay sau khi khai trương, Hải Dương đã thực hiện thông suốt việc tiếp nhận, xử lý và trình văn bản trên môi trường mạng. Đó là bước đi quan trọng trong việc hòa dữ liệu vào môi trường mạng chung của toàn quốc, hướng tới công khai, minh bạch và hiện đại hóa các hoạt động hành chính của địa phương.

Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh hoạt động từ đầu tháng 3 vừa qua càng khẳng định quyết tâm của tỉnh trong hưởng ứng thông điệp của Chính phủ. Nền hành chính không giấy tờ và minh bạch đang được hiện thực hóa tại trung tâm bằng hệ thống phần mềm điện tử "một cửa" dùng chung liên thông tới 16 sở, ngành và Văn phòng UBND tỉnh. Qua theo dõi hoạt động tại trung tâm, đáng mừng là nhiều sở, ngành không còn tình trạng trễ hạn trong giải quyết TTHC; số hồ sơ giải quyết TTHC đúng hạn và trước hạn tăng cao.

Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh đã được phê duyệt tháng 6.2018 và được chia thành 3 giai đoạn cho tới năm 2022. Định hướng chính là đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ quan nhà nước trong phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Bảo đảm tích hợp dữ liệu, liên thông quy trình giữa các cơ quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng, đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ; giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC...

THU MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng chính quyền không giấy tờ