“Tín dụng đen” và những vụ đòi nợ kiểu côn đồ

05/12/2021 20:38

Các vụ đòi nợ với hậu quả rất nghiêm trọng xảy ra liên tiếp thời gian qua khiến dư luận vô cùng hoang mang.

Dư luận không khỏi bức xúc trước thói côn đồ, hung hãn và bất chấp pháp luật của các đối tượng. Điều đáng nói là phần lớn những vụ án đó đều liên quan đến “tín dụng đen”.

Trong thời gian dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra các vụ án giết người, đe dọa giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản… gây bức xúc dư luận. Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), nguyên nhân một phần là do dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người kinh doanh thua lỗ, thất nghiệp, và để duy trì việc buôn bán hay nhiều lý do khác, họ đã tìm đến các địa chỉ cho vay tiền dễ dàng, trong đó có “tín dụng đen”. Nhiều người trong số đó không đủ khả năng trả nợ lãi và tiền đi vay. Và họ đã trở thành nạn nhân của những vụ đòi nợ đáng lên án.

“Tín dụng đen” và những vụ đòi nợ kiểu côn đồ -0

Các đối tượng trong vụ đánh chết người ở Bình Dương.

Điển hình như vụ án xảy ra ngày 2.4.2021 ở phường An Phú, thành phố Thuận An (Bình Dương). Nạn nhân là N. T. Đ. (sinh năm 1983, quê Kiên Giang) sinh sống bằng việc bán cà phê và rửa xe tại một ki ốt. Theo người dân cho biết, thời gian gần đây gia đình anh Đ gặp khó khăn nên có vay mượn một số tiền bên ngoài và chưa trả được.

Chiều 2.4, Nguyễn Văn Huy (32 tuổi, ngụ ở tỉnh Bình Dương) điện thoại rủ Thạch Nhựt Phong (19 tuổi, ngụ ở tỉnh Kiên Giang); Nguyễn Văn Nhí (30 tuổi, ngụ ở Sóc Trăng) và Hồ Đại Sơn (25 tuổi, ngụ ở tỉnh Nghệ An) cùng đi đòi nợ. Khi đến trước dãy ki ốt  Sơn đứng ngoài, còn Huy, Phong và Nhí đi vào trong tìm anh Đ.

Các đối tượng dùng tay chân đấm đá, hành hung anh Đ. Khi nạn nhân bỏ chạy vào trong, nhóm này đuổi theo nắm tóc kéo ra ngoài hỏi lúc nào trả tiền. Anh Đ nói chiều tối sẽ trả thì nhóm này bỏ về. Sau đó anh Đ kêu đau bụng và được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Các đối tượng trên đã bị cơ quan Công an tạm giữ để điều tra, làm rõ về hành vi gây nên cái chết của anh Đ.

Vụ Trần Thị Thắm (trú tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thuê 4 đối tượng đi đòi nợ cũng gây bức xúc dư luận. Thắm cho anh Nguyễn Văn Nhất Thắng (trú huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) vay 4,4 tỉ đồng. Đến hạn, anh Thắng chưa có tiền trả. Sau nhiều lần đòi không được, Thắm đã thuê Đào Duy Thắng đi đòi nợ.

Sáng 4.6, Thắm hẹn Thắng đến nhà mình ở Buôn Ma Thuột rồi khóa cửa để 4 đối tượng này khống chế, bắt giữ, đánh đập anh Thắng. Sau đó các đối tượng đưa anh Thắng đến huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, đe dọa sẽ đưa anh ra nước ngoài giết, bán thận lấy 1,5 tỉ đồng.

Đến đêm, lợi dụng sơ hở của các đối tượng, anh Thắng đã lấy được điện thoại và gửi định vị cho người thân. Lực lượng Công an sau đó đã vây bắt được nhóm đối tượng và giải cứu anh Thắng.

Hay vụ án xảy ra tại KP4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cho thấy sự côn đồ hung hãn của các đối tượng đòi nợ. Vụ việc bắt đầu khi Lê Thanh Hồng (sinh năm 1984, quê Đồng Tháp) có mượn Huỳnh Minh Tâm (sinh năm 1989, quê Vĩnh Long) một số tiền nhưng không trả.

Chiều 20.6, Hồng đến nhà cha vợ là ông T.N ở KP4, thị trấn Tân Túc chơi thì gặp Tâm ở đây. Tâm đòi nợ Hồng thì xảy ra mâu thuẫn. Tâm bỏ đi và một lúc sau kéo thêm 4 người khác mang theo hung khí, bình xịt hơi cay đến nhà ông N tìm Hồng. Ông N cùng 2 người chạy ra can ngăn thì bị nhóm Tâm chém bị thương ở vùng đầu và tay. Sau khi gây án, cả nhóm lên xe bỏ trốn. Ba cha con ông N được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lực lượng Công an đã thu giữ 2 cây sắt tròn, một vỏ dao tự chế ở hiện trường.

Nhằm ngăn chặn việc kinh doanh đòi nợ thuê làm mất an ninh trật tự, gây bất ổn xã hội, từ 1.1.2021, việc kinh doanh đòi nợ thuê đã bị cấm, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ, kịp thời phát hiện các cơ sở hoạt động đòi nợ bất hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ chuyển đổi thành các công ty mua bán nợ, công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ… để thực hiện các hành vi đòi nợ bất hợp pháp.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải quản lý sát sao nhằm phát hiện kịp thời để có biện pháp xử lý những công ty mua bán nợ mà thực chất là đòi nợ thuê gây bất ổn về trị an xã hội.

Trong năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động "tín dụng đen”, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can, chiếm 52,9% số vụ phát hiện; xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng, chiếm 35,8% số vụ phát hiện.

Theo Công an Nhân dân

(0) Bình luận
“Tín dụng đen” và những vụ đòi nợ kiểu côn đồ