Trầm cảm sau sinh

19/05/2022 22:47

Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng, đau xót khi xem những thông tin liên quan đến vụ 3 mẹ con một giáo viên ở huyện Cẩm Giàng trầm mình dưới sông.

Thương nhất là hai cháu nhỏ, một cháu mới 2 tuổi và một bé 9 tháng tuổi. Cũng không rõ nguyên nhân thực sự khiến người mẹ trẻ có hành vi tiêu cực ấy nhưng có một số nguồn tin cho rằng chị này bị trầm cảm sau sinh. Trong chiếc điện thoại chị để lại trên bờ sông có những tin nhắn tiêu cực. Trên mạng xã hội là những “cơn mưa” bình luận bày tỏ sự đau lòng, thương tiếc, đặc biệt là đối với hai cháu nhỏ. Có người trách người mẹ nghĩ quẩn đã cướp đi cơ hội được sống của hai cháu bé. 

Đây không phải vụ việc đau lòng đầu tiên liên quan tới chứng trầm cảm và những chuyển biến tâm lý của phụ nữ sau sinh. Trong cả nước gần đây cũng đã xảy ra những vụ việc tương tự. 2 vụ cùng xảy ra ngày 5.2.2022 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh là một ví dụ. Tại TP Hồ Chí Minh, tối 5.2, người nhà phát hiện chị C. (34 tuổi, quê ở Sóc Trăng) và con gái khoảng 7 tháng tuổi tử vong trong nhà trọ ở quận Bình Tân. Chị C. trong tư thế treo cổ, còn bé gái được phát hiện trong máy giặt. Được biết trước khi xảy ra vụ việc, chị C. có dấu hiệu bị trầm cảm. Cùng ngày, tại Hà Tĩnh, chị Lê Thị H. (39 tuổi) đã chém chết con trai 2 tháng tuổi và toan tự tử nhưng không thành. Theo kết quả điều tra, chị H. bị trầm cảm sau sinh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Trong đó, trầm cảm sau sinh ngày càng được ghi nhận ở nhiều phụ nữ và là "quả bom" khó nhận biết. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh càng tăng. Kết quả nghiên cứu do Trung tâm Y tế UVA Health ở Mỹ vừa công bố cho thấy, tỷ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh ở nước này đã tăng từ 6,5% lên 6,9% trong năm đầu tiên của đại dịch. Nghiên cứu quốc tế lớn do các nhà nghiên cứu ở Israel tại nhiều nước như Israel, Hy Lạp, Bồ Đào Nha… cũng cho thấy tỷ lệ này đã tăng gấp 3,5 lần trong đại dịch Covid-19. 

Nhìn vào những con số ấy có thể thấy trầm cảm sau sinh không còn là chuyện nhỏ. Nhiều người vẫn nghĩ đơn giản phụ nữ sinh xong được tới 6 tháng nghỉ thai sản nhưng thực tế với một số chị em thì kỳ nghỉ thai sản không phải là nghỉ. Ở những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả có thể thuê người giúp việc hay bố mẹ hai bên còn khỏe mạnh và giúp chăm sóc bé thì đỡ áp lực. Còn với những gia đình neo người, kinh tế khó khăn thì đây là chuỗi ngày áp lực với bà mẹ bởi họ suốt ngày phải loanh quanh chuyện bỉm, sữa, dỗ con… Với những bé ngoan thì mẹ còn đỡ mệt, nhưng có bé hay quấy khóc, ngủ ngày thức đêm… thì người mẹ rất mệt mỏi. Ngoài áp lực từ việc chăm con, người mẹ có khi còn phải lo lắng sợ mình “phá tướng” trở nên mập mạp, sồ sề nên chồng dễ “chán”, đi “ăn phở”. Có người trong thời gian ở nhà chăm con còn bị áp lực bởi cha mẹ chồng khó tính… Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới trầm cảm sau sinh mà nếu gia đình, đặc biệt là người chồng không kịp thời phát hiện, chia sẻ, động viên thì có thể dẫn tới những cái kết đau lòng như trên. Rõ ràng hệ lụy từ trầm cảm sau sinh không còn là chuyện nhỏ. 

Để tháo gỡ, trước hết là người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cần thường xuyên quan tâm đến các bà mẹ bỉm sữa, chia sẻ bớt áp lực cho họ. Các câu lạc bộ phụ nữ cơ sở có thể mở thêm các buổi sinh hoạt chuyên đề, mời các chuyên gia tâm lý nói chuyện về vấn đề này...

Rất nhiều người vẫn đang nhắn gửi những lời nguyện cầu mong cho 3 mẹ con người giáo viên ở Cẩm Giàng sớm siêu thoát. Còn tôi, cùng là nữ giới, chỉ mong sao mỗi chị em phái đẹp hãy mạnh mẽ, lạc quan hơn trong cuộc sống để mỗi người mẹ thực sự là suối nguồn hạnh phúc trong gia đình, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời những đứa con.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trầm cảm sau sinh