Tăng giá sách giáo khoa trong thời điểm dịch bệnh: Phụ huynh thêm nặng gánh

02/06/2022 14:24

Đây là mối quan ngại đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV sáng 2.6

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ sự lo ngại khi tăng giá sách giáo khoa giữa thời điểm  nhiều gia đình còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc tăng giá bán sách giáo khoa trong lúc cuộc sống của phần lớn người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình, đặc biệt là hộ có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... Đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét 3 vấn đề. Trước tiên, Chính phủ cần căn cứ vào đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm có biện pháp hữu hiệu quản lý giá sách giáo khoa. Việc tăng giá tuỳ tiện mặt hàng đặc biệt này dễ gây xôn xao dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát, tinh giảm sách giáo khoa theo hướng danh mục sách bắt buộc và sách tham khảo theo nhu cầu. Hiện nay, số lượng sách giáo khoa các bậc học là quá nhiều. Bên cạnh đó, cần hỗ  trợ thư viện sách giáo khoa dùng chung cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để học sinh được mượn sách miễn phí hằng năm rồi trả lại khi năm học kết thúc. Cách làm này vừa tiết kiệm kinh phí, vừa đỡ gánh nặng cho các gia đình khó khăn có con ở độ tuổi đến trường.

Thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy có sự chậm trễ đáng kể trong việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15. Chỉ 20 ngày sau khi nghị quyết này được ban hành, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 11 ngày 30.1.2022 để xác định rõ tính khẩn trương của các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với lộ trình, thời hạn cụ thể. Đông đảo cử tri đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương, tích cực và quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay vẫn có rất nhiều nội dung công việc vẫn đang dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản” trong tháng 5.2022.

“Nửa năm đã trôi qua mà các văn bản vẫn chưa được ban hành. Trong báo cáo Chính phủ đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp thì có đến 5 Nghị định dự kiến ban hành trong tháng 5, nghĩa là chưa ban hành tính đến ngày 20.5 (thời điểm ban hành báo cáo của Chính phủ)”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

Đại biểu Nga cũng nhấn mạnh Nghị quyết số 43/2022/QH15 có hiệu lực thi hành trong 2 năm 2022 - 2023 nên tính thời điểm vô cùng quan trọng. Việc chậm trễ triển khai sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng để các chính sách tài khóa tiền tệ phát huy hiệu quả cao nhất. Đến thời điểm này, khi các bộ ngành còn đang loay hoay rà soát dự thảo văn bản thì có những chính sách đã ít nhiều mất đi ý nghĩa. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là một minh chứng. Chương trình này ra đời với mục đích kịp thời trang bị máy tính cho học sinh học trực tuyến nhưng đến khi học sinh đã trở lại học tập trung thì mới có 1 tỉnh trao được máy tính đến tay các em. 

Từ thực tiễn này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí cao với những phương hướng, nhiệm vụ nêu trong báo cáo của Chính phủ, đặc biệt là việc “tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022”. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Tuy nhiên, cần có chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở đánh giá, không thể chỉ chung chung là “nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa". Đại biểu đề nghị đưa chỉ tiêu hết năm 2022 phải hoàn thành ít nhất 50% khối lượng công việc đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11 vào tiêu chí đánh giá.

PHẠM TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng giá sách giáo khoa trong thời điểm dịch bệnh: Phụ huynh thêm nặng gánh