Giáo viên khốn khổ vì học bạ giấy

24/03/2022 10:39

Cuối năm học, cô Hương, 49 tuổi, giáo viên tiểu học tại Hà Nam phải hoàn thành hàng loạt giấy tờ, sổ sách, trong đó ám ảnh nhất là ghi học bạ.

Từ tháng 10.2020, Thông tư 27 quy định đánh giá học sinh tiểu học được ban hành, trong đó có đổi mới học bạ. Tài liệu này dùng để đánh giá chi tiết quá trình học của học sinh thông qua hai nội dung chính: điểm số và nhận xét.

Trước đây, mỗi học sinh được giáo viên bộ môn vào điểm và giáo viên chủ nhiệm nhận xét chung. Nay, ngoài việc vào điểm, giáo viên phải nhận xét cụ thể về từng học sinh ở từng môn. Ngoài ra, họ cũng phải nhận xét về tám phẩm chất, kỹ năng khác như tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết...

Với các môn âm nhạc, mỹ thuật và thể dục, giáo viên bộ môn sẽ ghi nhận xét và điểm vào học bạ. Tuy nhiên, để tránh tình trạng có quá nhiều loại chữ trên một trang học bạ, giáo viên chủ nhiệm thường nhận phiếu đánh giá từ giáo viên bộ môn, sau đó chép vào sổ. Cô nhẩm tính, mỗi quyển học bạ cần nhận xét khoảng 20 dòng, dài gấp nhiều lần so với trước.

Gần 30 năm trong nghề, cô Hương cho rằng khối lượng công việc tủn mủn này khiến giáo viên dễ mắc phải sai sót trong khi ghi học bạ. Cô Hương thường xuyên chứng kiến cảnh đồng nghiệp khốn khổ vì phải "sửa sai". Trong học bạ, kết quả đánh giá một năm học được thể hiện trên hai mặt trang, năm này nối tiếp năm kia. Như vậy, một trang gấp gồm bốn mặt giấy có thể lưu thông tin liên quan đến hai hoặc ba năm học. Để hạn chế tẩy xóa dẫn đến bị trừ điểm thi đua, khi mắc sai sót, các giáo viên thường mua một cuốn học bạ mới chỉ để tháo rời một trang, chép lại nội dung và thay vào trang bị sai trong học bạ cũ. Nhưng nếu các mặt giấy khác liên quan đến những năm học trước hoặc sau đó, họ cũng phải nhờ các giáo viên liên quan viết lại và xin xác nhận lại từ nhà trường.

"Với chúng tôi, phải sửa chữa khi ghi sai học bạ là việc rất đau đầu", cô Hương nói.

Để có không gian yên tĩnh, tránh sai sót, cô và nhiều đồng nghiệp thường xin phép trường mang học bạ về nhà, tranh thủ buổi tối hoàn thành, dù việc này không được khuyến khích.

Từ nhiều năm nay, trường cô Hương được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tài khoản để nhập điểm kiểm tra, đánh giá học sinh lên hệ thống chung. Tuy nhiên, hình thức này vẫn chưa thay thế được học bạ giấy.

"Tôi nghĩ việc nhập điểm học bạ nên thực hiện trên máy tính bằng một hệ thống điện tử, sau đó in ra để giáo viên ký và xác nhận. Việc này có thể giảm áp lực và công việc cho giáo viên", cô Hương nói.


Sổ học bạ tiểu học được trường cô Hương sử dụng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giữa tháng 3, nhiều giáo viên Trường THPT TP Sa Đéc (Đồng Tháp) phản ánh, thay vì để giáo viên trực tiếp vào điểm học bạ, trường yêu cầu họ ký xác nhận trước rồi thuê người khác nhập điểm sau. Việc ký khống học bạ (khi chưa có điểm) được thực hiện theo yêu cầu của lãnh đạo nhà trường từ nhiều năm nay.

Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp sau đó nhận định việc làm của Trường THPT TP Sa Đéc vi phạm quy chế đánh giá, xếp loại học sinh và đang tiếp tục điều tra nhằm phát hiện các khuất tất nếu có. Sự việc này khiến nhiều giáo viên băn khoăn về cách quản lý, sử dụng sổ học bạ hiện nay. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao ngành giáo dục không phát triển học bạ điện tử thay thế học bạ giấy.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP Hồ Chí Minh cho rằng, học bạ giấy là hình thức lạc hậu. Mỗi năm, thầy phụ trách khoảng 10 lớp, sĩ số trung bình 32-35 em nên phải viết gần 350 sổ học bạ. Sai sót thường khó tránh khỏi. Nếu sử dụng học bạ điện tử, sai sót cũng xảy ra nhưng việc sửa chữa đơn giản hơn nhiều.

"Sai sót xảy ra thường xuyên, đến mức nhà trường đưa việc viết sổ học bạ vào tiêu chí thi đua, ai viết sai nhiều có thể bị trừ thi đua", thầy Du kể.

Ở những trường đông học sinh, chuyện một giáo viên phải ghi khoảng 500 sổ học bạ mỗi năm là bình thường. "Nên chuyển dần sang học bạ điện tử để thuận lợi cho giáo viên và công tác quản lý của trường, thông tin cũng được bảo mật và an toàn hơn", thầy Du nói.

Ở bậc trung học, giáo viên dạy môn toán, văn, tiếng Anh, vốn phụ trách ít lớp hơn, cũng căng thẳng khi tới "mùa" ghi học bạ. Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên văn Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh mất khoảng ba tiếng để điền học bạ cho ba lớp. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, thầy phải tập trung cao độ, bởi chỉ một chút xao nhãng cũng có thể viết nhầm.

Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục, trong đó loại bỏ học bạ, sổ điểm giấy. Hiện, nhiều địa phương bắt đầu triển khai sử dụng sổ điểm, sổ học bạ điện tử như Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa...

Theo quy trình, giáo viên nhập điểm vào hệ thống, nhưng sổ giấy vẫn được in ra để giáo viên ký, nhà trường đóng dấu xác nhận. Sổ được trả cho học sinh khi các em chuyển trường hoặc thôi học. Tức là, sổ giấy vẫn tồn tại, song song với việc số hóa thông tin về điểm.

Theo thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP Hồ Chí Minh, việc số hóa học bạ còn nhiều rào cản. Bởi học bạ học sinh là hồ sơ pháp lý, được sử dụng trong các việc hệ trọng như chuyển cấp, xét tuyển đại học, du học. Việc đòi hỏi sổ học bạ giấy với đầy đủ chữ ký của giáo viên, dấu đỏ của nhà trường đang là yêu cầu bắt buộc.

Muốn số hoá học bạ, phải có hệ thống dữ liệu đồng bộ, bảo đảm tính bảo mật, ngăn chặn tuyệt đối việc xâm nhập, sửa chữa dữ liệu.

"Làm được điều này trong bối cảnh hiện tại là rất khó khi hạ tầng công nghệ mỗi địa phương, thậm chí từng trường ở cùng một địa phương khác biệt. Có thể vì vậy mà học bạ giấy truyền thống vẫn đang là giải pháp tốt nhất", thầy Chính nói.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo viên khốn khổ vì học bạ giấy