Xáo trộn vì... con được nghỉ học

05/02/2020 10:00

Học sinh nghỉ học là cần thiết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhưng bố mẹ lại không được nghỉ khiến công việc, cuộc sống nhiều gia đình xáo trộn.


Gửi con cho ông bà trông là giải pháp của nhiều phụ huynh

Để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), theo chỉ đạo của tỉnh, toàn bộ trẻ mầm non và học sinh tiểu học, THCS, THPT nghỉ từ ngày 4 đến hết ngày 9.2. Đây là chủ trương đúng nhưng đối với nhiều phụ huynh có con ở bậc mầm non, tiểu học đang gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí chỗ trông giữ trẻ.

Bối rối

Theo chị Vũ Thị Hà, chủ cơ sở nhóm trẻ độc lập Hoa Hướng Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng), khi có quyết định của tỉnh, chị cho toàn bộ số trẻ nghỉ và thông báo tới phụ huynh chủ động tìm chỗ trông giữ trẻ. Một số nhóm trẻ gia đình của xã cũng lo lắng tình hình dịch bệnh nên không nhận trông trẻ. Nhóm trẻ của gia đình bà Lưu ở thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường trước đây thường nhận 20-30 trẻ nay cũng dừng chỉ trông vài cháu trong gia đình.

Chị Nông Thị Hằng, quê ở tỉnh Cao Bằng xuống làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (Cẩm Giàng) cho biết: "Chỉ có hai mẹ con tôi ở với nhau. Con tôi mới được 13 tháng tuổi. Khi có thông tin con phải nghỉ học, tôi rất lo lắng không biết tìm chỗ nào để gửi cháu. Công ty không cho nghỉ mà nếu không đi làm thì không có tiền để trang trải cuộc sống. Nhóm trẻ tư thục cũng đóng cửa, tôi phải nhờ người tìm xem có gia đình nào trong xã nhận trông giữ trẻ để gửi...".

Không chỉ những công nhân lao động ở xa quê mà ngay người lao động trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Chị Lê Thị Ngọ ở xã Thái Học (Bình Giang) hiện là công nhân Công ty CP May Hải Anh trong huyện cho biết: "Khi nhận được thông báo cho các cháu nghỉ học gần 1 tuần tôi rất lo lắng. Vợ chồng tôi có 4 con. Cháu nhỏ nhất ở độ tuổi mẫu giáo, 2 cháu học tiểu học, 1 cháu học THCS. Chồng tôi lại đi làm ăn xa. Tôi chỉ còn mỗi cách là đưa các cháu về gửi ông bà nội tuổi đã cao, sức khỏe yếu. Hiện ông bà nội cũng phải trông 2 cháu là con của em chồng tôi. Các cháu tập trung đông, đang tuổi nô nghịch, tôi cũng rất sợ mất an toàn".

Học sinh nghỉ học là cần thiết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhưng bố mẹ lại không được nghỉ khiến công việc, cuộc sống nhiều gia đình xáo trộn.

Nỗi lo sau kỳ nghỉ

Hiện nay, với nhiều gia đình, nhờ ông bà nội, ngoại ở gần trông hộ con là giải pháp số một. Anh Nguyễn Hữu Tuynh ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết: "Vợ chồng tôi có con 4 tuổi. Sau khi đắn đo cân nhắc, chúng tôi quyết định gửi cháu sang nhờ ông bà ngoại ở cùng thôn trông giúp".

Nhiều gia đình không tìm được chỗ giữ trẻ, không nhờ được người thân đã phải nghỉ việc để trông con. Chị Bùi Thị Lý (Thanh Hà) chia sẻ: "Vợ chồng tôi đều làm trong công ty, ông bà nội, ngoại ở xa. Con tôi mới 21 tháng tuổi. Do không tìm được chỗ trông trẻ nên tôi xin công ty cho nghỉ 1 tuần không lương".

Không ít công nhân ở tỉnh ngoài đến Hải Dương làm việc đã phải xin nghỉ làm để đưa con về quê nhờ ông bà, người thân trông giúp. Theo cô giáo Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tứ Minh (TP Hải Dương), trường có hơn 100 trẻ là con công nhân ở xa. Cùng với việc trường mầm non nghỉ học, tất cả 8 nhóm trẻ tư thục của phường cũng được yêu cầu không nhận trẻ. Nhiều công nhân đã phải lặn lội đưa con về quê để có thời gian làm việc.

Học sinh nghỉ học và tản mát về nhiều nơi, nhất là ở những địa phương trong vùng dịch nếu không được quản lý chặt chẽ cũng rất nguy hiểm. Do đó, các trường cần tăng cường quản lý, nắm chắc nơi đi, nơi đến của học sinh sau khi quay trở lại học tập. Đồng thời có biện pháp sàng lọc, theo dõi sức khỏe học sinh và thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

TRUNG THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xáo trộn vì... con được nghỉ học