Vì sao việc thực hiện chương trình dạy tiếng Anh mới hiệu quả hạn chế? Bài cuối: Không chạy theo số lượng

17/11/2018 10:16

Theo nhiều ý kiến, việc thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020" không nên triển khai ồ ạt.


Nhiều năm nay, Trung tâm Ngoại ngữ Ocean Edu Hải Dương phối hợp với một số trường trong TP Hải Dương tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao khả năng tiếng Anh cho học sinh

Những năm qua, từ các nhà trường cho đến giáo viên, học sinh đều khẳng định Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020" (gọi tắt là chương trình dạy tiếng Anh mới) có nhiều ưu điểm, phù hợp với xu thế về dạy và học ngoại ngữ. Nhưng để chương trình này thực hiện hiệu quả, thiết thực thì cần nhiều điều kiện hơn nữa.

Đáp ứng điều kiện cần

Để thực hiện tốt đề án của tỉnh cũng như từng bước nâng cao chất lượng dạy chương trình tiếng Anh mới, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề ra một số giải pháp bảo đảm những điều kiện thiết yếu cho các nhà trường. Theo đó, các giáo viên chưa đạt chuẩn năng lực tiếp tục được bồi dưỡng, còn những người đã qua nhiều lần bồi dưỡng nhưng không đáp ứng yêu cầu có thể bố trí công việc khác. Các trường ưu tiên tuyển dụng đủ giáo viên đáp ứng các yêu cầu về trình độ, năng lực để triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh mới. Nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức bồi dưỡng nâng cao phương pháp giảng dạy cho giáo viên tiếng Anh phổ thông ở nước ngoài. 

Đồng chí Trần Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng GDĐT TP Hải Dương cho biết: "Đơn vị đã có nhiều hoạt động nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh trong nhà trường như cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, hội thảo chuyên đề, định hướng các trường thành lập, duy trì hoạt động câu lạc bộ tiếng Anh để nâng cao kỹ năng nghe - nói, tự tin giao tiếp cho học sinh. Đồng thời, phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cho giáo viên". 

Thời gian tới, các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo quy định triển khai chương trình làm quen với ngoại ngữ cho trẻ 4 - 6 tuổi. Tiếp tục triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh tự chọn lớp 1 và 2, chương trình tiếng Anh mới ở các trường tiểu học có giáo viên đạt chuẩn và bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất. 

Công tác kiểm tra, đánh giá, thi cũng sẽ được thực hiện đồng bộ, nhất quán, đổi mới theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế. Các trường cần được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm dạy học. 

Thêm điều kiện "mềm"

Ngoài những yếu tố thiết yếu, để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh cần thêm rất nhiều điều kiện khác đi kèm. 

Sở GDĐT xác định một trong những nhiệm vụ các cơ sở giáo dục cần quan tâm là đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ. Trong đó, tăng cường phối hợp với các tổ chức để hỗ trợ giáo viên nước ngoài dạy tình nguyện tại các trường. Các hoạt động như thi tiếng Anh trên mạng, hùng biện, sinh hoạt câu lạc bộ, ngoại khóa, giao lưu tiếng Anh... cần được duy trì thường xuyên nhằm thu hút đông đảo học sinh tham gia, từ đó thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ.

Thầy Phương Kim Cánh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) nhận định: "Để nâng cao trình độ tiếng Anh, điều quan trọng nhất là tạo được hứng thú, sự say mê, tự học tập, rèn luyện cho học sinh. Các địa phương, nhà trường cũng cần quan tâm xây dựng môi trường để các em được thực hành kiến thức đã học, rèn kỹ năng nghe - nói. Vì hiện nay, học sinh chủ yếu chỉ học ở trường nên khó có điều kiện trau dồi, nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh".

Công tác xã hội hóa trong dạy học tiếng Anh cần được các trường quan tâm. Các trường tranh thủ sự ủng hộ của phụ huynh để phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ đưa giáo viên bản ngữ có trình độ chuyên môn tốt vào giảng dạy bổ trợ chương trình chính khóa. Cơ quan chức năng quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ để học sinh có điều kiện tốt học tập; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy ngoại ngữ bằng nhiều hình thức khác nhau như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dạy ngoại ngữ tình nguyện.

Cô Nguyễn Thị Nhan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Bình (TP Hải Dương) chia sẻ: "Những năm qua, được sự quan tâm của phụ huynh học sinh, nhà trường đã làm tốt việc đưa giáo viên người nước ngoài vào dạy tiếng Anh 1 tiết/tuần đối với học sinh từ lớp 2 - 5. Chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2 cũng được thực hiện hiệu quả. Những hoạt động tiếng Anh khác như ngoại khóa, hội thi, giao lưu được quan tâm tổ chức. Từ đó, dù còn gặp khó khăn nhưng khả năng tiếng Anh của học sinh có chuyển biến tích cực và đoạt giải cao ở nhiều cuộc thi, giao lưu các cấp". 

Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý cũng như giáo viên, phụ huynh và học sinh, thời gian tới, việc thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020" không nên triển khai ồ ạt. Các cơ sở giáo dục không chạy theo số lượng mà đặt chất lượng dạy học lên hàng đầu. Các trường căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định có triển khai hay không và thực hiện bao nhiêu lớp với số lượng học sinh như thế nào tốt nhất. Đặc biệt, cần tạo được sự khác biệt về chất lượng của học sinh học chương trình mới so với học chương trình cũ. Đồng thời tạo sự liên thông, cân đối giữa các cấp học để bảo đảm những học sinh theo học chương trình mới không bị gián đoạn.

Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2020, 100% số giáo viên ở các cấp học đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% số trường tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên có phòng học được trang bị các thiết bị môn tiếng Anh theo quy định (trong đó có khoảng 50% số trường tiểu học, THCS và 70% số trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên có phòng tiếng Anh bảo đảm theo quy định); đến năm học 2018 - 2019, 100% số trường tiểu học, THCS, THPT thực hiện dạy chương trình tiếng Anh mới; 100% số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên dạy ngoại ngữ vào năm học 2019 - 2020. Học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc 1, THCS đạt bậc 2, THPT đạt bậc 3, trường dạy nghề đạt bậc 2, trung cấp đạt bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu.

HOA TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao việc thực hiện chương trình dạy tiếng Anh mới hiệu quả hạn chế? Bài cuối: Không chạy theo số lượng