Ước vọng đầu năm: Đừng để người thầy "mất lửa"!

01/01/2020 19:30

Trước thềm năm mới, mong sao mỗi nhà giáo tiếp tục dưỡng nuôi "ngọn lửa" của lòng yêu nghề, mến trò…


Học sinh Trường THPT Trần Quang Khải (quận 1, TP Hồ Chí Minh) tri ân giáo viên nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 

"Giáo viên có cảm giác nghề không phải là nghề khi hai vũ khí của họ đã bị tước đoạt là cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh" - Đó là một ý kiến đánh giá thẳng thắn, sắc bén từ PGS.TS Lê Khánh Tuấn (nguyên Phó Vụ rưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Giáo dục và đào tạo) tại hội thảo "Đánh giá tổng quát chất lượng giáo dục Việt Nam - tiếp cận và thách thức" vào sáng 30.12.

Tôi nghĩ xã hội dẫu có đổi thay thế nào đi chăng nữa thì sứ mệnh của người "kỹ sư tâm hồn" sẽ mãi không bao giờ phôi pha – gieo tri thức, trồng nhân cách thế hệ trẻ. Sứ mệnh đặc biệt ấy muốn thành công thì người thầy phải dưỡng nuôi một ngọn lửa nhiệt huyết, yêu thương, cần mẫn, vị tha, sáng tạo…

Từ "ngọn lửa" nội tại, người thầy lại đi "thắp lửa" trong lòng học sinh. Chúng ta tự hào khi có không ít người thầy tận tâm, hết lòng vì học sinh thân yêu đã thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, say sưa sáng tạo, trui rèn lòng nhân ái, trung thực, trách nhiệm…Nhưng chúng ta cũng buồn biết bao khi có không ít người thầy đã… "mất lửa".

Xã hội đặt kỳ vọng lớn vào giáo dục trong nhà trường, phụ huynh giao trọng trách lớn cho người thầy dạy - dỗ thế hệ trẻ nhưng rõ ràng bủa vây quanh người thầy là vô số áp lực từ cái nhìn khe khắt của gia đình và xã hội sẵn sàng phán xét, đe nẹt, trả đũa nhằm vào người thầy nếu chẳng may mắc sai lầm trong phương pháp giáo dục.

Và sau nhiều lần trót rơi vào cảnh "tình ngay lý gian" trong giáo dục trẻ hoặc là chứng kiến đồng nghiệp của mình nhận "gạch đá" từ dư luận, một bộ phận nhà giáo dần dà "mất lửa", thui chột nhiệt huyết uốn nắn trẻ.

Phương châm giáo dục của họ lúc này sẽ là "có trống vào lớp, hết tiết ra về", là "mackeno" (mặc kệ nó). Thậm chí có người đã từng thốt lên đầy phẫn nộ "Bố mẹ nó không cho mình dạy, rồi cuộc đời sẽ dạy bài học thích đáng" nên bàng quan với trò biếng học, trò sai quấy trong nhận thức, hành vi.

Mặt khác, giáo dục nước nhà đang trong giai đoạn đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học và bước đầu đem lại nhiều tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, mặt trái của căn bệnh thành tích lại khiến lòng người nặng trĩu muộn phiền. Thầy phải dối lòng, trò không trung thực, xã hội kêu ca phàn nàn về điểm số, thành tích.

Chất lượng của ngành đặt ra, ấn định buộc người thầy phải "đua" để đạt chỉ tiêu. Phụ huynh lại mơ mộng về thành tích của con nên mùa thi lại rộn ràng xin điểm, chạy điểm. Giữa bối cảnh người người chuộng thành tích, nhà nhà mê thành tích như thế, người thầy mất dần quyền chấm điểm chính xác, đánh giá trung thực năng lực học sinh bởi chẳng có bao nhiêu người dám "ngược dòng thành tích".  Đáng buồn thay!

Bên cạnh đó, bàn về nhiệt huyết người thầy, dư luận lại khơi lên những nguyên nhân xưa cũ từng khiến bao người "mất lửa", nào là lương thưởng thấp, nào là áp lực khổng lồ từ nhà trường và xã hội, nào là sự bấp bênh trong quá trình công tác khi giáo dục liên tục đổi mới, cải cách…

Khi người đi "thắp lửa" mất dần nhiệt huyết, sản phẩm của giáo dục sẽ chẳng thể vẹn toàn đức - trí - thể - mĩ! Vậy nên, tôi nghĩ muốn trường học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc thì trước hết phải làm cho người thầy cảm nhận được hạnh phúc mỗi ngày đến lớp. Trước thềm năm mới, mong sao mỗi nhà giáo tiếp tục dưỡng nuôi "ngọn lửa" của lòng yêu nghề, mến trò…

Mong rằng ngành giáo dục, mỗi gia đình và toàn xã hội có những động thái tích cực đồng hành, tương tác, hỗ trợ để giúp người thầy giữ trọn vẹn ngọn lửa nhiệt huyết! Và lời kêu gọi trả lại "vũ khí" cho người thầy trên mặt trận giáo dục một lần nữa tha thiết gửi trao…


Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ước vọng đầu năm: Đừng để người thầy "mất lửa"!