Theo nghề gì để 4 năm nữa không thất nghiệp?

21/06/2020 12:34

Theo nghề gì để 4 năm nữa không thất nghiệp? Nhiều thí sinh thắc mắc với ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức.


Học sinh nghe tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, ngoại ngữ, sư phạm... tại ngày hội ở TP Hồ Chí Minh

Học ngành nào để không thất nghiệp?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Ban đào tạo Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội, chia sẻ đây là câu hỏi phổ biến năm nào cũng được thí sinh hỏi rất nhiều. Cách đây 4 năm, các thầy trong ban tư vấn đã nói "ngành nào bây giờ đang nhiều người thất nghiệp nhất thì 4 năm sau nó sẽ có cơ hội việc làm hơn, đó là quy luật". Tuy nhiên, thầy Thảo cũng lưu ý hãy căn cứ vào sở trường của mình nghiêng về nhóm môn học nào, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề nào. 

Bởi chọn một ngành nghề theo sở trường, ngành mình mong muốn hướng đến thì sẽ có động lực cố gắng và khả năng thành công cao hơn so với việc chỉ chăm chăm chọn một ngành "có cơ hội việc làm".

Ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết hiện nay ở Việt Nam, nhu cầu về nhân lực dịch vụ khách sạn rất lớn, vì chính phủ muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực. Cơ hội làm việc tại các tập đoàn đầu tư du lịch rất lớn, trải dài nhiều trình độ. 

Khối quản trị nhà hàng, khách sạn đang rất thiếu nhân lực bậc trung và bậc cao. Các trường du lịch chuyên biệt của bộ, tập đoàn, thành phố đầu tư rất nhiều. Mức thu nhập của các tập đoàn khách sạn 5 sao của trong nước, quốc tế đầu tư, với vị trí quản lý tính từ 1.000 đến 2.000 USD cho mức khởi điểm.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trường ĐH Ngoại thương, gợi ý ngành logistics, chính là ngành hậu cần. Bà tư vấn: để thực hiện một quá trình đưa hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng, là quá trình rất phức tạp. Với nền kinh tế áp dụng công nghệ, ngành này giúp cung ứng hàng hóa trên thế giới thuận lợi hơn. 

Đơn cử hệ thống cung Walmart của Mỹ có một hệ thống logistics khổng lồ, ứng dụng công nghệ rất cao. Đây là ngành giao thoa kinh tế và kỹ thuật, cung cấp cơ hội việc làm rất tốt. Các trường hiện nay lồng ghép với các chứng chỉ quốc tế, để các em đáp ứng chuẩn đầu ra, có thể làm việc tại các công ty có quy mô quốc tế, chuyên nghiệp.


Tổ tư vấn nhóm ngành kinh tế, báo chí, khoa học xã hội - nhân văn, ngoại ngữ, công an, quân đội trong ngày hội tại Hà Nội

Sau dịch COVID-19, ngành chế tạo robot sẽ "lên ngôi"?

"Dich COVID-19 khiến nhiều quốc gia phải thực hiện giãn cách xã hội, trong tình huống này nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã sử dụng robot thay thế con người. Thực tế này có tác động đến các ngành đào tạo liên quan tới robot không? Nếu tương lai, robot thay thế con người nhiều hơn thì ngành nghề nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn về cơ hội việc làm của những người trẻ?" - một thí sinh đặt câu hỏi.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định robot sử dụng trong nhiều lĩnh vực có thể thấy rõ hơn trong tình huống giãn cách xã hội. Nhưng thực chất, nó đã rất phát triển từ 20 năm trước và ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

"Trước đây, bây giờ và trong tương lai, robot đã, đang và sẽ là một cấu phần của nền công nghiệp 4.0. Không chỉ có robot sử dụng trong các dây chuyền sản xuất mà đã có mặt trong rất nhiều lĩnh vực đời sống, ví dụ như ngành chăm sóc sức khỏe, công nghiệp thực phẩm. 

Trong lĩnh vực đào tạo, không chỉ các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… mà hầu hết các ngành đào tạo cũng đang có những ứng dụng như thí nghiệm ảo, mô hình ảo thay thế cho việc phải dạy học tại thực địa.

"Nhưng vẫn phải khẳng định máy vẫn là máy, không bao giờ thay thế hoàn toàn con người. Yếu tố con người vẫn luôn quan trọng trong mọi thời đại", GS Thảo nói. 


Các bạn học sinh nghe giải đáp các thắc mắc của các thầy cô trong ban tư vấn 

Chỉ tiêu ngành cảnh sát, quân đội năm nay ra sao?

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết chỉ tiêu ngành cảnh sát, quân đội rất ít, lại tuyển theo tỉ lệ phần trăm, và tỉ lệ nam nữ. Thủ tục hồ sơ tại địa phương do công an địa phương hướng dẫn, song song các em phải đăng ký thi tuyển vào các trường công an (đăng ký tại trường THPT thí sinh theo học). 

Thông tin để đăng ký: vào website trường sẽ có đề án tuyển sinh hướng dẫn. Với khối công an, quân đội, các em chỉ được đăng ký 1 nguyện vọng, nghĩa là đăng ký vào 1 trường của ngành và 1 ngành của trường. Đã đăng ký trường công an, thì không đăng ký trường quân đội. 

Các em không phải đóng học phí khi học khối này, ra trường 100% đều có việc làm.

Ngành lịch sử có nhiều cơ hội việc làm?

Một thí sinh đặt vấn đề: Hiện nay đất nước đang phát triển thị trường, không chú tâm đến môn lịch sử. 10 năm sau ngành nghiên cứu lịch sử có phát triển không, cơ hội việc làm thế nào?

TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, giải đáp: Tôi nghĩ truyền thông của ta chưa làm tốt về lịch sử dẫn đến mọi người nghĩ ngành này khó xin việc. Lịch sử có vai trò rất quan trọng, như Bác Hồ đã nói: "Dân ta phải biết sử ta". Càng muốn phát triển kinh tế, càng cần phải biết lịch sử. Cơ hội nghề nghiệp ngành này rất lớn.

Ths Nguyễn Văn Hồng, Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn Hà Nội, chia sẻ thêm: Ngành lịch sử và văn học có lịch sử lâu đời nhất của trường. Ngành này có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Sinh viên lịch sử có thể làm việc tại các cơ quan quản lý văn hóa, trung tâm, di tích bảo tàng... Khi vào học ĐH, các em sẽ được học kiến thức nền tảng về lịch sử của Việt Nam và thế giới. Các em không nên quá lo lắng về tương lai nghề nghiệp trong ngành này.

AI có thay thế người làm báo trong tương lai?

Em Phạm Toàn Cơ, Trường TH-THCS-THPT Tân Phú, TP.HCM thắc mắc: "Em muốn đăng ký thi báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi ra trường, em muốn lập tờ báo riêng để đưa ý tưởng của mình, thì có được không?".

Cho rằng đây là một câu hỏi hay và đã có "tố chất", TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tư vấn: "Trước hết, sau khi ra trường, em cần tuân thủ và tìm hiểu luật báo chí, cái gì được phép làm và cái gì không được phép. Tuy nhiên, để có công việc như ý muốn, ý tưởng thì trước hết em nên đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực để có thêm cơ hội, vì đây là ngành điểm cao và có nhiều thí sinh dự thi".


Bạn Phạm Toàn Cơ, Trường TH-THSS-THPT Tân Phú đặt câu hỏi với các thầy cô tư vấn

Trong khi đó tại gian tư vấn Học viện Báo chí và Tuyên truyền, em Hoàng Thị Mai (Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) đặt câu hỏi về trí tuệ nhân tạo thay thế công việc của người làm báo, liệu tương lai nhà báo còn giữ được vai trò của mình hay không?

Chia sẻ về vấn đề này, tư vấn viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền giải thích: "Trí tuệ nhân tạo đang đạt đến thời kỳ hưng thịnh với sự giúp sức của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ.

Xét trên báo chí thế giới, nhiều nơi đã bắt đầu áp dụng AI vào việc đưa tin. Điều này dựa trên cơ sở hầu hết các tin tức về sự kiện được phát đi dựa trên thông cáo báo chí từ các hãng thông tấn, cho nên với vài thuật toán, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế phóng viên để đưa tin với các dữ liệu cho sẵn.

Tuy nhiên, người làm báo vẫn có thể giữ được vị thế ở các lĩnh vực đòi hỏi sự chuyên sâu và phân tích nhiều vấn đề hơn. Điều này đòi hỏi người làm báo phải liên tục trau dồi những kỹ năng và nền tảng chắc chắn để cạnh tranh với sự phát triển của máy móc".

Giấc mơ chế tạo ô tô" và cơ hội việc làm

Những chiếc ô tô "made in Viet Nam" đã nhen nhóm hi vọng của nhiều thí sinh khi muốn chọn ngành công nghệ ô tô, kỹ thuật ô tô. Tại phiên tư vấn nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật công nghệ của Ngày hội tại Hà Nội, ban tư vấn đã phải trả lời nhiều câu hỏi về "ô tô".

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, khuyên các bạn thí sinh cứ mạnh dạn lựa chọn điều mình mơ ước. Thầy cho biết với chuyên môn tốt về cơ khí ô tô, công nghệ ô tô, nhiều cựu sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải đã có vị trí việc làm rất tốt. Nhiều bạn đã nhanh chóng trở thành các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng chia sẻ về "giấc mơ ô tô" và việc nên chọn học ở đâu học phí thấp, cơ hội việc làm cao, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết thế mạnh của trường ông là ngành công nghệ ô tô. Trong đó, trường đã kết hợp với những doanh nghiệp có thương hiệu để đào tạo và cam kết việc làm sau đào tạo. Ví dụ như kết hợp với VinFast. Những sinh viên học chương trình này được cam kết có việc làm ngay sau khi ra trường với mức lương khởi điểm cao.

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cũng là một trong những trường cam kết sinh viên ra trường không có việc làm sẽ hoàn trả học phí.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng khẳng định ngành kỹ thuật ô tô, kỹ thuật cơ điện tử là hai ngành mũi nhọn của Trường ĐH Bách khoa HN, trong đó có chương trình tiên tiến đào tạo bằng tiếng Anh. Điều này cho thấy cơ hội nhân lực ở các ngành này rất lớn.

Ăn đủ, ngủ đủ để thi tốt

Mở đầu phần tư vấn của mình, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng Khoa dinh dưỡng, tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, hỏi các học sinh: Các em ngủ một đêm mấy tiếng? Các học sinh đồng thanh trả lời: Dạ, 4 tiếng - Ban ngày các em có buồn ngủ lúc đang học không? - Dạ, có - Có khi học rồi nhưng lại quên không? - Dạ, có - Có ai bỏ bữa sáng không? - Dạ có.

BS Hạnh cho biết: "Mỗi đêm chúng ta cần ngủ ít nhất từ 6-8 tiếng. Giấc ngủ phải sâu và chất lượng, buổi sáng hôm sau thức dậy sẽ thấy sảng khoái. Có nhiều em buồn ngủ nhưng không dám ngủ, khi ngủ cũng cứ trăn trở vì quá lo lắng trong mùa thi. Vì vậy, chúng ta cần chia thời khóa biểu để học và nghỉ ngơi điều độ. Buổi trưa các em có thể chợp mắt trong 15 phút để chiều học tốt hơn.

Đặc biệt, các em không nên lạm dụng trà, cà phê và nước tăng lực. Khi uống nước tăng lực có thể chúng ta sẽ thấy hưng phấn, thấy khỏe nhưng sau đó sẽ mệt mỏi vì khó ngủ, người vật vờ...

BS Hạnh cũng khuyên các học sinh nên ăn chín, uống sôi, không uống nước đá và lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không được bỏ bữa sáng mà cần ăn đầy đủ, đa dạng để não có thể làm việc tốt nhất. Đặc biệt là không thử những thức ăn lạ trong mùa thi.

Tại buổi tư vấn, một học sinh đã đặt câu hỏi: "Đến mùa thi, mẹ em thường bắt ăn chè đậu. Mà ngày nào cũng ăn nên em rất ngán. Mẹ thì bảo ăn chè đậu để thi đậu. Mẹ còn không cho em ăn chuối, ăn bí… vì sợ thi trượt. Như vậy có đúng không?

BS Hạnh trả lời: Nhiều phụ huynh còn không cho con em mình ăn trứng, bánh lọt…vì sợ thi rớt. Nhưng trên thực tế không phải như vậy, không có dưỡng chất nào bổ mà đầy đủ các chất cả. Việc ăn chè mỗi ngày là không nên vì như vậy chúng ta sẽ nạp một lượng đường quá cao vào cơ thể trong khi mùa thi não chúng ta cần lượng đường ổn định. Các loại thực phẩm: bí xanh, bí đỏ, trứng… đều rất tốt cho não và sức khỏe, không cần phải kiêng cữ. Các em không nên dùng nước ngọt hay bánh kẹo nhiều quá mà thôi.

BS Hạnh cũng khuyên các học sinh nên nói với ba mẹ hãy cho con ăn những món con thích và ăn các loại thực phẩm phong phú, đa dạng nhưng không phải... bánh tráng trộn và trà sữa.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Theo nghề gì để 4 năm nữa không thất nghiệp?