Thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học: Hiệu quả từ công tác hướng nghiệp

30/09/2020 10:00

Theo số liệu tổng hợp của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, cả nước có gần 276.000 thí sinh thực hiện điều chỉnh.


Có trên 190.000 thí sinh điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến và hơn 85.000 thí sinh điều chỉnh bằng phiếu. Con số trên cho thấy phần lớn thí sinh tự tin với lựa chọn ban đầu của mình.

Hướng nghiệp đi vào thực chất

Theo đại diện các trường THPT, việc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh năm nay chủ yếu là thay đổi thứ tự, vị trí của nguyện vọng. Chẳng hạn: Nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường tốp trên, khối ngành “hot”, nhưng sau khi biết điểm thi và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của trường mình đăng ký xét tuyển ban đầu, đã điều chỉnh hạ nguyện vọng qua trường khác có “điểm sàn” thấp hơn. Ngoài ra, thí sinh sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn so với dự đoán nên điều chỉnh đăng ký xét tuyển vào trường tốp cao hơn so với nguyện vọng ban đầu.

Theo TS Nguyễn Viết Đăng, Trưởng Ban Quản lý đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), kết quả điều chỉnh nguyện vọng cho thấy, công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông có chuyển biến tích cực. Với tỷ lệ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng hơn 40%, chứng tỏ các em đã khá ổn định với lựa chọn ban đầu của mình. Số thí sinh thay đổi nguyện vọng chủ yếu liên quan đến điểm thi. Tức là căn cứ vào số điểm của mình, các em điều chỉnh để sát với thực tế hơn và tăng cơ hội trúng tuyển.

TS Nguyễn Viết Đăng nhấn mạnh: Thí sinh đã hoàn tất việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình (nếu có), việc còn lại là chờ điểm chuẩn và thông báo nhập học của trường mà mình đăng ký xét tuyển. Vì vậy, thay vì băn khoăn, lo lắng, các em nên tự tin vào quyết định của mình và an tâm chờ điểm trúng tuyển. Thí sinh cần theo dõi thường xuyên trên website của trường mà mình đăng ký xét tuyển để cập nhật những thông báo mới nhất về tuyển sinh, trong đó điểm chuẩn đầu vào và danh sách thí sinh trúng tuyển.


Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2020

Nhắn gửi đến các thí sinh, TS Nguyễn Viết Đăng khuyến nghị: Với em trúng tuyển cần đặc biệt lưu ý, ở bậc đại học phương pháp dạy - học khác hẳn so với thời học phổ thông. Các em cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng bắt nhịp. Bậc đại học, đề cao tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Do đó, các em cần lập kế hoạch học tập phù hợp và trang bị kỹ năng sống cho mình để có thể hòa hợp cùng các bạn muôn phương.

Với những thí sinh không may mắn trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ còn nhiều nguyện vọng kế tiếp. Trường hợp không đậu ĐH, các em cần bình tĩnh và không nên tự ti. Các em còn trẻ, còn nhiều ngã rẽ để lựa chọn, bởi đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Các em có thể học nghề hoặc chờ đợi cơ hội tiếp theo.

Tiếp tục hỗ trợ các trường lọc ảo

Đồng quan điểm, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội trao đổi: Các em không nên quá nặng nề về học đại học hay cao đẳng, trung cấp nghề. Quan trọng là cơ hội việc làm sau này và các em lựa chọn được đúng ngành nghề mà mình đam mê, yêu thích. Lựa chọn đúng ngành nghề và được học những gì mình yêu thích, các em sẽ phát huy được sở trường trong quá trình học tập và công việc sau này.


Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Theo TS Đồng Văn Ngọc, tỷ lệ thất nghiệp với học nghề rất thấp. Vì thế, thí sinh không có học lực tốt có thể học nghề để ra trường sẵn việc làm ngay. “Thực tế cho thấy, vị trí việc làm trực tiếp ở các doanh nghiệp chiếm từ 75% trở lên trong tổng số nhân sự. Số liệu trên cho thấy, cơ hội việc làm giữa học nghề và đại học có sự khác nhau. Học gì cũng đáng trân quý, miễn sao các em biết nắm bắt cơ hội và nỗ lực, phấn đấu với sự lựa chọn của mình”, TS Đồng Văn Ngọc chia sẻ.

Theo kế hoạch, từ ngày 2.10 đến 17 giờ ngày 4.10, các trường đại học, cao đẳng thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo quy chế tuyển sinh. Trước 17 giờ ngày 5.10, nhà trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Với việc thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng và không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển, đã tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các ngành, trường mà mình yêu thích. Theo đó, các trường cũng có điều kiện để lựa chọn được thí sinh phù hợp. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra lượng thí sinh ảo. Từ năm 2017, Bộ GDĐT hỗ trợ các trường sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển và lọc ảo. Năm 2020, để công tác tuyển sinh được ổn định, giảm thiểu thí sinh ảo cho các trường, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác xét tuyển và lọc ảo. Qua đó, giúp các thí sinh và nhà trường giảm chi phí, thời gian, công sức, đi lại đăng ký, tiếp nhận hồ sơ nguyện vọng…

Theo TS Đồng Văn Ngọc, nếu không có nhu cầu học đại học hoặc nếu không may bị trượt đại học, các em hoàn toàn có thể đăng ký theo học ở trường cao đẳng hoặc bất kỳ trường nghề nào khác. Cơ hội vẫn còn ở phía trước, các em hãy nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng để có hành trang vững chắc cho tương lai.

Theo Giáo dục và Thời đại

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học: Hiệu quả từ công tác hướng nghiệp