Sau sáp nhập, trường học ở Hải Dương hoạt động thế nào?

11/09/2020 21:04

Ở Hải Dương, việc sáp nhập giúp các trường học có nhiều thuận lợi song cũng còn không ít khó khăn cần tháo gỡ khi bước vào năm học mới 2020-2021.


Sau sáp nhập, Trường Tiểu học Phạm Thái (Kinh Môn) phải chuyển 2 phòng chuyên môn là mỹ thuật và âm nhạc thành phòng học

Nhiều thuận lợi...

Sau đúng 1 năm sáp nhập, chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Đức Sáu ở xã Minh Tân (Nam Sách) đi lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh THCS đạt học lực giỏi tăng 10%, tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện tăng 20%; điểm tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 của học sinh nhà trường xếp thứ186 trong tổng số 272 trường THCS toàn tỉnh (tăng 8 bậc); học sinh của trường xếp thứ nhất viết chữ đẹp cấp huyện...

Thầy giáo Nguyễn Bá Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Đức Sáu cho biết trước đây, trường THCS thiếu giáo viên mỹ thuật, tin học nhưng kể từ khi sáp nhập thì đã tận dụng được giáo viên các bộ môn này từ trường tiểu học. Khi 2 trường chưa sáp nhập có 2 nhà hiệu bộ, giờ giảm còn 1. Nhà hiệu bộ của trường tiểu học cũ được chuyển sang làm phòng bộ môn. Ngày trước, trường tiểu học có sân bóng đá mini nhưng lại không có sân tập thể dục, trường THCS thì ngược lại. "Khi sáp nhập cơ sở vật chất trường lớp hoàn chỉnh, đầy đủ hơn", thầy Mạnh nói.

Tháng 1.2020, Trường Mầm non Kim Liên được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 Trường Mầm non Kim Khê và Kim Lương (Kim Thành). Cô giáo Hứa Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định sự sáp nhập đã giúp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi của trường thêm khang trang, đầy đủ. Những điểm mạnh của giáo viên 2 trường được hội tụ, bổ trợ cho nhau, chất lượng chuyên môn vì thế cũng tốt lên. "Trường đã khắc phục được cả tình trạng thiếu giáo viên. Tỷ lệ giáo viên của nhà trường hiện đã đạt 1,7 người/lớp, tuy vẫn còn thấp hơn quy định của tỉnh nhưng đã thuận lợi hơn nhiều so với trước", cô Hà chia sẻ.

Việc sáp nhập trường ở tỉnh ta diễn ra mạnh mẽ trong những năm học gần đây. Ngay trước thềm năm học mới 2020-2021, việc này tiếp tục được thực hiện tại nhiều địa phương. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 9.9, toàn tỉnh có 742 trường mầm non, tiểu học và THCS, giảm 92 trường so với trước đây (tỷ lệ giảm 11%). 

Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có duy nhất huyện Gia Lộc chưa sáp nhập trường. Tuy nhiên, địa phương này đã có 6 cơ sở giáo dục sáp nhập về TP Hải Dương. Huyện Kim Thành có tỷ lệ trường giảm mạnh nhất tỉnh sau sáp nhập với 18,2%, tiếp đến là TP Chí Linh 16,9%...

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo một số địa phương đều đồng quan điểm cái lợi nhìn thấy rõ nhất sau sáp nhập chính là việc giảm được đội ngũ quản lý, nhân viên, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được ngân sách cho Nhà nước. 2 trường khi sáp nhập với nhau đã giảm được 1 hiệu trưởng, 2 hiệu phó, 1 văn thư, 1 giáo viên phụ trách thư viện... Cơ sở vật chất có sự bù trừ cho nhau, hoàn chỉnh hơn. Nhiều trường sau sáp nhập đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên bộ môn kéo dài nhiều năm...

... nhưng còn trăn trở

Trước kia, thường các trường THCS và tiểu học nằm gần nhau, khi sáp nhập có nhiều thuận lợi. Nhưng với những trường sáp nhập giữa 2 xã hoặc phường thì cũng nảy sinh một số khó khăn.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Thái (Kinh Môn) Hoàng Thị Huệ cho biết sau sáp nhập, học sinh ở khu Phạm Mệnh vẫn học ở Trường Tiểu học Phạm Mệnh cũ, học sinh ở khu Thái Sơn học ở Trường Tiểu học Thái Sơn cũ. 2 điểm trường cách nhau gần 4 km, việc triệu tập giáo viên, học sinh để tổ chức sinh hoạt chuyên môn hay các hoạt động tập thể là một trở ngại lớn. "Học sinh nhà trường tăng sau sáp nhập dẫn tới thiếu phòng học. Chúng tôi phải sử dụng phòng âm nhạc và mỹ thuật làm phòng học. Giờ thì thiếu phòng chuyên môn. Phòng Hội đồng nhà trường trước chỉ đủ cho 25 giáo viên ngồi, nay tăng lên 43 người, mỗi lần họp phải chuyển sang phòng lớp học", cô Huệ cho biết.

Huyện Nam Sách đã sáp nhập 12 trường thành 5 trường tiểu học và THCS, 1 trường mầm non. Trước sáp nhập, cả 12 trường đều đã đạt chuẩn quốc gia nhưng sau sáp nhập thì không đủ tiêu chí để đạt danh hiệu này. Ngoài cơ sở vật chất, việc sáp nhập trường tiểu học và THCS ở Nam Sách cũng nảy sinh một số bất cập do hoạt động chuyên môn của 2 cấp học có đặc trưng riêng. Thời gian mỗi tiết học ở bậc tiểu học là 35+5 phút, THCS là 45 phút. Giờ chào cờ học sinh tiểu học phải ngồi nghe hiệu trưởng nhận xét về học sinh THCS và ngược lại. Ông Nguyễn Huy Thuận, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Nam Sách cho biết: "Như vậy rất mất thời gian nên sau một thời gian, các trường đã thống nhất cho học sinh tiểu học và THCS chào cờ riêng".

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau sáp nhập, trường học ở Hải Dương hoạt động thế nào?