Lơ là xử lý dạy thêm, học thêm trái phép

16/09/2018 12:22

Tình trạng dạy thêm học thêm tồn tại nhiều năm như một căn bệnh trầm kha là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và ngành giáo dục.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập diễn ra căng thẳng sẽ là “ngòi nổ” cho việc dạy thêm, học thêm trái phép

Cơ quan chức năng kêu khó

Vừa mới bước vào đầu năm học mới, nhiều phụ huynh đã bức xúc vì giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Anh N.T.H. có con năm nay học lớp 4 ở Trường Tiểu học T. (TP Hải Dương) bức xúc nói: "Ngay tối hôm khai giảng, con tôi đã phải đến nhà cô giáo của trường học thêm. Đặc biệt, cô dạy quá nhiều, tới 4 buổi/tuần. Trong đó có 2 buổi tối của ngày học chính thức, còn lại học vào sáng thứ bảy và chiều chủ nhật. Lịch học như thế này, con tôi không còn ngày nghỉ. Vợ chồng tôi đều bận nên việc đưa đón cháu gặp nhiều khó khăn".

Hiện nay, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và của tỉnh đều nghiêm cấm việc DTHT đối với học sinh tiểu học, trừ DTHT các môn nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống được cơ quan chức năng cấp phép. Đối với bậc THCS, THPT, giáo viên muốn DTHT ngoài nhà trường phải được lãnh đạo nhà trường cho phép và cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên thực tế, rất ít giáo viên của tỉnh có giấy phép DTHT ngoài nhà trường. 

Việc phát hiện, xử lý tình trạng DTHT trái quy định không khó nếu chính quyền cấp xã tích cực vào cuộc. Ông Lê Đắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình (TPHải Dương) cho biết: Thời gian qua, phường đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt công tác DTHT đối với các nhà trường, nhất là yêu cầu giáo viên không DTHT trái quy định. Phường đề nghị các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư tuyên truyền đến nhân dân và nắm bắt tình hình, nếu phát hiện có trường hợp DTHT trái quy định cần thông báo cho UBND phường và Phòng GDĐT thành phố xử lý. Tuy nhiên, ông Hòa cũng thừa nhận việc quản lý DTHT vẫn còn khó khăn. "Nếu cán bộ ở các khu dân cư hay người dân biết có DTHT trái quy định nhưng không thông báo thì phường rất khó nắm bắt", ông Hòa nói.

Thời gian qua, rất ít nhà trường xử lý giáo viên của mình DTHT trái quy định. Nếu phát hiện ra thì chủ yếu nhắc nhở, yêu cầu rút kinh nghiệm chứ chưa làm nghiêm vì nể nang, không muốn "vạch áo cho người xem lưng". Do đó, giáo viên vẫn cứ "yên tâm" DTHT trái phép. Hầu hết các trường mới chỉ quan tâm quản lý DTHT ở trong trường, còn DTHT ngoài nhà trường thì gần như buông lỏng. Lãnh đạo nhà trường chưa quan tâm tuyên truyền, quán triệt quy định của các cấp về hoạt động DTHT. Vừa qua từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, Phòng GDĐT TP Hải Dương đã kiểm tra và lập biên bản 5 giáo viên DTHT trái quy định gồm các trường THCS N.G.T, trường B.M. và L.H.P. Đáng nói là hôm trước phòng đã xử lý 1 giáo viên của trường N.G.T. nhưng lãnh đạo nhà trường không thông báo tình hình, quán triệt tới giáo viên. Do đó, ngày hôm sau 1 giáo viên khác của trường này tiếp tục bị Phòng GDĐT thành phố xử lý. 

Cô giáo Trần Cẩm Ninh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) cho biết: Trong năm học, nhà trường tuyên truyền các quy định về DTHT và yêu cầu giáo viên ký cam kết không DTHT dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, tuyên truyền đến các bậc phụ huynh quy định về giáo viên bậc tiểu học không được phép dạy thêm. "Lãnh đạo nhà trường thực hiện kiểm tra đột xuất toàn bộ giáo viên 2 lần trong năm học vào các khung giờ từ 5 - 7 giờ chiều, 7 - 9 giờ tối. Tuy nhiên, do lực lượng và thời gian có hạn nên nhà trường không thể thường xuyên kiểm tra hoạt động DTHT đối với giáo viên", bà Ninh nói.

Quy định còn bất cập

Quy định của Bộ GDĐT còn có điều khiến các cơ quan chức năng gặp khó khi xử lý giáo viên DTHT trái quy định. Chánh Thanh tra Sở GDĐT Phạm Hồng Quân cho rằng: "Bộ GDĐT quy định hoạt động dạy học sinh không thu tiền thì không coi là DTHT. Do đó, khi phát hiện giáo viên dạy ở ngoài nhà trường nhưng không có căn cứ thu tiền của học sinh thì rất khó xử lý. Đồng thời, nếu giáo viên và phụ huynh thống nhất với nhau việc dạy học ngoài nhà trường chỉ là kèm cặp con em người thân thì cũng chưa xử lý được".

Chính từ quy định trên của Bộ GDĐT nên nhiều giáo viên tổ chức DTHT trá hình dưới hình thức kèm cặp con em của người thân. Dịp hè vừa qua, từ thông tin của người dân về việc có giáo viên tiểu học tổ chức dạy học sinh ở nhà, Phòng GDĐT huyện Kim Thành đã đến kiểm tra. Nhưng khi tới thì giáo viên và phụ huynh đều khẳng định cô giáo chỉ kèm cặp một số con em trong nhà nên đoàn cũng không thể xử lý.

Ngoài những nguyên nhân trên, hiện nay hầu hết phụ huynh đều có nhu cầu cho con học thêm vì áp lực thi cử, chương trình học còn nặng và sự kỳ vọng vào con cái. Nguồn thu từ DTHT ngoài nhà trường rất lớn, nên nhiều giáo viên không ngại "vượt rào" để thực hiện. Cùng với đó, các trường, giáo viên cũng nặng về thành tích, cạnh tranh nhau về chất lượng nên tìm mọi cách để có kết quả tốt nhất. Đó là lý do nhiều lãnh đạo nhà trường nhắm mắt cho qua, thậm chí còn "bật đèn xanh" cho giáo viên.

Thời gian tới, áp lực của kỳ thi THPT quốc gia, thi vào lớp 10 và kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6 chất lượng cao có thể sẽ trở thành "ngòi nổ" cho việc DTHT tràn lan. Sở GDĐT cần chỉ đạo Phòng GDĐT cấp huyện, các nhà trường cần thường xuyên quán triệt cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc quy định về DTHT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Chính quyền các xã, phường, thị trấn, người dân cần tích cực phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các trường hợp DTHT sai quy định. Phụ huynh học sinh cần lên tiếng khi nhà trường, giáo viên tổ chức DTHT trái phép.

TRUNG VŨ

(0) Bình luận
Lơ là xử lý dạy thêm, học thêm trái phép