Hải Dương chuẩn hóa các trường học

25/10/2020 06:04

Cơ sở vật chất trường học của Hải Dương tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Số lượng, chất lượng giáo viên ở các cơ sở giáo dục ngày càng được nâng lên.


Hằng năm, học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt 99,6% (tăng 0,68% so với nhiệm kỳ trước). Trong ảnh: Giờ chào cờ tại Trường THCS Ngô Gia Tự (TP Hải Dương)

Thay đổi cả cơ sở vật chất và đội ngũ

Trong 5 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tiếp tục quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Tỉnh đã triển khai Đề án “Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020”, chỉ đạo các địa phương tăng cường nguồn lực cho xây dựng trường học, bảo đảm theo tiêu chí nông thôn mới. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 659 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 79,8% (tăng 172 trường, 22,6% so với năm 2015), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 95,6%, tăng 5% so với năm 2015.

5 năm trước, toàn tỉnh vẫn còn hàng nghìn phòng học tạm, học nhờ. Học sinh rất nhiều trường, nhất là bậc tiểu học, mầm non phải học phân tán ở các điểm lẻ với phòng học cấp 4, bán kiên cố chật chội, xuống cấp, thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng. Giờ đây, tới địa phương nào trong tỉnh cũng dễ dàng bắt gặp những ngôi trường được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang. Tỷ lệ phòng học tạm, học nhờ đã giảm rất nhiều.

Trường Mầm non Liên Hồng mới khánh thành tháng 2.2020 được đánh giá là một trong những cơ sở giáo dục hiện đại bậc nhất TP Hải Dương hiện nay. Trường có 11 phòng chức năng, 20 phòng học rộng rãi, trang bị đầy đủ máy tính, máy chiếu, ti vi thông minh. Sân trường rộng rãi, xung quanh có vườn cổ tích, khu trải nghiệm, khu phát triển vận động... Tổng kinh phí xây dựng trường lên tới hơn 40 tỷ đồng, do ngân sách địa phương đầu tư từ nguồn đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. Trước đây, học sinh của trường phải học tập tại 6 điểm lẻ, 19 trong tổng số 22 phòng học là nhà cấp4. "Có trường mới đạt chuẩn, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ sẽ tốt hơn. Năm học này, nhà trường được ngành giáo dục và đào tạo thành phố chọn xây dựng trường điển hình tiên tiến", Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Hồng Nguyễn Thị Gấm cho biết.     

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hạ tầng công nghệ thông tin được cải thiện, nâng cấp với 100% số trường sử dụng mạng internet, có cổng thông tin điện tử. Ngành giáo dục đã nâng cấp hệ thống quản lý trường học bảo đảm liên thông dữ liệu giữa tất cả các cấp, làm cơ sở để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. 95% số văn bản chỉ đạo điều hành được gửi, nhận qua hệ thống email và cổng thông tin điện tử chung toàn ngành. "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp giáo viên, học sinh giảng dạy và học tập thuận tiện, hiệu quả hơn mà còn giải quyết được những tình thế khó khăn. Đợt dịch Covid-19 vừa qua mới thấy nhiều giáo viên luống tuổi cũng sử dụng công nghệ thành thạo, bảo đảm được nhiệm vụ dạy học trực tuyến", ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ nhận xét.

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, Hải Dương chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. 5 năm qua, tỉnh đã một số lần tổ chức xét tuyển, thi tuyển giáo viên cho các cơ sở giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh có 2.172 cán bộ quản lý, 23.583 giáo viên, 3.653 nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo đạt 98,3%. 

Chất lượng được nâng lên

Việc chuẩn hóa trường học đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương không ngừng đi lên.

Nhiều năm nay, Hải Dương liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Hằng năm, 99,96% số trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, 99,99% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; 97% tốt nghiệp THCS. Công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật đạt kết quả tốt. Chất lượng giáo dục mầm non có tiến bộ rõ nét. Các chỉ số quan trọng thể hiện chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ của tỉnh đều tăng và cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Duy trì 100% số trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh, cao hơn tỷ lệ chung toàn quốc 22,4%. Chất lượng giáo dục phổ thông chuyển biến tích cực theo hướng toàn diện.

Các trường đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Triển khai, áp dụng các hình thức và phương pháp dạy học mới, hiện đại, coi đây là giải pháp vừa có ý nghĩa trực tiếp nâng cao chất lượng giáo dục, vừa thực nghiệm các vấn đề mới, khó của chương trình giáo dục phổ thông và bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực.

Hằng năm, toàn tỉnh có 92% số học sinh lớp 3-5 được học tin học (tăng 63,1%), 100% số học sinh lớp 3-5 được học tiếng Anh. Học sinh THCS có hạnh kiểm tốt bình quân đạt 79%/năm (tăng 5,4% so với nhiệm kỳ trước), học lực giỏi, khá đạt 68% (tăng 3,67%). Tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt 99,6% (tăng 0,68%). Tỷ lệ học sinh có điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 đạt từ trung bình trở lên chiếm 85%; chất lượng tuyển sinh được cải thiện. Số lượng học sinh không thi THPT mà đi học nghề sau lớp 9 tăng, kết quả phân luồng có chuyển biến tích cực.

Học sinh THPT có hạnh kiểm tốt đạt 84% (tăng 12,39%), học lực khá, giỏi đạt 84,5% (tăng 14,58%). Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng nội dung, kế hoạch dạy học phù hợp, nhất là đối với học sinh lớp 12 theo hướng đổi mới nên chất lượng các kỳ thi THPT quốc gia ổn định, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt cao so với toàn quốc. Hải Dương duy trì vị trí tốp đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi quốc gia lớp 12...

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Hải Dương chuẩn hóa các trường học