Dự thảo Đề án về chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp: Mục tiêu chưa phù hợp, còn dàn trải

11/09/2019 10:09

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo Đề án về Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ.


Nhiều cán bộ, công chức xã hiện không sử dụng ngoại ngữ khi giao tiếp nên việc thực hiện mục tiêu của dự thảo đề án khó khả thi, gây lãng phí

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, việc tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, công chức rất quan trọng và cần thiết. Tính đến tháng 5.2019, Hải Dương có 428 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 8.022,6 triệu USD; tổng vốn thực hiện ước đạt 4.810 triệu USD. Các doanh nghiệp FDI đã thu hút trên 191.000 lao động trực tiếp cùng hàng nghìn lao động gián tiếp khác. Hải Dương đã đặt quan hệ hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố của các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào… Theo bà Hà Thu Thảo, Trưởng Phòng Ngoại vụ (Văn phòng UBND tỉnh), trong những hoạt động mang tính quốc tế, việc giao tiếp, thấu hiểu, chia sẻ giữa các bên sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp. Song tại nhiều cuộc gặp gỡ, đàm phán, đối thoại quốc tế… có phiên dịch viên, người phiên dịch đã không truyền tải hết nghĩa mà người nói biểu đạt.

Sự cần thiết của Đề án về Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp đã được chỉ rõ song vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Mục tiêu chung của đề án nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, khung năng lực theo quy định, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, 100% số cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đáp ứng tiêu chuẩn ngạch, chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý; phấn đấu 40-50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Trong đó, 50-60% số cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên ở Trung ương, 25- 35% số cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, 20-25% số cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp huyện đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã, dự thảo đặt ra mục tiêu 100% được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn về năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu, 15-20% trong số đó đủ khả năng làm việc ở môi trường quốc tế.

Mục tiêu trên được cho là chưa phù hợp thực tế và dàn trải. Đa số cán bộ, công chức cấp xã khi được hỏi đều cho biết công việc của họ không sử dụng ngoại ngữ khi giao tiếp. Có cán bộ công tác tại Huyện ủy Bình Giang chia sẻ, người này đã rèn luyện cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để đạt chứng chỉ tiếng Anh B1 theo khung đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Song sau một thời gian dài không sử dụng, kiến thức đã bị mai một. Người này cho rằng việc học ngoại ngữ mà không có môi trường sử dụng, rèn luyện thì không mang lại hiệu quả.

Cũng tại dự thảo đề án nêu rằng: “Trong thực tế không ít cán bộ, công chức đỗ kỳ thi tuyển và thi nâng ngạch công chức nhưng vẫn không giao tiếp, làm việc được với người nước ngoài”. Bộ Nội vụ đề xuất giải pháp cần thi đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để phản ánh chính xác trình độ, năng lực ngoại ngữ của thí sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại các đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc dùng cho Việt Nam. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…

Có quan điểm bày tỏ băn khoăn: Số lượng đơn vị được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc có hạn, nếu tất cả cán bộ, công chức của các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng thi thì có đủ nhân lực để giảng dạy, tổ chức thi hay không? Hơn nữa, chứng chỉ ngoại ngữ có thời hạn sử dụng, sẽ rất bất cập nếu yêu cầu cán bộ, công chức phải liên tục thi đánh giá năng lực ngoại ngữ…

Đã có nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo đề án để việc triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp mang lại hiệu quả. Đó là nghiên cứu yêu cầu trình độ ngoại ngữ phù hợp với tình hình thực tế, từng vị trí, công việc, lĩnh vực, địa phương… công tác, không nên cào bằng, tránh lãng phí nguồn ngân sách. Ưu tiên áp dụng đề án với những cán bộ, công chức thường xuyên giao tiếp với người nước ngoài. Bên cạnh tiếng Anh, một số nơi có thể xây dựng chương trình học các môn khác như tiếng Trung, tiếng Nhật… cho cán bộ, công chức với điều kiện phù hợp. Xây dựng quy định về chế độ thu nhập tương ứng với năng lực tiếng Anh để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ…

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo Đề án về chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp: Mục tiêu chưa phù hợp, còn dàn trải