Chưa nên nhân rộng mô hình tự chủ ở trường THCS chất lượng cao

11/07/2019 13:28

Sau một năm thực hiện mô hình tự chủ, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương) vẫn còn gặp không ít vướng mắc, khó khăn, chưa phù hợp để nhân rộng.

Mục tiêu chính của các trường THCS chất lượng cao phải là đào tạo ra nhiều học sinh giỏi và kỹ năng tốt

Cắt giảm hoạt động

Từ khi thực hiện mô hình tự chủ, hoạt động giáo dục, đào tạo ở Trường THCS Lê Quý Đôn có nhiều thay đổi cả về chiều rộng và chiều sâu. Trường được đầu tư hơn 7 tỷ đồng cải tạo phòng học, nhà đa năng, sân tập thể thao. Trường cũng xây dựng riêng chương trình giáo dục hướng vào phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Ngoài chương trình chính khóa, học sinh được bồi dưỡng nâng cao các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh. Riêng môn tiếng Anh, trường đưa giáo viên người nước ngoài vào dạy một số tiết trong tuần nhằm tăng cường kỹ năng nghe - nói, khả năng giao tiếp. Các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp được thực hiện theo kế hoạch, cụ thể từng tuần, từng học kỳ. Nhà trường thành lập 12câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí. Học sinh có nhiều thời gian rèn luyện kỹ năng sống, khả năng xử lý tình huống, kỹ năng mềm phục vụ học tập cũng như cuộc sống. Sau khi thực hiện tự chủ, nhà trường thực hiện công khai, minh bạch hơn các khoản thu, quản lý, sử dụng học phí, nguồn kinh phí hoạt động giáo dục chất lượng cao, không còn các khoản thu ngoài quy định...

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình giảng dạy, phương pháp dạy học, quy trình kiểm tra, kiểm định... áp dụng cho trường chất lượng cao. Trường THCS Lê Quý Đôn hiện cũng chưa xây dựng được bộ chuẩn tiêu chí và chương trình giáo dục nâng cao. Mỗi năm học, tùy theo điều kiện thực tế, một số nội dung giảng dạy lại phải điều chỉnh.

Theo cô giáo Lê Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện tự chủ, trường đã bảo đảm kinh phí, thực hiện đúng các khoản thu, chi theo dự toán và các chế độ tiền lương, tiền công, chi phí hoạt động khác. Mặc dù vậy, với các khối lớp đã thực hiện tự chủ trong 2 năm học vừa qua, mức thu học phí 1.975.000 đồng/học sinh/tháng đã gây khó khăn trong tuyển sinh, nhất là với những gia đình có mức thu nhập trung bình trở xuống. Trong khi mức lương tối thiểu điều chỉnh thường xuyên còn học phí mang tính ổn định theo giai đoạn cũng dẫn đến mất cân đối thu chi, gây khó khăn cho nhà trường.

Để cân đối, năm học 2019 - 2020, trường giảm số câu lạc bộ từ 12 xuống còn 8; giảm số tiết bồi dưỡng học sinh giỏi, chương trình dạy nâng cao các môn, hoạt động trải nghiệm thực tế, giao lưu...  

Lo tự chủ sẽ khó tuyển sinh

Nhiều trường THCS chất lượng cao ở các huyện cho rằng tự chủ chỉ nên áp dụng với địa bàn đô thị, nơi người dân có mức sống cao, còn ở các huyện thì không nên

Tại hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện mô hình tự chủ vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chấp thuận chủ trương để Trường THCS Lê Quý Đôn tiếp tục thực hiện tự chủ đến hết năm học 2020 - 2021 để có căn cứ đánh giá đầy đủ về chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường. Sau đó sẽ căn cứ tình hình thực tế để quyết định trường có tiếp tục thực hiện tự chủ hay không.

Cũng tại hội nghị này, đại diện nhiều trường THCS chất lượng cao trong tỉnh đều chung quan điểm không nên nhân rộng mô hình tự chủ ở các trường khác. Mục tiêu của các trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, tạo nguồn học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Vì vậy, khi chưa được hưởng ưu đãi đặc thù thì cũng không nên áp dụng tự chủ. 

Một số ý kiến cho rằng tự chủ chỉ nên áp dụng với địa bàn đô thị, nơi người dân có mức sống cao, còn ở các huyện thì không nên. Dẫn chứng cho điều này, năm học 2018 - 2019 khi có thông tin về chủ trương tự chủ ở các trường THCS chất lượng cao, Trường THCS Lê Thanh Nghị (Gia Lộc) đã gặp khó khăn lớn trong tuyển sinh. Lượng thí sinh đăng ký tham gia khảo sát đầu vào giảm mạnh, một số học sinh đang học ổn định có ý định chuyển về trường khác. Ban giám hiệu nhà trường phải gặp gỡ, giải thích, vận động từng học sinh, phụ huynh. Nhưng trong năm học vẫn có khoảng 10 em chuyển đi. Đáng tiếc trong đó có những em học sinh giỏi. Lý do chính là phụ huynh lo ngại nhà trường áp dụng mô hình tự chủ, học phí sẽ tăng.

Ông Trần Minh Thái, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Giang cho rằng nếu áp dụng cơ chế tự chủ thì các trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn không chỉ trong tuyển sinh mà nhiều giáo viên giỏi, có năng lực cũng muốn chuyển công tác. Không ít giáo viên đã bày tỏ lo ngại do chưa biết cơ chế hoạt động tự chủ sẽ ra sao, chế độ, thu nhập có bảo đảm... Năm học 2018 - 2019, trước khi chốt danh sách đăng ký khảo sát đầu vào lớp chất lượng cao, Trường THCS Vũ Hựu (Bình Giang) chỉ nhận được 3 hồ sơ đăng ký thi khảo sát, trong khi nhiều giáo viên của trường cũng đề nghị xin chuyển công tác.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng tự chủ không chỉ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh mà sẽ thu hẹp quy mô trường, lớp, tạo ra bất bình đẳng trong giáo dục.

Mô hình tự chủ ở Trường THCS Lê Quý Đôn thực hiện theo Đề án 03 của Tỉnh ủy về việc “Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021”. Theo kế hoạch, sau năm 2018, sẽ tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng. Những khó khăn, vướng mắc trên cho thấy hiện nay chưa phù hợp để nhân rộng mô hình này ở các trường THCS chất lượng cao cấp huyện.

TRUNG VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa nên nhân rộng mô hình tự chủ ở trường THCS chất lượng cao