Trúng đại học bằng điểm thi THPT, nhưng lại trượt vì học bạ: Để không phải khóc hết nước mắt

20/10/2020 19:59

Có thí sinh thi THPT đạt 28 điểm, được Trường Đại học Dược Hà Nội gửi giấy báo trúng tuyển, nhưng đến khi trường hậu kiểm học bạ, em này trượt do điểm phẩy môn xét học bạ không đủ 7.0.


Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 

Nam thí sinh này thuộc nhóm thí sinh được Trường Đại học (ĐH) Dược Hà Nội báo trúng tuyển nhưng đến khi hậu kiểm học bạ lại bị trượt.

Không chỉ Trường ĐH Dược Hà Nội buộc phải loại những thí sinh như trên mà Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương cũng phải làm như thế.

Năm nay với phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường còn kèm thêm tiêu chí phụ để bảo đảm ngưỡng đầu vào, đơn cử thí sinh phải có kết quả học tập THPT (3 năm) của mỗi môn toán, vật lý, hóa học không dưới 7.0.

Khi có điểm thi THPT, căn cứ trên cơ sở dữ liệu cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và dữ liệu thí sinh đăng ký vào trường, các trường gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh.

Nhưng tiếc là phần mềm của Bộ GDĐT không thể tính toán được các tiêu chí phụ rất đa dạng của các trường, nên nhiều trường sau khi gọi thí sinh trúng tuyển, mới hậu kiểm học bạ.

Dẫn đến tình trạng thí sinh nhận được xác nhận trúng tuyển bằng phương thức thi tốt nghiệp THPT nhưng đến khi hậu kiểm học bạ lại trượt

Chia sẻ với phóng viên, bố của thí sinh N.M.H cho biết cả gia đình đã rất sốc vì con đã nhận giấy báo trúng tuyển của Trường ĐH Dược Hà Nội, đã đóng tiền chuẩn bị nhập học thì trường hậu kiểm học bạ và nói rằng điểm học bạ không đủ tiêu chuẩn.

"Mặc dù tôi biết con tôi đã sai vì đã không đọc kĩ đề án tuyển sinh của trường, nhưng trường nên có phương án nào đó kiểm tra trước tất cả các điều kiện của con tôi rồi hãy báo trúng tuyển. Báo trúng tuyển rồi lại báo không đỗ gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý thí sinh", phụ huynh này cho biết thêm.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, người có thâm niên trong tư vấn tuyển sinh, cho biết: "Năm nào cũng có một lượng thí sinh do không đọc kĩ đề án tuyển sinh của các trường ĐH dẫn đến trượt oan uổng.

Tôi quan sát thì thấy giai đoạn thay đổi nguyện vọng thí sinh dễ mắc sai lầm nhất. Lúc đó các em có xu hướng chỉ nhớ năm ngoái điểm chuẩn của trường các em đăng ký vào là bao nhiêu, năm nay điểm chuẩn bao nhiêu, mà quên mất đề án tuyển sinh của trường còn có thêm rất nhiều tiêu chí phụ.

Do đó, khi đăng ký vào bất kì trường nào phụ huynh và học sinh cần phải đọc kĩ đề án tuyển sinh của trường. Điều này chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại mỗi mùa tuyển sinh, nhưng vẫn có một lượng thí sinh nhất định chủ quan".

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết phương thức xét tuyển của các trường ĐH rất đa dạng, cập nhật thường xuyên, nên hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh của Bộ GDĐT cũng không thể theo kịp.

"Trường thì xét tuyển học bạ ba năm, trường thì chỉ lấy kết quả năm lớp 12 thôi, trường lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế... Mai kia có trường lại dùng tiêu chí phụ là chiều cao, nhóm máu nữa thì sao?

Bộ GD-ĐT sẽ luôn cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu nhưng cũng không thể bao quát được hết các phương thức xét tuyển của các trường. Do đó lời khuyên cho thí sinh vẫn là phải đọc rất kĩ, nắm rất chắc đề án tuyển sinh của các trường mà em đó đăng ký vào", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói.

Hiện Trường ĐH Dược Hà Nội đã báo cáo với Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) về những trường hợp đỗ bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng lại trượt vì kết quả học bạ. Căn cứ trên báo cáo này, vụ sẽ gửi công văn tới các trường thí sinh đăng ký nguyện vọng ba, nguyện vọng bốn... để thí sinh có thêm cơ hội. Nhiều trường vẫn sẵn sàng nhận các thí sinh này.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Trúng đại học bằng điểm thi THPT, nhưng lại trượt vì học bạ: Để không phải khóc hết nước mắt