Băn khoăn việc bỏ cộng điểm khuyến khích

27/12/2018 09:29

Bỏ cộng điểm khuyến khích đã tác động trực tiếp đến việc vận động, thu hút các em vào đội tuyển học sinh giỏi của các trường.


Việc động viên, khen thưởng học sinh giỏi cần được quan tâm đúng mức để tạo động lực cho học sinh phấn đấu

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2017 - 2018, các địa phương không được cộng điểm khuyến khích đối với cuộc thi cấp tỉnh. Điều này đã tác động không nhỏ đến việc dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) và học nghề.

Không muốn vào đội tuyển

Nhiều năm nay, học sinh đoạt giải tại các cuộc thi như HSG, thể dục, thể thao, văn nghệ hay học nghề được cộng điểm khuyến khích vào kỳ thi lớp 10 THPT công lập và các lớp chuyên của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi. Mức cộng điểm tùy theo từng năm. Đối với học nghề đạt loại giỏi được cộng 1,5 điểm, loại khá cộng 1 điểm và loại trung bình cộng 0,5 điểm. Từ năm học 2017 - 2018, chế độ cộng điểm khuyến khích đối với HSG, đoạt giải thể dục, thể thao, văn nghệ không còn và từ năm học 2018 - 2019 bỏ cộng điểm khuyến khích đối với học nghề. Các thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh cũng không được cộng điểm khi xét tuyển vào các lớp chuyên của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi.

Bỏ cộng điểm khuyến khích đã tác động trực tiếp đến việc vận động, thu hút các em vào đội tuyển HSG của các trường. Trong 8 môn thi HSG lớp 9 thì các đội tuyển môn toán, ngữ văn, tiếng Anh thu hút nhiều học sinh vì là các môn thi vào lớp 10. Các môn khác thường ít học sinh tham gia hơn. Không chỉ các trường bình thường mà ngay cả một số trường chất lượng cao của các địa phương cũng không thuận lợi trong việc gọi học sinh vào đội tuyển để tham gia giải cấp huyện và cấp tỉnh.

Thầy giáo Trịnh Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Chí Linh) chia sẻ: "Nguyên nhân chính khiến nhiều học sinh không muốn vào đội tuyển HSG là không còn được cộng điểm khuyến khích nữa. Vì vào đội tuyển của các môn không thi vào lớp 10, các em sẽ mất nhiều thời gian ôn luyện, không thể tập trung cao nhất để ôn những môn thi vào lớp 10. Trong khi đó, kỳ thi này ngày càng khó, cạnh tranh cao". Do đó, để có học sinh vào các đội tuyển, các trường mất rất nhiều thời gian động viên, thuyết phục. Cô giáo Trần Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Gia Lộc nhận xét: "Hiện nay, trường có 3 học sinh được chọn vào đội tuyển HSG của huyện để chuẩn bị thi giải tỉnh. Để các em chuyên tâm tham gia bồi dưỡng ở đội tuyển, Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thường xuyên động viên, có khi phải dành cả buổi thuyết phục". Cũng chính từ việc học sinh không muốn vào nên chất lượng nhiều đội tuyển HSG giảm rõ rệt. Nhiều em học giỏi, có tố chất nhưng không tham gia thi. Để có đủ số học sinh ở mỗi đội tuyển, không ít trường phải gọi những em không thật sự xuất sắc.

Do không còn cộng điểm khuyến khích nên số lượng học sinh lớp 8 năm nay tham gia học nghề đã giảm rõ rệt. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên TP Hải Dương thì năm học này, số học sinh lớp 8 đăng ký học nghề giảm gần 50%. Huyện Gia Lộc năm học này cũng có nhiều em không đăng ký học nghề... Các năm học trước tỷ lệ học sinh học thường đạt gần 100%. Cô giáo Vũ Thị Thùy Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: "Năm học này, chỉ còn 73% số học sinh của trường đăng ký học nghề. Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu không được cộng điểm thì không cho con học, còn để tập trung thời gian học các môn thi vào lớp 10. Số học sinh giảm một phần cũng do nhiều em đăng ký học nấu ăn nhưng trung tâm chưa đáp ứng được".  

Nên duy trì cộng điểm cho học sinh giỏi

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và phụ huynh thì không nên bỏ việc cộng điểm khuyến khích đối với các em đạt giải HSG tỉnh. Việc cộng điểm này cũng là một hình thức khen thưởng, động viên các em cố gắng vươn lên. Không còn cộng điểm khó thu hút được học sinh và làm giảm hiệu quả phong trào "dạy tốt, học tốt". Đồng thời, công tác phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng HSG cung cấp cho đội tuyển của tỉnh cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Trong khi đó, tỉnh ta đang dành nhiều quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng cho Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi. Ngoài ra, các em tham gia đội tuyển ngoài việc bảo đảm học tốt các môn học, hoạt động khác thì phải dành nhiều công sức, thời gian cho môn thi HSG.

Vào đội tuyển, học sinh còn được hoàn thiện, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm bài, tư duy, cách giải quyết vấn đề khoa học hơn... Thông qua công tác bồi dưỡng HSG cũng góp phần quan trọng để giáo viên tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Còn đối với việc bỏ cộng điểm học nghề, chúng tôi cho rằng đó là quyết định hợp lý vì thời gian qua, nhiều lớp học nghề chưa thật sự chất lượng và đáp ứng được yêu cầu thực tế. Để có được 0,5 - 1,5 điểm ở kỳ thi vào lớp 10 không đơn giản. Có học sinh điểm thi thực tế không bằng học sinh khác nhưng lại được cộng điểm khuyến khích cao hơn nên đã đỗ. Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phương pháp, chương trình để phù hợp với nhu cầu và hấp dẫn người học hơn. Các trường, đơn vị liên quan cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giải thích giúp phụ huynh hiểu việc học nghề không chỉ đơn thuần là được cộng thêm điểm mà mang tính định hướng nghề nghiệp giúp học sinh có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lại.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Băn khoăn việc bỏ cộng điểm khuyến khích