Những bóng hồng thợ mộc ở Đông Giao

05/03/2018 11:24

Dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng hơn 300 năm qua, nghề mộc mỹ nghệ ở thôn Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) vẫn đứng vững và ngày càng hưng thịnh.

Nữ thợ mộc Đông Giao có thể tham gia vào hầu hết các công đoạn của nghề mộc mỹ nghệ

Sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng nghề đã vang danh khắp trong và ngoài nước. Làm nên thương hiệu mộc Đông Giao nổi tiếng ấy một phần nhờ đôi tay của những nữ thợ mộc khéo léo, tài hoa.

Bén duyên nghề từ nhỏ

Trong âm thanh rộn ràng của tiếng cưa, tiếng đục, anh Vũ Xuân Thép, chủ Doanh nghiệp tư nhân mỹ nghệ Xuân Thép ở thôn Đông Giao tỉ mỉ hướng dẫn chị Phạm Thị Hoa, một nữ thợ mộc mới được nhận vào làm. Học việc được vài ngày nhưng chị Hoa đã khá thạo nghề. Nhát đục, đẽo đã nhanh thoăn thoắt. Từng đường chạm khắc bắt đầu có những nét mềm mại và tinh tế. Anh Thép bảo nữ thợ mộc làng Đông Giao thạo nghề không kém cánh đàn ông. 

Sinh ra ở làng nghề truyền thống hơn 300 năm tuổi nên nghề mộc đã ngấm vào máu của mỗi người dân nơi đây, không kể nam hay nữ, già hay trẻ. Xưa phụ nữ ở Đông Giao chủ yếu đi theo các đội thợ để nấu cơm và làm một số việc nhẹ thì nay họ tham gia vào hầu hết các công đoạn của nghề chạm khắc gỗ. Ban đầu chỉ một vài xưởng trong làng thuê phụ nữ  làm những việc lặt vặt, sau họ cũng học đục đẽo, tạo tác và dần quen với nghề. 

Để minh chứng cho những lời giới thiệu, anh Thép dẫn tôi xuống thăm xưởng cưa của doanh nghiệp. Dưới làn mưa xuân giăng giăng, một nữ công nhân vóc người to khỏe, đôi tay rắn chắc nhanh nhẹn đẩy khúc gỗ lim lớn qua chiếc lưỡi cưa bóng loáng. Chị là Nguyễn Thị Hòa, một trong những nữ thợ mộc lành nghề của Doanh nghiệp tư nhân mỹ nghệ Xuân Thép. 20 năm gắn bó với nghề đã giúp chị Hòa làm được bất cứ công đoạn nào của nghề mộc từ pha gỗ, tạo hình, chạm khắc, đục đẽo đến phun sơn... “Nhiều người đến đây thấy phụ nữ chúng tôi cũng biết cưa, biết đục lấy làm lạ lắm. Sinh ra ở làng, gắn bó với nghề mộc từ tấm bé nên biết nghề, yêu nghề và chọn nghề mộc để mưu sinh là chuyện bình thường”, chị Hòa nói. 

Xưởng mộc nào ở Đông Giao cũng có phụ nữ tham gia làm nghề. Có xưởng, tỷ lệ nữ giới chiếm tới 70 - 80%. Nữ thợ mộc làng Đông Giao khỏe khoắn, rắn chắc nhưng cũng không kém phần tài hoa, khéo léo và năng động. Họ vừa đảm việc nhà lại giỏi nghề. Chị Trần Thị Thành, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lương Điền cho biết: "Cả thôn Đông Giao có hơn 300 hội viên thì có đến hơn 200 chị làm nghề mộc. Họ chủ yếu tham gia vào những công việc nhẹ nhàng, đòi hỏi sự khéo léo như: chạm khắc, chà nhám hoặc đánh véc ni cho sản phẩm. Một số chị còn đảm nhận những công việc nặng nhọc của cánh mày râu như cưa, xẻ gỗ... 

Vì yêu nghề truyền thống của cha ông nên từ lúc lên 5, lên 6 các bé gái ở Đông Giao đã quen với cầm đục. Anh Vũ Văn Điệp, một trong những nghệ nhân của làng cũng là chủ một doanh nghiệp chạm khắc gỗ lớn ở đây cho biết: "Nghề chạm khắc gỗ cần sự tỉ mỉ, khéo léo, đây cũng là thế mạnh của phái nữ khi làm nghề này. Đôi tay mềm mại của họ có thể tạo ra những hoa văn, họa tiết sắc nét hơn nam giới chúng tôi. Điều lạ hơn nữa là phụ nữ làm nghề mộc ở Đông Giao cũng rất khéo tạo hình. Từ những khúc gỗ vô tri, vô giác, thậm chí những gốc cây bị người ta bỏ đi họ cũng có thể chạm khắc ra những sản phẩm sống động và có hồn như tượng thần tài, Di Lặc, Quan Âm, ông Thọ, hay những con công với bộ đuôi duyên dáng đến những con đại bàng với sải cánh vươn cao…”. 

Theo anh Điệp, sản phẩm do phụ nữ làm ra thường có hồn hơn nên khách Trung Quốc thích mua những sản phẩm do phụ nữ chạm khắc.

Nghề mộc cho thu nhập khá nhưng đây lại là nghề nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu xảy ra tai nạn lao động. Phụ nữ ở Đông Giao tuy ít tham gia vào công đoạn cưa, xẻ gỗ nhưng đục, đẽo nhiều lúc cũng khiến đôi tay rớm máu. Làm nghề mộc ít người giữ được các ngón tay nguyên vẹn, nhất là với những người tham gia vào công đoạn cưa, xẻ. Thậm chí có người chỉ lơ là trong tích tắc là có thể mất đi cả bàn tay. Cho đến bây giờ chị Nguyễn Thị Hòa vẫn chưa quên được khoảnh khắc một nữ thợ mộc cùng xưởng bị mất ngón tay. "Chị ấy vốn rất cẩn thận lại là thợ lành nghề, thường xuyên hướng dẫn chúng tôi cách đẩy gỗ vào bàn cưa sao cho an toàn. Vậy mà hôm đó, chẳng biết đầu óc chị ấy để đi đâu. Lúc nghe thấy tiếng kêu thất thanh, tôi chạy đến thì ngón tay đã bị đứt lìa, máu chảy lênh láng. Ngón tay bị mất, chị ấy cũng bỏ luôn nghề", chị Hòa kể. Đó còn chưa kể cả ngày người thợ phải làm việc trong môi trường nhiều bụi và tiếng ồn.

Không chỉ giữ nghề truyền thống

Dù vất vả, khó khăn hơn cánh mày râu khi dấn thân vào nghề mộc nhưng những phụ nữ Đông Giao vẫn vẹn nguyên tình yêu với nghề, đau đáu ước mơ lưu giữ và phát triển nghề truyền thống. 

Chị Nguyễn Thị Nhung, chủ xưởng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Cường Nhung trăn trở chuyện truyền nghề cho thế hệ sau. "Bọn nhỏ giờ chỉ thích làm những nghề nhẹ nhàng, duyên dáng nên không thiết tha với nghề mộc. Bởi chúng sợ có đôi tay thô kệch, sần sùi, ram ráp. Chúng đâu biết, mấy năm qua kinh tế khó khăn nhưng người dân làng mộc Đông Giao vẫn sống sung túc nhờ nghề này. Nhờ nghề mộc mà phụ nữ ở Đông Giao không phải vất vả một nắng hai sương ngoài đồng mà thu nhập lại cao hơn gấp nhiều lần".


Chị Nguyễn Thị Nhung chạm khắc sản phẩm ở xưởng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Cường Nhung 

Đến Đông Giao hôm nay thấy san sát các cửa hàng kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Các xưởng chạm khắc gỗ mọc lên như nấm. Bất kể ngày mưa hay nắng, tiếng cưa, bào, đục vẫn đều đều vang lên khắp làng trên, xóm dưới. Những người thợ như chị Nhung, chị Hòa, chị Hoài và nhiều nữ thợ mộc khác đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để gắn bó, mưu sinh và gìn giữ nghề này. Theo chị Vũ Thị Hoài, thợ của xưởng mộc Đại Phát, từ Nam tới Bắc có nhiều làng nghề mộc, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ nhưng mộc mỹ nghệ Đông Giao vẫn có những nét riêng. Mỗi sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của người thợ. Sản phẩm không rập khuôn, cứng nhắc. 

Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Điền cũng là người con của đất Đông Giao chia sẻ: “Xứ Đông có nhiều làng nghề mộc nổi tiếng như Cúc Bồ (Ninh Giang), Phương Độ (Bình Giang), nhưng nói đến mộc mỹ nghệ phải nhắc đến Đông Giao. Đặc biệt hơn là không ở đâu thu hút được nhiều phụ nữ tham gia làm nghề như ở đây”. Theo ông Anh, mặc dù chân yếu, tay mềm nhưng đối với mộc mỹ nghệ phụ nữ lại có nhiều thế mạnh. Để khuyến khích phụ nữ phát triển nghề, thời gian qua, chính quyền địa phương, nhất là Hội Phụ nữ xã đã mở nhiều lớp dạy nghề mộc cho chị em. Qua các lớp học này giúp chị em nâng cao tay nghề, tăng thu nhập và gắn bó với nghề truyền thống. “Bởi họ cũng góp phần không nhỏ vào việc giữ nghề mộc ở Đông Giao”, ông Anh nói.

Đang phát triển tốt nhưng hướng đến một tương lai rộng mở hơn vẫn là mong ước của nhiều người tâm huyết với nghề mộc ở Đông Giao. Cùng chung một nỗi niềm ấy, những nữ thợ mộc nơi đây đang từng ngày thay đổi. Họ không chỉ dành thời gian để nâng cao tay nghề chạm khắc mà còn học thêm ngoại ngữ, nghiệp vụ marketing, tích cực tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài nước… Họ không chỉ muốn nghề mộc của làng được duy trì mà còn phát triển, vươn xa hơn nữa ra thị trường quốc tế. 

HẢI MINH

Tương truyền, nghề chạm khắc gỗ ở Đông Giao đã có trên 300 năm. Xưa, người thợ Đông Giao nổi tiếng với các sản phẩm đồ thờ như ban thờ, nghi môn, hoành phi, câu đối… Các sản phẩm ấy được người dân các tỉnh thành lân cận rất ưa dùng. Đôi tay tài hoa của nữ thợ mộc Đông Giao cũng được in dấu ở rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trên khắp mọi miền đất nước.

Làng nghề mộc Đông Giao hiện có hơn 700 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu. Hơn 90% số hộ dân trong thôn vẫn duy trì nghề chạm khắc gỗ truyền thống. Nghề mộc đã đem lại nguồn thu chính cho người dân. Đây cũng là một trong những làng nghề mộc truyền thống sầm uất của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bóng hồng thợ mộc ở Đông Giao