Nghề mới thời online

11/12/2017 18:12

Nhiều người lựa chọn mua hàng trực tuyến (online) thay vì mua sắm truyền thống nên dịch vụ giao hàng tận nhà ngày càng phát triển.


Một shipper (nam) chuyển hàng cho khách tại phường Thanh Bình (TP Hải Dương)

Tuy nhiên, bên cạnh thu nhập khá từ nghề mang lại, nhiều shipper (người giao hàng) cũng phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt và gặp không ít rủi ro.

Thu nhập khá

Vốn là giáo viên trợ giảng môn võ cổ truyền Vovinam, hơn 1 năm nay anh Đồng Văn Dũng quê ở Kim Thành đã "bén duyên" với nghề giao hàng. "Mỗi ngày em chỉ có 2 tiếng dạy võ cho các em ở câu lạc bộ nên thời gian rảnh khá nhiều. Giữa năm 2016, được một người bạn làm shipper gợi ý em nhận thêm công việc giao hàng. Ban đầu khá bỡ ngỡ vì nhiều tuyến phố, đoạn đường mình chưa thuộc hết và khách hàng chưa thực sự tin tưởng, nhưng được người bạn đứng ra bảo lãnh nên em đã nhanh chóng quen với công việc", anh Dũng nói.

Bằng uy tín, làm việc trách nhiệm, anh đã được nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang, mỹ phẩm, túi xách biết đến và nhờ giao hàng. Trung bình mỗi đơn hàng nhận chuyển trong khu vực TP Hải Dương giá từ 10.000 - 20.000 đồng, các huyện, thị xã từ 30.000 - 40.000 đồng. Mỗi ngày anh nhận từ 12 - 15 đơn hàng. Vào dịp cao điểm mua sắm như cuối tuần, ngày lễ, Tết, đầu mùa đông, hè có thể lên tới 20 - 30 đơn hàng. Tính ra, mỗi tháng anh có thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng. Hiện nay, anh Dũng đang nhận chuyển hàng cho hơn chục cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang, túi xách, mỹ phẩm... trên địa bàn thành phố.

Với một chiếc xe máy, một chiếc điện thoại để liên lạc, thông thạo đường phố, nhiều người đã tìm đến nghề shipper để kiếm thêm thu nhập. Anh Nguyễn Văn Huân làm việc trong nhóm "Giao hàng tiện lợi" ở TP Hải Dương có biệt danh là "Huân ship nhanh" cho biết: "Ban đầu mình đến với nghề shipper chỉ là để lấp chỗ trống trong thời gian chờ xin đi làm công nhân, nhưng đến với nghề được gần 3 tháng, mình thấy yêu công việc và hơn hết nghề đã mang lại cho nguồn thu nhập khá. Vậy là mình quyết định gắn bó với  nghề này".

Đến nay sau hơn 2 năm làm nghề, anh Huân đã có danh sách dài các cửa hàng thời trang, thậm chí cả đồ tiêu dùng gia đình cũng tìm đến đặt anh vận chuyển hàng. Trung bình mỗi ngày anh nhận khoảng 20 đơn hàng cả trong và ngoài thành phố, mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. "Những người làm shipper lâu năm, có kinh nghiệm và uy tín, những khi có nhiều đơn hàng, chúng tôi tự lập thành nhóm, chia sẻ đơn hàng cho nhau. Ví dụ hai người cùng nhận đơn hàng ở huyện Cẩm Giàng sẽ chuyển cho một người đi, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, trong khi khách hàng vẫn nhận được đúng hàng đã đặt. Hoặc cũng trên một cung đường từ TP Hải Dương về huyện Thanh Miện, shipper vẫn nhận giao hàng cho các khách ở địa bàn huyện Gia Lộc. Nhận và phân phối các đơn hàng hợp lý, shipper sẽ có thu nhập cao hơn là chỉ đi đến một địa chỉ giao hàng", anh Huân cho biết thêm.

Không chỉ nhận giao hàng cho các cửa hàng kinh doanh thời trang quần áo, mỹ phẩm, sữa bột trẻ em, thực phẩm chức năng, các shipper cũng nhận được các đơn giao đủ loại mặt hàng như đồ ăn nhanh, hoa quả, hải sản tươi sống...

Không ít rủi ro

Bên cạnh thu nhập khá từ nghề giao hàng mang lại, các shipper cũng đang cạnh tranh khá gay gắt. Anh Dũng cho biết: "Khi mình làm việc uy tín, có trách nhiệm, rất nhiều cửa hàng tin tưởng giao đơn hàng và giới thiệu mình cho các cửa hàng khác. Vì vậy, không ít shipper đã cạnh tranh bằng cách mạo danh mình, đến cửa hàng nhận hàng hoặc đề nghị giảm phí vận chuyển hàng để giành giật khách hàng".

Phí từ mỗi đơn hàng không cao, chỉ từ 10.000 - 40.000 đồng nhưng giá trị của đơn hàng lại khá lớn, thường từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng, có những đơn hàng tới vài triệu đồng. Không ít shipper làm ăn chộp giật đã lừa lại chính chủ cửa hàng. Thường thì họ thu tiền giao hàng của cả bên bán và bên mua, có trường hợp biết giá trị đơn hàng lớn, shipper đã tự mở gói hàng tráo đổi sản phẩm kém chất lượng, hoặc ăn cắp sản phẩm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các shipper chân chính.

Chị Nguyễn Thu Minh ở phố Điện Biên Phủ (TP Hải Dương) chuyên bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo qua mạng xã hội cho biết: "Được người quen giới thiệu tôi đã nhờ một shipper nghiệp dư giao hàng cho mình, mấy đơn đầu bạn ấy (người giao hàng - PV) làm khá tốt, nhưng vài đơn sau đó đã thu thêm phí của bên đặt mua, khiến khách hàng của tôi bức xúc. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín của cửa hàng. Sau khi nhận phản hồi của khách tôi đã không hợp tác với bạn đó".

Bên cạnh góc khuất của nghề giao hàng, những shipper làm nghề này cũng khá vất vả, người giao hàng phải thường xuyên di chuyển bằng phương tiện xe máy, có ngày đi tới hơn 100 km. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ nhận đơn hàng là phải nhanh chóng chuyển hàng tới đúng địa chỉ. Ăn uống dọc đường, quá bữa là chuyện thường.

Không chỉ cạnh tranh, shipper cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro. Theo anh Huân, mỗi shipper có thể giao tới vài chục đơn hàng một ngày trong điều kiện thuận lợi. Nhưng trên thực tế có rất nhiều chuyện dở khóc, dở cười xảy ra trong quá trình giao hàng. Đó là khi khách đưa sai địa chỉ, điện thoại liên hệ, những lúc như thế shipper phải đi lòng vòng, tự hỏi địa chỉ hoặc mất rất nhiều tiền điện thoại để xác minh thông tin. Tiền công có khi không đủ bù chi phí đi lại, điện thoại. Chưa kể những trường hợp khách đặt mua sản phẩm, khi shipper giao hàng tới địa chỉ cung cấp, liên lạc thì điện thoại tắt máy hoặc có trường hợp trả lời thẳng thắn "Chị đặt cho vui thôi chứ không mua!". Thế là mất công đi lại. Tuy nhiên, những trường hợp này hầu hết các chủ cửa hàng đều hỗ trợ phí cho shipper.

Cạnh tranh và không ít rủi ro, nhưng nghề giao hàng đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ dịch vụ online nở rộ. Để nghề có thể nuôi sống mình, nhiều shipper cho rằng cần nhất là phải có cái tâm và trách nhiệm với mỗi đơn hàng nhận giao. Có được sự tin tưởng của khách hàng thì nghề nào cũng tồn tại.

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề mới thời online