Mùa săn lươn

14/05/2018 07:49

Từ tháng giêng đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hằng năm, những người chuyên bắt lươn ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) đi khắp nơi hành nghề kiếm sống.


Ông Dự tóm gọn 1 chú lươn chỉ vài chục giây sau khi phát hiện lỗ

Nghề cha truyền con nối

Là một trong những người bắt lươn giỏi nhất làng Nghi Khê nhưng ông Nguyễn Hữu Dự (54 tuổi) cũng không biết nghề bắt lươn có từ bao giờ. Ông chỉ nhớ từ nhỏ đã theo ông nội và cha đi khắp các cánh đồng bắt lươn. “Xóm Trần Phú, nơi tôi đang sống trước kia có khoảng 100 gia đình thì có quá nửa chuyên đi bắt lươn. Nghề này là nghề kiếm cơm của chúng tôi và chỉ dành cho đàn ông”, ông Dự cho biết.    

Ngày trước, cứ nhằm khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch hằng năm (mùa sinh sản của lươn), người dân ở làng Nghi Khê lại rủ nhau lên đường đi bắt lươn. Về sau, từ tháng 9 – 12 âm lịch họ cũng đi, vì thời gian này nước dưới kênh mương cạn, lươn càng dễ bắt. Dụng cụ dùng để bắt lươn khá đơn giản với một chiếc thuổng làm bằng thép (một đầu được làm nhọn) dài khoảng 60 – 70 cm và một chiếc túi vải. 

Những người đàn ông ở làng Nghi Khê thường rủ nhau thành nhóm 2 – 3 người đi bắt lươn. Gần thì đi bắt ở quanh vùng hoặc một số huyện lân cận trong tỉnh như Cẩm Giàng, Thanh Miện, Thanh Hà, Ninh Giang. Xa hơn là sang tận các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên. Họ thường đi từ 6 giờ sáng đến 15 giờ. Muốn bắt lươn to, họ chọn những địa điểm có đất phù sa, đất sét trắng, dẻo ở bãi sông. Tại các kênh mương nội đồng cũng có nhiều nhưng lươn thường nhỏ hơn. 

Vất vả nhưng có ăn    

Tôi theo ông Dự ra khu đồng của thôn Nghi Khê bắt lươn. Men theo những tuyến mương xương cá, ông Dự dùng đầu nhọn chiếc thuổng gạt nhẹ lớp bèo, cỏ trên mặt nước để tìm lỗ lươn. Đến một máng nước to, ông dừng lại và nói: “Chỗ này nhiều lỗ lươn lắm, chắc mẻ này cũng được đây”. Ông Dự chỉ cho tôi cách nhận diện lỗ lươn. Miệng lỗ lươn nằm dưới đáy mương, to bằng ngón tay cái (cũng có lỗ to bằng cổ tay), xung quanh có lớp đất màu trắng đùn lên giống như giun đào. Tại vị trí có lỗ lươn, mặt nước xuất hiện một lớp bọt màu trắng, sờ vào sẽ cảm nhận thấy độ nhớt. Lỗ lươn dưới mặt bùn ăn thông với một lỗ lươn nằm cạnh bờ kênh (thường cách mặt nước 5 – 10 cm), đôi khi ăn với 2 – 3 lỗ. Vì vậy, khi phát hiện có lỗ lươn, ông Dự phải vạch cỏ, tìm những lỗ nằm cạnh bờ kênh, thò tay vào móc. Trong khi móc, nếu thấy lỗ dưới nước có bùn đùn lên thì đó chính là hang lươn ở. Hang lươn thường dài 30 – 40 cm. Ông Dự lội xuống nước, một tay móc lỗ dưới nước, tay còn lại móc lỗ trên bờ. Sau vài chục giây, một con lươn to đã nằm gọn trong tay ông. Lươn rất trơn nên ông Dự phải dùng khớp ngón tay cái ghì chặt bụng lươn vào ngón trỏ và ngón giữa để nó không chạy được. Cứ thế, chỉ sau 10 phút, ông Dự đã bắt được gần chục con lươn xung quanh cái máng nước đó. 


Ông Dự khoe thành tích sau 1 buổi chiều đi săn lươn

Ông Dự cho biết đi một ngày thường bắt được 2 – 4 kg. Đôi khi vớ được khu có nhiều lỗ lươn thì chỉ cần bắt 2 giờ cũng được như vậy. Cách đây mấy ngày, ông sang khu triều Cờ ở thôn Ngọc Trại, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) bắt được gần 3 kg lươn chỉ trong một đoạn kênh dài hơn 100 m. “Nghề này tuy đi nhiều, vất vả nhưng được cái có ăn. Mỗi kg lươn tôi bán cho thương lái được 140.000 đồng. Bao năm nay, nhờ nghề này mà tôi nuôi được cả gia đình, các cháu cũng có điều kiện ăn học đầy đủ chú ạ”, ông Dự chia sẻ.

Khuôn mặt ông Dự đen sạm, bùn đất và màu cáu cườm bám đầy móng chân, móng tay. Hai bàn tay ông có khá nhiều sẹo vì những lần móc phải lỗ có mảnh sành, vỏ ốc bươu vàng. Khớp ngón tay cái của ông chuyên dùng để ghì lươn cũng lồi lên thành tật... 

Nhưng điều khiến ông Dự lo lắng không phải mình bị đen, chân tay sứt sẹo mà ông sợ cái nghề kiếm cơm này không biết còn duy trì được lâu nữa không khi mà môi trường bị ô nhiễm. Ông Dự kể ngày trước môi trường nước chưa bị ô nhiễm như bây giờ, trên bờ ruộng cũng bắt được lươn. Có những con lươn thậm chí nặng 7 – 8 lạng. Một người đi bắt lươn được 5 – 7 kg/ngày là chuyện thường. 

Hiện nay, so với chạch, cá, lươn vẫn nhiều hơn nhờ sống sâu dưới lớp bùn đất. Tuy nhiên, số lượng lươn đã giảm đi trông thấy do môi trường sống của chúng bị tác động bởi việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kết hợp với việc xả thải của các nhà máy, các trang trại chăn nuôi… Bên cạnh đó, tình trạng người dân sử dụng bình kích điện để đánh cá dưới kênh mương còn phổ biến cũng tác động tới sự sinh sản, phát triển tự nhiên của con lươn. “Mấy năm nay, số lượng người còn làm nghề bắt lươn ở làng tôi giảm nhiều. Giờ chắc chỉ còn hơn 10 người. Số khác đã nghỉ quay ra làm nghề khác như đi xây, chăn nuôi…”, ông Dự nói.

Chỉ đi một buổi chiều, ông Dự cũng bắt được gần 2 kg lươn. Ông mang ra chợ làng bán cho lái buôn được 250.000 đồng. Cầm số tiền trên tay, ông vui mừng vì gia đình sẽ có thêm khoản để chi tiêu, nhưng trong lòng cũng nặng trĩu suy tư, không biết rồi đây có còn lươn để mà bắt.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa săn lươn