"Mẹ đừng đi nước ngoài nữa"

22/04/2018 10:18

Vì muốn cho con một cuộc sống đầy đủ hơn, nhiều cặp vợ chồng đã chọn cách đi xuất khẩu lao động. Sự xa cách giữa các thành viên trong gia đình đã tạo nên nhiều cảnh xót xa.


 Vợ chồng chị Lưu Thu T. sang Đức làm ăn, gửi các con cho ông bà chăm sóc

Ông bà thay bố mẹ

Từng có một cửa hàng kinh doanh quần áo nhỏ trên phố Nguyễn Thượng Mẫn (TP Hải Dương) nhưng thu nhập không nhiều nên vợ chồng chị Lưu Thu T. đã quyết định đi theo một người thân trong gia đình sang Đức làm nghề vẽ móng. Họ gửi con gái 10 tuổi, con trai 7 tuổi cho ông bà ngoại chăm sóc. Lần đầu tiên đặt chân nơi xứ người, vợ chồng chị T. phải làm quen dần với cuộc sống mới, công việc mới. Nhưng dù bận rộn đến đâu lòng chị vẫn nhớ con quay quắt. Biết các con ở nhà sẽ được ông bà chăm sóc chu đáo, nhưng chị vẫn thương con vì phải sống xa bố mẹ. Ở nhà, hai con chị T. rất ngoan, tự giác nên ông bà ngoại cũng đỡ vất vả. Hằng ngày, ông đưa các cháu đi học rồi đón về, thỉnh thoảng cho các cháu đi chơi. Thương con, thương cháu nên ông bà chỉ biết cố gắng bù đắp thêm tình cảm để các cháu đỡ thấy thiếu thốn khi bố mẹ đi làm ăn xa.

Chị Nguyễn Hoàng V. ở phố Minh Khai (TP Hải Dương) thường xuyên phải bay đi bay về giữa Nga và Việt Nam bởi vợ chồng chị có một cửa hàng bán đồ thời trang tại trung tâm thương mại ở Moskva trong khi các con nhỏ ở Việt Nam cùng ông bà nội. Hai cậu bé 8 và 9tuổi đều được chăm sóc bởi bàn tay của bà nội từ 4 năm nay. Thu nhập tốt và ổn định nên vợ chồng chị V. lo cho con cuộc sống đủ đầy về vật chất nhưng hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn lại thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm gần gũi của bố mẹ.

Suốt 8 năm nay, vợ chồng ông Trần Văn V. ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) cũng phải đảm nhận việc chăm sóc cháu nội thay con trai và con dâu đang làm việc ở Đài Loan. Vì kế sinh nhai, vợ chồng chị Vũ Thùy L. quyết định cùng đi xuất khẩu lao động khi con gái đầu lòng mới được hơn 1 tuổi. Trong suốt 8 năm qua, vợ chồng chị L. thay phiên nhau về nước được 4 lần, mỗi lần được 3 tháng ở cùng con. Mỗi lần con ốm đau hay có chuyện không vui ở trường đều chỉ có ông bà biết, bởi ông V. sợ các con lo lắng nên không báo. Chủ yếu sống cùng ông bà nội nên con gái chị L. không hay thể hiện tình cảm với bố mẹ, có chuyện gì cháu chỉ thủ thỉ với bà nội.

Nỗi lòng người mẹ

Những người phụ nữ chọn con đường mưu sinh nơi xứ người đều xuất phát từ mong muốn con có một cuộc sống đầy đủ. Nên khi ở xa con, họ cũng rất day dứt. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, vợ chồng chị T. về thăm con sau gần một năm xa cách. Các con mừng mừng tủi tủi, cười nói suốt ngày bên mẹ, đi đâu làm gì cũng muốn có mẹ. "Mình biết các con rất nhớ, bản thân cũng không muốn xa các con tý nào, nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận", chị T. chia sẻ. Đợt về nước lần này của chị T. được 2 tháng lại vào đúng dịp Tết nên chị có dịp đưa các con đi chơi để bù đắp những ngày sống xa mẹ. Chị T. kể: "Gần đến ngày đi tôi vô tình nhìn thấy quyển sách "Vì con cần có mẹ" để trên bàn học của cô con gái, thấy buồn vô cùng. Rồi không ít lần đứa lớn thì bảo mẹ đừng đi, còn thằng bé nói các bạn con sướng lắm vì có mẹ ở nhà, đưa đón đi học mà lòng tôi nặng trĩu".

Chị L. cũng luôn canh cánh trong lòng nỗi sợ ngày chị về cô con gái bé nhỏ không còn quấn quýt bên mẹ. Bé mỗi ngày một lớn, cần sự chăm sóc, sẻ chia từ mẹ nhưng mọi việc này đều chỉ thông qua những cuộc gọi điện thoại chóng vánh mỗi tối của hai mẹ con, vì còn phải dành thời gian để con học bài.

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế của việc đi lao động ở nước ngoài nhưng những thiếu thốn về mặt tình cảm đối với các thành viên trong gia đình cũng tồn tại song song, nhất là con cái đang ở tuổi ăn, tuổi lớn luôn cần có sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ. Ông bà và người thân có thể chăm sóc tốt cho các cháu, nhưng không gì có thể bù đắp, thay thế được tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng.

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Mẹ đừng đi nước ngoài nữa"