Khi nông dân đi học

18/10/2020 10:12

Từ những lớp học nghề nông nghiệp của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh), nhiều nông dân đã tự tin sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả cao.


Anh Trường được giảng viên hướng dẫn trực tiếp nên đã tự nhận biết và chữa trị được một số bệnh cơ bản ở gà

Hào hứng

Hai khu chuồng rộng 4.000 m2 với hơn 20.000 con gà của anh Nguyễn Văn Trường (36 tuổi), ở đội 7, thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) nuôi theo tiêu chuẩn hiện đại, được lắp hệ thống điều hòa không khí. Mọi người khi ra vào đều phải đi qua bể nông chứa nước vôi sát khuẩn. Anh Trường bắt tay vào nuôi gà đầu năm 2019, lúc đó chỉ có chút kinh nghiệm tự học và kỹ thuật được đơn vị thu mua gà hướng dẫn nên vẫn lúng túng. Cuối năm 2019, khi thấy Hội Nông dân xã thông báo có lớp dạy nghề chăn nuôi gà do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân về dạy nên anh đăng ký theo học. Anh cũng đăng ký đưa mô hình của mình làm giáo cụ dạy học cho giảng viên. Nhờ vậy, anh Trường được hướng dẫn cụ thể việc lắp đặt, bố trí thiết bị trong chuồng trại, cách phân bổ lượng gà hợp lý, cách sử dụng các loại thuốc. Theo anh Trường, từ sau khi học anh tự nhận biết được một số loại bệnh thông thường của gà, cách phòng tránh và điều trị khi gà chớm bệnh.

Xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) có 4,5 ha ao nuôi cá và 350 lồng cá nên hội viên có nhu cầu lớn về tìm hiểu kỹ thuật nuôi thủy sản. Hội Nông dân xã đã đề nghị mở lớp dạy nghề nuôi thủy sản tại địa phương với 35 học viên. Các tiết học chủ yếu tại ao nuôi, lồng cá của học viên. Giảng viên trực tiếp kiểm tra nguồn nước, kịp thời phát hiện những bất thường, hướng dẫn học viên cách xử lý. Nông dân cũng được so sánh với ao nhà mình để tự chẩn đoán tình trạng. Được giảng viên giải thích, hướng dẫn rõ ràng nên bà con hiểu nhanh, những bài học gắn liền với thực tế. "Lớp học được mở tại địa phương giúp bà con không phải đi lại, lại được học trực tiếp từ các mô hình gần mình nên mọi người rất hăng hái tham gia. Học lý thuyết gắn liền với thực hành, giải thích trên góc độ khoa học nên học viên rất thích thú. Có nhiều kinh nghiệm xưa nay các hội viên vẫn áp dụng nhưng sau khi theo học mới biết không phù hợp", anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Thanh nói.

Qua khảo sát, 100% số học viên sau học nghề đã áp dụng các kiến thức kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập.

Mang lớp học tới gần nông dân

Trong thời điểm các trung tâm dạy nghề đều đang gặp nhiều khó khăn thì Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân vẫn hoạt động hiệu quả. Bởi trung tâm đã đưa lớp học tới tận khu vườn, đồng ruộng hay khu chăn nuôi của người dân. Thay vì các học viên ngồi trong lớp học với những cách truyền thụ cũ, nay các giảng viên về tận xã để mở lớp và dạy học. Nắm bắt nhu cầu của nông dân thông qua tổ chức hội cơ sở và nhu cầu canh tác thực tế của các địa phương, trung tâm lựa chọn mở lớp dạy nghề phù hợp. Các giảng viên thực hiện phương pháp "Cầm tay chỉ việc" một cách triệt để. Khoảng 70-80% tổng thời gian học, các học viên được học trực tiếp tại mô hình cụ thể. Mỗi lớp học được chia thành nhiều nhóm để học viên tự thảo luận, giải quyết các tình huống khi giảng viên đưa ra. Nông dân được học cách nhận biết các loại bệnh và cách phòng trừ cơ bản trên cây trồng, vật nuôi. Các ao nuôi, ruộng vườn của học viên được trưng dụng làm giáo cụ học tập trực quan cũng là cơ hội để bà con được góp ý, tư vấn trực tiếp.

Vì lớp học tổ chức tại các xã nên việc đi lại của giảng viên gặp khó khăn. Nhưng mỗi lần xuống với bà con, các giảng viên không chỉ mang tới cho họ kiến thức, mà giảng viên cũng thu lại những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn. "Mỗi lần tới các lớp nhận được tình cảm của học viên dành cho mình, có nhiều người lớn tuổi nhưng vẫn chăm chỉ đi học, mình thấy việc làm của mình ý nghĩa hơn. Sau mỗi lớp học, chúng tôi đều giữ liên lạc với các học viên để kịp thời giải đáp thắc mắc cho họ", anh Tăng Bá Dương, Trưởng Phòng Đào tạo, giảng viên bộ môn trồng trọt vui vẻ nói.

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh hiện chỉ có 9 giảng viên cơ hữu đảm nhận dạy nghề tại các xã. Từ năm 2011-2019, trung tâm tổ chức được 203 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 7.095 học viên. Trung tâm trực tiếp xây dựng 13 chương trình, biên soạn tài liệu, bài giảng các nghề trồng rau an toàn; trồng cây ăn quả; trồng lúa năng suất cao, chăn nuôi, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; nuôi thủy sản nước ngọt... Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật ngắn ngày để cập nhật, bổ sung thêm kiến thức mới cho nông dân. Cùng thời gian này, trung tâm phối hợp với các đơn vị tổ chức 1.603 lớp tập huấn, bồi dưỡng khoa học - kỹ thuật cho 89.925 lượt người, tập trung vào các kỹ thuật sản xuất rau an toàn, chăn nuôi an toàn sinh học, kỹ thuật xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ... 

Theo ông Đặng Quang Hưng, Phó Giám đốc trung tâm, có được kết quả trên do đơn vị có đội ngũ giảng viên có trình độ và nhiệt tình, trách nhiệm. Đặc biệt, sự vào cuộc tích cực của Hội Nông dân các cấp đã kịp thời nắm bắt nguyện vọng đề xuất mở lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của hội viên, thu hút đông đảo nông dân tham gia. 

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nông dân đi học