Hỗ trợ người lao động trong thời đại 4.0

04/09/2018 08:07

Để thích ứng, nắm bắt cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tổ chức công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động.

Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền về văn hóa công sở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cho công nhân Công ty TNHH Sees Vina (Tứ Kỳ)

Nâng cao trình độ, kỹ năng

Trước xu thế phát triển không ngừng của khoa học, kỹ thuật, thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, tháng 2.2014, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch về "Nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động (NLĐ)". Thực hiện kế hoạch này, tất cả các công đoàn cấp trên cơ sở đã xây dựng kế hoạch, triển khai phổ biến, chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc đưa chỉ tiêu học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ vào nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị NLĐ và thỏa ước lao động tập thể. Các cấp công đoàn trong tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục và đào tạo, các doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động công nhân, lao động tham gia học tập; phối hợp tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa, bồi dưỡng nhận thức về chính trị, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thợ hằng năm cho NLĐ trong các doanh nghiệp... Đặc biệt, các cấp công đoàn chú trọng tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về nhiệm vụ nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ, từng bước tăng tỷ lệ công nhân, lao động có tay nghề. Qua đó, đã vận động 273 doanh nghiệp đưa nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể và thực hiện thường xuyên, liên tục trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, toàn tỉnh đã tuyên truyền về học tập chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 97.000 lượt người, tuyên truyền về kỹ năng nghề cho hơn 168.000 lượt người. Ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ đã được chăm lo học tập, nâng cao trình độ. Đã có hơn 39.000 lượt người được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ văn hóa, hơn 118.000 lượt người được đào tạo nâng cao tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, hơn 22.000 lượt người tham gia thi tay nghề, thi thợ giỏi.

Hoạt động này có ý nghĩa thiết thực đối với NLĐ, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp, đòi hỏi trình độ của NLĐ ngày càng cao hơn. Anh Nguyễn Văn Sỹ, công nhân Công ty TNHH Bơm Ebara Việt Nam (thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) cho biết anh thường xuyên được tham gia các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng nghiệp vụ ở trong và ngoài nước do công ty tổ chức. Theo anh Sỹ, hoạt động này rất có ý nghĩa, không chỉ giúp anh tự tin mà còn phát huy được sở trường, kinh nghiệm trong công việc. Việc tiếp cận những ứng dụng công nghệ tiên tiến của các nước phát triển đã mang đến những kiến thức bổ ích. Với kinh nghiệm của mình, anh Sỹ tích cực hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho đồng nghiệp, nhất là những người mới vào làm, góp phần thúc đẩy sản xuất của công ty.

Giáo dục ý thức, trách nhiệm

Nhiều người lo ngại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm cho lao động phổ thông, trình độ thấp mất việc. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của nước ta nói chung và Hải Dương nói riêng, trong bối cảnh hiện nay, lao động phổ thông vẫn được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Hàng loạt công ty ở tỉnh ta vẫn luôn có nhu cầu tuyển công nhân với số lượng không nhỏ.

Để hướng tới tương lai lâu dài, tổ chức công đoàn đã quan tâm nâng cao ý thức trách nhiệm, tác phong công nghiệp cho NLĐ, nhằm nâng cao chất lượng lao động. Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức một buổi tuyên truyền về văn hóa công sở trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cho 200 công nhân Công ty TNHH Sees Vina (Tứ Kỳ). Tại buổi tuyên truyền, chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh đã giới thiệu cho công nhân cách nhìn khái quát về thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp4.0. Chị Thủy cũng chia sẻ với công nhân về những giải pháp để thích ứng tốt nhất với cuộc cách mạng này. Cụ thể, mỗi NLĐ cần biết nâng cao nhận thức, tác phong công nghiệp; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn; nghiêm túc thực hiện quy chế của doanh nghiệp, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do doanh nghiệp phát động; cùng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp...

Sau buổi tuyên truyền, chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH Sees Vina đã nhận thức rõ hơn vấn đề. Theo chị Hoa, công việc bận rộn nên chị dường như không hiểu gì về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chị chỉ nghe nói nó có thể khiến cho những NLĐ như chị dễ mất việc làm. Tuy nhiên, những kiến thức lĩnh hội trong buổi tuyên truyền đã giúp chị hiểu hơn. Chị xác định từ nay sẽ cố gắng nhiều hơn trong công việc, xây dựng tác phong công nghiệp để không bị đào thải trong guồng quay phát triển.

Hiện nay, trong các buổi tuyên truyền của tổ chức công đoàn, ngoài những nội dung liên quan đến pháp luật lao động, các cán bộ công đoàn đã lồng ghép nhiều thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó chú ý nhiều đến việc nâng cao ý thức, trách nhiệm cho NLĐ nhằm trấn an tư tưởng và giúp NLĐ tự tin hơn trong cuộc cách mạng này.

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ người lao động trong thời đại 4.0