Đội tiêu hủy lợn mỏi mòn chờ hỗ trợ

08/06/2019 11:20

Dù công việc vất vả nhưng đến nay hầu hết những người làm công tác tiêu hủy lợn trong tỉnh vẫn chưa được nhận thù lao.


Dù phải làm việc vất vả nhưng phần lớn các thành viên tham gia tiêu hủy lợn ở các xã, phường, thị trấn vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ

Nhiều tháng nay, các thành viên thuộc các đội tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ở các xã, phường, thị trấn phải làm việc ngày đêm, kể cả ngày nghỉ. Vất vả như vậy nhưng đến nay nhiều thành viên của đội tiêu hủy vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Vất vả liên miên

Khoảng 3 tháng nay, công việc của ông Nguyễn Khắc Mãn, Trưởng Ban Thú y xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) chỉ xoay quanh việc tiêu hủy lợn. Mỗi khi nhận được điện thoại báo tiêu hủy của các hộ chăn nuôi, ngay lập tức ông cùng các thành viên trong đội phải đi làm nhiệm vụ. Có ngày, vài chục hộ cùng báo tiêu hủy lợn. Khi ấy, đội tiêu hủy gồm 29 người phải chia ra từng tốp để làm việc cho kịp. Có những hôm cả đội phải tiêu hủy lợn từ sáng sớm đến tận tối muộn mới xong. Do lợn đã chết lại để lâu trong chuồng nên không ít con đã bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu kín. Sau khi tiêu hủy, đội phải cắt cử người phun thuốc khử trùng toàn bộ chuồng trại chăn nuôi, hướng dẫn người dân cách vệ sinh chuồng trại. 

Ông Mãn cho biết: "Vĩnh Hòa là một trong những xã có số lợn phải tiêu hủy lớn, lên đến hơn 3.000 con. Có trang trại quy mô hơn 1.000 con cũng phải tiêu hủy. Cả Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở xã và đội tiêu hủy phải làm việc hết công suất. Nhưng nguồn ngân sách hạn chế nên xã mới trích được 50 triệu đồng để hỗ trợ công tác dập dịch. Tính ra, mỗi thành viên trong đội tiêu hủy mới nhận được 1 triệu đồng. Tiền công máy xúc, máy ủi lên đến 30 triệu đồng nhưng xã cũng vẫn phải nợ". 

Ông Trần Văn Huy, Phó Trưởng Ban Quân sự xã Kim Anh (Kim Thành) cũng phải tham gia vào đội tiêu hủy lợn. Các hộ có lợn bị dịch chết chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ ở các vùng chuyển đổi, đường đi vào chuồng trại nhỏ, hẹp, đa phần là đường đất nên phải vận chuyển thủ công. "Nhiều con lợn nái nặng đến 3 tạ, chúng tôi phải chia ra người kéo trước, người đẩy sau mới có thể đưa được lợn ra đến sân, cân lên cẩn thận rồi mới đưa đi tiêu hủy. Kể cả ngày nghỉ, ngày lễ chúng tôi cũng vẫn phải làm. Khênh lợn nhiều nên tôi bị đau lưng, cả tháng nay vẫn chưa khỏi. Biết Nhà nước sẽ có chế độ cho những người tham gia dập dịch nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được nhận", ông Huy chia sẻ.

Cần hỗ trợ, động viên kịp thời

Theo ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Anh, đến nay xã đã phải tiêu hủy gần 900 con lợn, thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Ông Đức Anh cho biết: "Mọi chi phí cho công tác dập dịch ở xã vẫn đang phải nợ. Chỉ tính riêng số tiền phải trả cho máy xúc, máy ủi đã lên đến gần 80 triệu đồng. Đội tiêu hủy lợn có 10 người, ngoài cán bộ thú y xã còn có sự tham gia của lực lượng quân sự, công an xã. Tuy chưa nhận được hỗ trợ nhưng các thành viên trong đội tiêu hủy lợn vẫn làm việc rất trách nhiệm. Do nguồn ngân sách hạn hẹp nên chính quyền xã rất mong UBND tỉnh, huyện sớm bố trí một phần kinh phí để hỗ trợ, động viên kịp thời cho những người làm công tác tiêu hủy lợn".

Đến nay phần lớn các đội tiêu hủy lợn ở cấp xã mới chỉ nhận được một phần, thậm chí chưa nhận được tiền hỗ trợ. Thiệt hại do bệnh DTLCP rất lớn, vượt xa khoản ngân sách dự phòng các cấp. Trong khi nguồn ngân sách cấp xã và huyện luôn khó khăn. Theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 14.5, ngân sách dự phòng cấp tỉnh và huyện sẽ trích 70% kinh phí để chi cho công tác phòng chống bệnh DTLCP. Nguồn kinh phí này được dùng để chi trả cho việc mua hóa chất, phương tiện phục vụ tiêu hủy, người làm nhiệm vụ tiêu hủy, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi. 

Công tác phòng chống, dập dịch là một nhiệm vụ quan trọng. Các cấp, các ngành, địa phương cần sớm giải quyết tiền hỗ trợ cho những người làm nhiệm vụ này.

UBND tỉnh đã có Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 5.3.2014 quy định mức hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí cho những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch (bao gồm: ban chỉ đạo, các sở, ngành có liên quan, cán bộ thú y, người trực tiếp phun thuốc hóa chất khử trùng tiêu độc), phục vụ tại các chốt kiểm dịch 100.000 đồng/người/ngày làm việc; 200.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. 

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đội tiêu hủy lợn mỏi mòn chờ hỗ trợ