Doanh nghiệp o ép người lao động bằng quy định riêng

07/08/2018 11:51

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, một số DN xây dựng nội quy, quy chế hoặc có những thay đổi trong quá trình sản xuất với nhiều điều khoản bất lợi, o ép NLĐ.

Nhiều quy định của doanh nghiệp không khuyến khích được người lao động, thậm chí còn khiến công nhân phải bỏ việc (ảnh mang tính chất minh họa)

Hở ra là phạt

Mục đích của DN là phát triển sản xuất, kinh doanh, thu về lợi nhuận. Vì vậy, những quy định riêng của doanh nghiệp (DN) đối với người lao động (NLĐ) cũng được cho là không nằm ngoài mục đích này. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy DN có rất nhiều cách từ việc đưa những quy định xử phạt bất công hay ban hành tiền thưởng theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó", đến o ép trong công việc để giảm tiền lương, phụ cấp của NLĐ...

Anh Phạm Hữu Hà từng làm việc cho một công ty có vốn đầu tư 100% của Đài Loan (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng). Theo anh Hà, công ty này xây dựng bảng nội quy, quy định khá dày dặn, chi tiết với các nội dung về giờ giấc làm việc, an toàn lao động, quản lý máy móc, dụng cụ… Trong đó, có những quy định được cho là mang tính áp đặt, o ép NLĐ như từ 17 giờ trở đi, công nhân phải tăng ca theo sự sắp xếp của công ty; nếu thiếu trách nhiệm trong sản xuất, làm hỏng sản phẩm sẽ bị phạt; một bộ phận NLĐ muốn nghỉ việc phải viết đơn trước 3 tháng… Chính vì một số quy định có phần lấp lửng, thậm chí sai quy định của pháp luật nên khi áp dụng vào thực tế NLĐ thiệt thòi. 

Anh Hà cho biết nội quy có hiệu lực từ tháng 3.2018 thì chỉ sau một thời gian ngắn đã khá nhiều công nhân bị phạt. Do sơ suất trong quá trình sản xuất, anh Trịnh Quang Điệp làm hỏng một số hàng hoá. Nhưng công ty không xem xét việc làm của anh Điệp là vô tình hay cố ý, thậm chí có thể lỗi do quy trình sản xuất chưa chặt chẽ mà đã ra thông báo phạt nặng anh Điệp. Ngay bản thân anh Hà cũng là nạn nhân của một thông báo xử phạt tương tự. Trong quá trình lái xe đi Hà Nội, vì tắc đường nên anh đã không hoàn thành nhiệm vụ theo đúng thời gian quy định. Sự việc hoàn toàn do khách quan nhưng công ty không nương nhẹ. Vì vậy, anh Hà khá bức xúc.

Anh Phạm Văn Bình thuê trọ ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đang làm việc cho một công ty nhôm kính trên địa bàn. Anh Bình cho biết công ty anh đặt ra mức thưởng chuyên cần 1triệu đồng/người/tháng. Nhưng việc này chẳng khác gì "treo đầu dê, bán thịt chó" vì đi kèm với khoản tiền thưởng là quy chế rất khắt khe. Công nhân phải đi làm đủ 26 ngày công/tháng, chỉ cần nghỉ một ngày bất kỳ lý do gì cũng bị trừ 40% số tiền thưởng và nghỉ 3 ngày sẽ không được nhận tiền chuyên cần. Ngoài ra, trong cả tháng công nhân cũng không được làm hỏng hay lỗi hàng. Theo anh Bình, làm các sản phẩm nhôm kính thật khó tránh khỏi việc không để xảy ra lỗi. Nhiều khi lỗi nặng công nhân còn bị trừ lương để đền tiền cho công ty.

Công nhân Công ty TNHH May MayFair ngừng việc tập thể vì lãnh đạo doanh nghiệp đột ngột cắt giảm tiền thưởng và tiền ăn 

Vào khoảng đầu tháng 7 vừa qua, công nhân của một DN có đông lao động nhất nhì tỉnh xôn xao về việc DN bỏ thi lên bậc và đưa ra quy định phải đạt mức phần trăm cao mới được lên bậc tay nghề để hưởng lương theo bậc đó. Qua Facebook, chị Linh C., công nhân của DN này bức xúc: "Quy định bây giờ không được thi lên bậc nữa, mà dựa vào phần trăm 3 tháng đạt trên 70% thì được bậc N, đạt 80% thì được bậc S. Vậy theo mọi người có những chuyền chỉ 2 tuần lại thay 1 đơn hàng, không làm hàng truyền thống thì lấy đâu ra phần trăm để lên bậc, như vậy có phải quá vô lý không...". Nhiều công nhân cũng cho rằng với quy định mới này thì họ khó lên được bậc, giữ được bậc để hưởng mức lương tương đương với tay nghề. Đây cũng là một quy định mang tính áp đặt, o ép NLĐ của DN.

Lợi bất cập hại

Dù những quy định riêng đều phục vụ cho quyền lợi của DN nhưng trên thực tế, đã có những bài học đối với DN khi o ép NLĐ quá mức.

Vì chế độ xử phạt vô lý nên cuối tháng 7 vừa qua, anh Hà đã nghỉ làm. Như vậy, công ty đã mất đi một NLĐ có kinh nghiệm, phải tuyển dụng người mới và bỏ chi phí đào tạo lại từ đầu. Tại Hải Dương cũng đã có rất nhiều cuộc ngừng việc tập thể của công nhân, hầu hết nguyên nhân chính là phản đối cách hành xử của DN. Gần đây nhất là vụ ngừng việc tập thể của gần 500 công nhân Công ty TNHH May MayFair (khu công nghiệp Phú Thái, Kim Thành). Công nhân bức xúc vì DN tự ý cắt giảm tiền thưởng, tiền ăn mà không có bất kỳ lý do chính đáng nào.

Để bảo vệ quyền lợi NLĐ, các công đoàn cơ sở cần tích cực đấu tranh giúp lãnh đạo DN xây dựng bảng nội quy với những điều khoản phù hợp, không áp đặt. Công đoàn cũng cần sâu sát trong trường hợp DN đưa ra quy định xử phạt với NLĐ để bảo đảm tính khách quan, công bằng. Về lâu dài, DN cũng nên tham khảo ý kiến của tập thể NLĐ trước khi đưa ra các quy định nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp o ép người lao động bằng quy định riêng