Cải cách chính sách tiền lương. Bài 1: Lương chính thấp, phụ cấp cao tạo sự méo mó, bất cập

10/05/2018 17:12

Chênh lệch quá lớn giữa lương và phụ cấp theo lương hiện nay dẫn đến trường hợp thu nhập của cán bộ, công chức chủ yếu nhờ phụ cấp chứ không phải nhờ lương.

Nâng lên, đặt xuống, đưa ra rồi lại xếp vào, Nhà nước đã lỡ hẹn với cải cách chính sách tiền lương 3 lần: Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 – 2012; Kết luận Hội nghị Trung ương 5 và Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020. Một lần nữa, cải cách chính sách tiền lương lại được đặt ra tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) với nhiều kỳ vọng, khi thời cơ cho cải cách đã chín muồi. 

Tiền lương chính thức chưa đủ sống

Đến nay, nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương với nội dung cải cách tổng thể toàn diện đối với cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (khu vực công) và khu vực doanh nghiệp (vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003). Tính từ tháng 12.1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần, từ 120.000 đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,83 lần, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp được điều chỉnh tăng cao hơn theo định hướng chỉ đạo của Trung ương; từ ngày 1.1.2018 ở mức 2,76 - 3,98 triệu đồng/tháng tùy theo địa bàn. 

Với quan hệ tiền lương hiện nay, mức lương thấp nhất đối với nhân viên phục vụ bậc 1 là 1,3 triệu đồng (mức lương cơ sở), mức trung bình của cán bộ, công chức, viên chức chỉ đạt 3,042 triệu đồng (hệ số 2,34) và mức cao nhất như Chủ tịch nước, Tổng Bí thư cũng chỉ là 16,9 triệu đồng (hệ số 13). Theo bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước, lương Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ là 16,25 triệu đồng (hệ số 12,5). 

Vậy nên mới có chuyện, theo lời kể của nguyên Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, khi làm cải cách tiền lương vào năm 1993, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Đình Hoan lúc đó chỉ ước ao đến năm 2000 lương Bộ trưởng được 1.000 USD/tháng (khoảng 20 triệu đồng). 18 năm đã qua, lương Bộ trưởng ở Việt Nam cao nhất cũng chỉ đạt 13 triệu đồng. 

Tại một hội thảo bàn về công tác cán bộ gần đây của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn đặt câu hỏi “bản thân tôi là Bộ trưởng lương chỉ 11,69 triệu đồng, với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?”. 

Bài viết mới đây của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho thấy, tiền lương khu vực công còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình họ. Quy định mức lương bằng hệ số nhân với mức lương tối thiểu đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Nhiều trường hợp tiền lương của lãnh đạo cấp trên thấp hơn tiền lương của lãnh đạo cấp dưới, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. 

Hàng năm, khu vực sản xuất kinh doanh điều chỉnh lương tối thiểu vùng, nhưng tiền lương khu vực Nhà nước tăng “nhỏ giọt”, đó là nguyên nhân của giải quyết mâu thuẫn này lại xuất hiện mâu thuẫn khác và kéo dài khoảng cách bất bình đẳng về lương của công chức Nhà nước trong các ngành và lĩnh vực khác nhau. 

Thực tế thì mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng từ 1.7.2017 chỉ bằng 38,9% mức lương tối thiểu vùng bình quân của khu vực doanh nghiệp; bằng 35,7% nhu cầu tối thiểu. Mức lương chuyên viên bậc 1 (đại học hết tập sự) tính cả 25% phụ cấp công vụ là 3,8 triệu đồng/tháng, bằng 95,5% mức lương tối thiểu vùng I và bằng 49% mức lương bình quân của người lao động có cùng trình độ trong khu vực doanh nghiệp.   

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Văn Lý, mặc dù từ năm 2004 đến 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên tới 4,5 lần, nhưng so với thị trường lao động thì còn quá thấp, chưa bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho công chức, viên chức. 

Công chức vẫn sống khỏe nhờ... thu nhập ngoài lương

Có một thực tế là lương không đủ sống, nhưng, nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan “tiền lương chính thức thấp, nhưng công chức vẫn sống khỏe”, bởi “tiền lương danh nghĩa của Việt Nam quá thấp nhưng phụ cấp quá nhiều, thành ra công chức có sống nhờ vào lương đâu, phần phụ trở thành phần chính”. 

Điều này cũng đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra trong các đợt khảo sát việc thực hiện chính sách tiền lương tại nhiều bộ, ngành, chuẩn bị cho Đề án cải cách chính sách tiền lương trình Hội nghị Trung ương 7. “Phụ cấp đang làm chính sách tiền lương bị méo mó, “chính” thành “phụ”, “phụ” lại thành “chính”. Thu nhập ngoài lương (chi trả từ ngân sách Nhà nước - PV) không kiểm soát được”, theo Phó Thủ tướng. 

Tại buổi làm việc với Tòa án nhân dân Tối cao về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ không khỏi băn khoăn khi ngoài lương, các khoản thu nhập khác là rất ít mà “thu nhập thế vẫn muốn vào công chức, vẫn sống bình thường”. Phó Thủ tướng cho rằng chính sách tiền lương bất cập và bất hợp lý, lương chưa thực sự trở thành động lực của cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống chính trị, chưa thành nguồn thu nhập chính, người làm công ăn lương ít quan tâm đến tiền lương là bao nhiêu. 

Theo Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, hiện có tới 20 nhóm phụ cấp với gần 100 loại phụ cấp các loại. Nhiều loại phụ cấp có tính chất tương tự nhau. Một số loại phụ cấp không nhất quán như phụ cấp ở cơ quan Đảng từ Trung ương xuống cấp huyện là 30% nhưng ở cấp xã thì không áp dụng. Cũng với mức này, trong cơ quan Đảng, chỉ có cấp Vụ trưởng trở xuống được hưởng còn chức danh Phó Trưởng Ban lại không được hưởng. Chính điều này tạo ra sự méo mó, bất cập trong tiền lương. 

Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng chỉ ra một nghịch lý là phụ cấp chức vụ lãnh đạo chiếm tỷ trọng nhỏ dẫn đến nhiều trường hợp tiền lương của lãnh đạo cấp trên thấp hơn tiền lương của lãnh đạo cấp dưới, kể cả người chỉ huy trong lực lượng vũ trang. Thu nhập của Vụ trưởng trong Ban Đảng (gồm cả phụ cấp thâm niên, phụ cấp cơ quan Đảng, phụ cấp chức danh,...) còn cao hơn lương cấp trên là Phó Trưởng Ban. Tiền lương của Phó Tổng tham mưu trưởng cao hơn Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ví dụ, Tổng tham mưu trưởng giữ quân hàm Trung tướng có hệ số lương 9,20, phụ cấp chức vụ lãnh đạo 1,40, phụ cấp thâm niên nghề 40% và phụ cấp công vụ 25% có tổng tiền lương tháng là 22 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Phó Tổng tham mưu trưởng giữ quân hàm Thượng tướng có hệ số lương 9,80, phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 1,25, phụ cấp thâm niên nghề 40% và phụ cấp công vụ 25% có tổng tiền lương tháng là 23,052 triệu đồng/tháng. 

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thao, số lượng phụ cấp nhiều vì cứ mỗi một chính sách mới ra đời lại dễ xuất hiện thêm một loại phụ cấp mới. Trong cách tính lương theo ngạch, bậc, bản thân người lao động còn không nắm được chính xác mức lương của mình. Khi tính thêm cả phụ cấp thì việc tính toán thu nhập lại càng trở nên phức tạp. Không chỉ vậy, việc áp dụng nhiều phụ cấp dẫn đến mâu thuẫn giữa các ngành nghề trong xã hội. 

So sánh tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự (có mức lương cơ bản là 3.042.000 đồng/tháng) thì tiền lương/tháng (gồm lương cơ bản cộng phụ cấp) của chuyên viên bậc 1 (tốt nghiệp đại học hết tập sự) ở địa bàn xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (xã đặc biệt khó khăn được áp dụng phụ cấp đặc biệt 100%, phụ cấp thu hút 70% và phụ cấp khu vực 0,7) là trên 9,88 triệu đồng/tháng, chuyên viên bậc 9 được hưởng hơn 20 triệu đồng/tháng; bác sĩ bậc 1 được hưởng 11,25 triệu đồng/tháng, bác sĩ bậc 9 hưởng 22,92 triệu đồng/tháng; giáo viên THPT bậc 1 hưởng 11,25 triệu đồng/tháng, giáo viên THPT bậc 9 được hưởng 24,47 triệu đồng/tháng; Thiếu úy hưởng 17 triệu đồng/tháng, Trung tá hưởng 27,93 triệu  đồng/tháng. Như vậy, tiền lương của nhà giáo (gồm cả lương cơ bản và phụ cấp) là cao nhất trong khu vực hành chính, sự nghiệp (chỉ thấp hơn lực lượng vũ trang công tác trên cùng địa bàn). 

Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, trong tổng thu nhập của người lao động thì phụ cấp chiếm tới 54,55%, còn lại là từ lương được Nhà nước trả theo ngạch, bậc. Tổng quỹ phụ cấp năm 2017 chiếm khoảng 40% tổng quỹ tiền lương, cao hơn thông lệ quốc tế khoảng 30%. 

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, việc các loại phụ cấp nhiều hơn lương chính làm cho cơ chế tiền lương bị phá vỡ, mất vai trò đòn bẩy của tiền lương. Chênh lệch quá lớn giữa lương và phụ cấp theo lương hiện nay dẫn đến trường hợp thu nhập của cán bộ, công chức chủ yếu nhờ phụ cấp chứ không phải nhờ lương. Đây là một trong những bất cập của chính sách tiền lương hiện tại và cần phải được thay đổi.

CHU THANH VÂN (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách chính sách tiền lương. Bài 1: Lương chính thấp, phụ cấp cao tạo sự méo mó, bất cập