Giữ văn hóa làng thời hội nhập

26/05/2018 09:04

Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nông thôn không ngừng đổi thay nhưng nhiều làng quê trong tỉnh vẫn quan tâm gìn giữ nét đẹp xưa.


Năm 2017, nhân dân thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) đã khôi phục được 2 giếng làng trên nền đất cũ

Khôi phục các công trình cổ

Nhắc đến làng quê xưa là nói tới “cây đa, giếng nước, sân đình”. Đây không chỉ là biểu tượng đặc trưng của làng mà còn là những địa chỉ góp phần làm nên các mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng bền chặt, tổ chức các hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa, tinh thần… Bởi thế, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, dù kết cấu hạ tầng có liên tục đổi thay theo hướng hiện đại thì nhiều vùng quê vẫn luôn quan tâm bảo tồn những nét đẹp đặc trưng này.

Bên cạnh hệ thống các công trình đình, đền, chùa, miếu, các lễ hội, về các vùng nông thôn hiện nay dễ dàng nhận thấy đa phần thôn, khu dân cư đều giữ gìn hoặc khôi phục được các công trình gắn với đời sống văn hóa làng quê xưa như cổng, giếng, ao làng…

Ngày 20.5 vừa qua, thôn Vạn Tải, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) cùng lúc làm lễ khánh thành cổng và giếng làng trong niềm hân hoan của nhân dân. Cổng và giếng làng Vạn Tải đều được xây dựng trên nền đất cũ bằng chính sự quyên góp, ủng hộ của nhân dân địa phương, con em xa quê. Cổng làng được xây theo kiểu tam quan, 3 tầng mái. Giếng làng có bán kính trên 10m, được xây trong khuôn viên 232m2, xung quanh là lan can, ghế đá, có cây thị cổ và một số cây xanh khác. Từ đây, thôn cũng sẽ có thêm địa điểm cho người dân vui chơi, nghỉ ngơi, giúp gắn kết cộng đồng. 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” làm cho thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) ngày càng khang trang, đổi mới. Những con đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều nhưng trong tâm trí của người dân nơi đây, nhất là các bậc cao niên, họ vẫn muốn khôi phục và giữ gìn những công trình mang biểu tượng của làng một thời. Ông Nguyễn Thế Thuần, Trưởng thôn Đươi cho biết thôn có 2 giếng làng cổ làm bằng đất (một giếng nằm ở phía đông, một giếng nằm ở phía tây). 2giếng này xưa là nơi cấp nước sinh hoạt cho dân làng, cũng là địa chỉ gắn kết cộng đồng. Qua thời gian, 2 giếng bị bồi lắng do đất xung quanh bờ sạt lở. Dù không còn giá trị sử dụng nhưng dân làng kiên quyết không lấp đi. Đến năm 2017, nhân dân trong thôn đã quyên góp để khôi phục 2 giếng này với tổng kinh phí 124 triệu đồng. “Chúng tôi muốn giữ lại hồn cốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp của ông cha để lại, để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho con cháu", một cụ cao niên ở thôn Đươi nói.

Giáo dục truyền thống

Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, trong thời kỳ hội nhập, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị dần bị thu hẹp. Bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế - xã hội, văn hóa mà hội nhập mang lại, vẫn còn một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ thờ ơ, chưa coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống làng quê xưa. Bởi vậy, việc các địa phương xây dựng, trùng tu, khôi phục hệ thống các công trình như cổng, giếng làng… sẽ góp phần gìn giữ những giá trị mà các thế hệ ông, cha ta xưa kia đã dày công vun đắp, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Ông Đặng Văn Lộc, một người am hiểu lịch sử ở huyện Cẩm Giàng cho rằng: “Các làng nên chú trọng khai thác hiệu quả các giá trị mà những công trình mình vừa khôi phục. Đừng làm theo phong trào, xây xong để đó thì rất lãng phí. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các cấp ủy, chính quyền, cũng như mỗi người dân để làm sao những nét đẹp văn hóa làng quê sẽ luôn được giữ gìn, là tư liệu quý có ý nghĩa giáo dục các thế hệ con cháu sau này”.

Thực tế cho thấy trong thời kỳ hội nhập, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế để xây những nhà cao tầng khang trang, song vì muốn gìn giữ những ngôi nhà cổ của ông cha nên họ không phá đi xây mới, mà chỉ tập trung tôn tạo. Trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều gia đình lưu giữ được những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, ở đó có cả các công trình phụ như giếng khơi, bể nước… Những ngôi nhà cổ này không chỉ để nhắc nhớ bản thân về một thời đã qua của gia đình, mà còn để con cháu có nơi tìm về, thấu hiểu được truyền thống gia đình.

Anh Phạm Văn Triển (41 tuổi) ở thôn Quàn, xã Minh Đức, 10 năm nay đam mê sưu tầm các vật dụng như cày, bừa, dậm, giỏ, chum, vại… về bày trong nhà. “Nhìn vào những vật dụng này, những ký ức, kỷ niệm đẹp của năm tháng tuổi thơ tôi lại ùa về. Tôi trưng những vật dụng này tại nhà vì cũng muốn con cái sẽ hiểu và trân quý những giá trị về văn hóa làng quê một thời”.

Bảo tàng tỉnh là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, đồ dùng liên quan đến văn hóa làng. Năm 2016, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức triển lãm trưng bày chuyên đề “Nông cụ và đồ dùng sinh hoạt của người nông dân trên đất Hải Dương thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI”. Bảo tàng đã giới thiệu tới công chúng một cách hệ thống các sưu tập hiện vật gốc về nông cụ và đồ dùng sinh hoạt của người nông dân trên đất Hải Dương từ đầu thế kỷ XX đến nay như bộ bàn ghế tre, bộ tràng kỷ, giỏ đựng ếch, chén gỗ, đấu đong gạo, tích mâm đồng, giỏ, cày, bừa, rế lót nồi, liềm, đòn gánh, gậy gẩy rơm... Qua đó đã truyền tải thông tin giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ được tiếp xúc một cách trực quan những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt gắn liền với văn hóa làng xã. 

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ văn hóa làng thời hội nhập