Báo chí và văn học

21/06/2019 15:30

Nhớ lại hồi làm luận văn tốt nghiệp đại học báo chí với đề tài "Ngôn ngữ báo chí và văn học" mà tôi vẫn thấy liều.

Có người bảo sao anh chơi ngông thế, dám chọn đề tài quá tầm, quá sức. Nhà trường giới thiệu nhà báo Quang Đạm (Báo Nhân Dân) hướng dẫn tôi làm luận văn.

Vào cuộc, tôi mới thấy là khó thật! Tôi tìm hiểu các luận văn khóa trước cũng không thấy sinh viên nào đề cập đến vấn đề này. Tôi tới các thư viện tìm tài liệu nghiên cứu, đặc biệt là những tác phẩm trên báo Nhân Dân, báo Văn nghệ và một số tạp chí chuyên ngành lý luận. Nhưng thực sự là chưa có bài giảng nào đi sâu phân biệt rõ hai lĩnh vực này. Chỉ có nhà báo Phan Quang tới nói chuyện chuyên đề về các thể loại báo chí và văn học, ông dẫn chứng về một đoàn nhà báo có cả nhà thơ đi thực tế ở nông trường Mộc Châu (Sơn La) và những tác phẩm của chuyến đi ấy. Nhà văn viết phóng sự thì tả trời, tả đất, tả những chi tiết cô công nhân nông trường khi về quê chưa nghỉ hết phép đã vội lên nông trường, để người đọc hình tượng tình cảm trách nhiệm của người chủ với vật nuôi… Cô nhà báo làm phát thanh thì dùng những lời dẫn ngọt ngào và trích lời nói của người chăn bò, ghi âm cả tiếng bò bê gọi nhau làm nền cho phóng sự. Có ông nhà thơ thì cho in cả bài thơ dài, trong đó có câu "Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài…". 

Rồi tôi xem lại các bài báo, những tác phẩm văn học tôi đã viết, so sánh với nội dung bài giảng về báo chí để tìm ra cái khác và giống nhau khi thể hiện tác phẩm. Tôi nhớ lại, khi nhà báo Hữu Thọ tới lớp trao đổi nghiệp vụ làm báo, ông nói về quá trình tiếp cận thực tiễn khai thác tư liệu rồi về viết bài. Từ thực tế tư liệu đã có, thể hiện theo thể loại nào cho phù hợp với đề tài mà bạn đọc dễ tiếp thu, mà quan trọng nhất là tính thuyết phục của bài báo ở tư liệu và sự kiện có thực, không chung chung, không lập lờ được. Ông dẫn chứng loạt bài phóng sự điều tra của nhóm phóng viên kinh tế Báo Nhân Dân viết về khoán quản trong nông nghiệp ở Hải Phòng bằng những tư liệu sinh động cho thấy đang xảy ra mâu thuẫn giữa người xã viên với Ban quản lý HTX. Qua thực tế phức tạp từ cơ sở đã giúp cho Trung ương kịp thời đưa ra chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn... Từ thực tế đó đã khẳng định tác phẩm báo chí phải phản ánh sự thật đang diễn ra sinh động trong thực tiễn. 

Tôi nhớ lại dịp cùng đoàn cán bộ lý luận Trung ương với các nhà báo, nhà văn đi thâm nhập thực tế khoán quản trong nông nghiệp ở Hải Phòng, trong đoàn có nhà văn Đào Vũ. Sau chuyến thâm nhập thực tiễn, ông cho in tác phẩm "Cái bờ gió" trên báo Văn nghệ. Anh em chúng tôi ngớ người, ở cánh đồng chia ruộng khoán cho nông dân được đắp từng ô thửa, mấy ông lý luận cùng đi hỏi chúng tôi: "Lão nhà văn này nhìn thấy cái bờ nào là bờ gió, ở đâu nhỉ?". Tôi đọc lại tác phẩm của Đào Vũ mới ngộ ra, ý nghĩa sâu xa và cũng là hình tượng nói về nhưng cái bờ nhỏ với những ô thửa ruộng khoán chỉ là nhất thời, vài vụ qua đi rồi đến một ngày nào đó cơ sở vật chất cho nông nghiệp phát triển, cái bờ nhỏ như cơn gió thoảng qua nhường lại cho những ô thửa lớn của cánh đồng mẫu lớn. Tôi mới nghiệm ra văn học có cách thể hiện riêng, hình tượng hóa trên thực tiễn mà nhà văn đã đi, đã gặp, đã cảm xúc. Tôi và bác Quang Đạm đã đồng nhất quan điểm: "Tư duy báo chí là tư duy logic từ thực tế đến chủ trương; còn tư duy văn học là tư duy hình tượng".       

Nghĩ lại, những chuyến đi thực tế ở Báo Hải Phòng và Báo Quảng Ninh về quá trình tiếp cận thực tế để viết bài, xem lại sổ ghi chép với bao nhiêu con số, chi tiết tôi ghi được ở xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nhưng về làm tin chỉ dùng ít số liệu để so sánh. Khi viết phóng sự thì cần nhiều chi tiết trong lao động và sinh hoạt, số liệu chỉ chốt lại làm rõ chủ đề của phóng sự. Ở Báo Quảng Ninh cũng vậy, đưa tin về thành công của một số đề tài khoa học thăm dò than phải có số liệu chính xác. Còn khi viết bài ở thể loại phóng sự, bút ký phải dùng cả hình tượng nghệ thuật và số liệu để chứng minh. Nhưng khi sáng tác văn học, tôi lại lấy tên truyện "Vàng trong than" mà không dùng một số liệu nào, chỉ đi sâu vào hình tượng nữ kỹ sư hóa nghiệm Trần Thị Thúy. 

Luận văn tuy không đạt điểm cao, song cũng là một vấn đề mới, nhất là những năm tháng làm báo in, báo nói, báo hình và viết văn tôi đều phân định rõ ràng cho từng thể loại của mỗi tác phẩm. Tôi luôn tâm niệm sự kiện báo chí diễn ra rất nhanh mà người làm báo phải nhanh nhạy chộp lấy, phản ánh kịp thời. Còn văn học là những hiện thực diễn ra và tồn tại theo thời gian mà người viết phải dựng lại qua hình tượng nghệ thuật làm xúc động lòng người... Đúng như lời thầy Nguyễn Thế Lạng - nguyên Chủ nhiệm khoa, khi đọc tiểu thuyết Cổng làng (*) của tôi, đã nói: "Tác phẩm Cổng làng là lắng đọng được tích lũy qua nhiều năm làm báo…".  40 năm qua, nhất là những năm làm báo Hải Hưng, rồi chuyển sang đài làm phát thanh, truyền hình, nay về hưu, tôi gom nhặt lại những ký ức, từng sự kiện của một thời làm báo xin chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp.

NGUYỄN THANH CẢI (nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương)

------------------------------------------
(*) Tiểu thuyết Cổng làng đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn (2010-2015).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo chí và văn học