Ninh Giang nâng tầm du lịch tâm linh

15/07/2020 06:40

Dù sở hữu nhiều lợi thế trong du lịch tâm linh, nhưng thời gian qua, việc khai thác những tiềm năng này ở huyện Ninh Giang chưa thực sự hiệu quả. Địa phương cần quan tâm hơn để phát huy vốn quý này.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang) thường xuyên đón các đoàn khách về thăm

Với nhiều địa danh lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đặc sắc, Ninh Giang sở hữu lợi thế lớn để phát triển du lịch tâm linh.

Nhiều tiềm năng

Ngày mai 15.7 (25.5 âm lịch), ngày chính diễn ra lễ hội văn hóa tiệc quan lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh tại di tích đền Tranh ở xã Đồng Tâm. Nhưng ngay từ những ngày đầu tháng 5 âm lịch, ngôi đền với lối kiến trúc phỏng theo thời Lê, Nguyễn này đã đón hàng nghìn lượt khách đến dâng hương, chiêm bái. Các hoạt động hát chầu văn, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… tại đây tuy không phải nét văn hóa mới nhưng sức hấp dẫn không vì thế mà suy giảm.

Là một doanh nhân bộn bề công việc nhưng mỗi khi có cơ hội, anh Lê Văn Trường ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) lại về đền Tranh dâng hương, cầu mong may mắn. Anh Trường cho biết: "Nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như tượng quan lớn Tuần Tranh bằng đồng, pho tượng tứ trụ bằng đá… đã tạo nên sức cuốn hút riêng của ngôi đền. Bên cạnh đó là những lời khẩn cầu quê hương tươi đẹp, cuộc sống bình an, thuận lợi được viết thành thơ, thể hiện bằng làn điệu chầu văn mượt mà, hấp dẫn".

Giữa tháng 12.2019, Trường Tiểu học Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa) đã tổ chức cho trên 500 học sinh các khối lớp tham quan nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện như Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hiệp Lực, Khu lưu niệm Bác Hồ ở xã Hồng Dụ, phường rối nước ở xã Hồng Phong… Cô Nguyễn Thị Luyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Các em học sinh tỏ ra thích thú và say mê với những câu chuyện về Bác, về những lần Bác từng đặt chân đến mảnh đất Ninh Giang cũng như nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Những buổi học ngoại khóa kết hợp du lịch này giúp các em hiểu biết thêm về nét đẹp trong văn hóa địa phương và bổ sung thêm nhiều kiến thức lịch sử".

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin Ninh Giang, đến nay trên địa bàn huyện có 304 di tích được UBND tỉnh đưa vào danh mục di tích lịch sử, văn hóa được bảo vệ. Trong đó có 10 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 19 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm Bác Hồ hay đền Tranh, đền thờ Khúc Thừa Dụ (xã Kiến Quốc), mảnh đất cửa ngõ phía nam tỉnh còn sở hữu nhiều tiềm năng du lịch với hệ thống di tích tiêu biểu, đặc trưng về văn hóa tâm linh, cảnh quan đẹp cùng kiến trúc nghệ thuật độc đáo, thu hút du khách tham quan, chiêm bái, nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống.


Đền Tranh thu hút đông du khách. Ảnh tư liệu

Mở ra hướng đi mới

Giai đoạn 2015-2020, Ninh Giang đã ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn". Huyện đã thực hiện thành công dự án cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, địa điểm Người cùng nông dân đạp guồng nước chống úng năm 1962. Cùng với đó, Ninh Giang đã nâng cấp từ Lễ dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ trở thành Lễ hội truyền thống vào ngày 23.7 âm lịch và đã 2 năm tổ chức được lễ hội này. Địa phương tăng cường kiểm tra, bài trừ mê tín dị đoan tại các lễ hội.

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế trong du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, nhưng thực tế thời gian qua, việc khai thác những tiềm năng, lợi thế này chưa thực sự hiệu quả. Các đoàn du khách thường chỉ tham quan, chiêm bái những di tích riêng lẻ, thiếu những chuyến du lịch kết nối chuỗi các di tích. 

Trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ninh Giang lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025, một trong những nội dung được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh là địa phương cần quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và xây dựng các sản phẩm du lịch tâm linh riêng có. 

Ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho rằng, để hiện thực hóa chỉ đạo này, Ninh Giang cần có quy hoạch các khu vực tiện ích như dịch vụ ăn uống, lưu trú đi kèm tại các khu di tích. Địa phương cần tổ chức các chuyến du lịch kết nối giữa những di tích tiêu biểu trong huyện. Kết hợp du lịch tâm linh, thưởng thức nghệ thuật truyền thống với du lịch sinh thái qua tuyến du lịch nối với Đảo Cò (Thanh Miện). "Cần hình thành các chuyến du lịch kết nối với huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), nơi có đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hay huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), nơi có đền Đồng Bằng… Điều này vừa khai thác tốt du lịch tâm linh của địa phương, vừa tăng sự liên kết vùng", ông Vạn cho biết.

Là một người Hàn Quốc đam mê khám phá và ưa thích du lịch tâm linh tại Việt Nam, ông Kang Seung Oh từng trầm trồ và thích thú khi đặt chân đến đền Tranh. Ông Kang chia sẻ, tại Hàn Quốc, hình ảnh của những địa danh du lịch nổi tiếng như cố đô Gwangju, đảo Jeju… đều gắn với một câu chuyện, truyền thuyết riêng, tạo ấn tượng sâu đậm đối với du khách. "Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương được quan tâm đặc biệt. Thông tin du lịch được cập nhật thường xuyên trên các website riêng, gắn liên kết với website của tỉnh, thành phố. Đây cũng có thể là cách làm giúp các bạn tham khảo để khai thác tối đa tiềm năng du lịch", ông Kang nói thêm.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ninh Giang nâng tầm du lịch tâm linh