Huyền thoại bến nước buôn Sah

01/01/2018 13:57

Cách trung tâm huyện Cư M’gar (Ðắk Lắk) 14 km về hướng bắc đến buôn Sah B (xã Eatul), du khách rẽ phải vào con đường bê tông hơn 1 km là đến bến nước buôn Sah (Dăm Di).


Lễ cúng bến nước của đồng bào dân tộc Ê đê

Bến nước

Với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, xã Eatul (huyện Cư M’gar) nói riêng, khi chọn đất để lập buôn làng, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là nguồn nước. Nguồn nước ấy phải dồi dào, trong lành, được chủ buôn, làng “quy hoạch” tại một địa điểm nhất định dưới tên gọi là bến nước, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho cả cộng đồng. Tùy theo địa hình mà bến nước có nơi là một khúc sông (suối), có nơi là khu vực có khả năng sinh thủy dồi dào từ những cánh rừng nguyên sinh vốn có. Từ đặc điểm ấy mà đến nay trong các buôn làng người Tây Nguyên hầu hết đều còn bến nước. Và đó cũng là hình ảnh đầu tiên, tiêu biểu nhất để nhận biết và khẳng định sự tồn tại, phát triển của mỗi tộc người trên các mặt lịch sử, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng và nhân văn…

Nói cách khác, bến nước còn là một sinh thể đúng nghĩa phản ánh chân thực và đầy đủ đời sống cư dân trong không gian sống nhất định. Bởi vậy, việc bồi đắp và duy trì sự sống cho bến nước của mỗi buôn, làng luôn đòi hỏi tự thân các thành viên trong cộng đồng quan tâm. Trên thực tế, đòi hỏi ấy đã được các dân tộc bản địa đáp ứng bằng hình thức vận dụng tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” hết sức linh hoạt và độc đáo thông qua các nghi lễ, trong đó cúng bến nước là một thực hành văn hóa hữu hiệu nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và gìn giữ nguồn tài nguyên nước cho mọi người.

Huyền thoại


Bến nước Sah, xã Dăm Di, huyện Cư M’gar

Theo truyền thống người Ê đê khi lập buôn phải chọn nguồn nước, dựng bến nước để phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Buôn Sah không nhớ có từ bao giờ, cũng không nhớ người đầu tiên lập buôn và cũng không nhớ ai là chủ bến nước, nhưng đã từ lâu người dân nơi đây gọi là buôn Sah và bến nước buôn Sah hay còn gọi là bến nước Dăm Di. Theo truyền thuyết, ngày xưa trong buôn có hai chàng trai Dăm Di và Dăm Săn (có cùng dòng họ Niê), được dân làng rất quý, có tài săn bắn, giỏi chiến đấu với những người từ các nơi khác đến uy hiếp.

Vùng này gọi là Vương quốc Dham (do người Ê đê Dham cai quản). Lúc đó có hai ông vua nước (thần nước) tranh nhau vùng đất này, thần nước tạo lực nước chảy mạnh thành con suối đi hướng vào khu vực để chiếm đất (nay gọi là suối Krông  Buk),  Dăm Di huy động lực lượng mạnh để ngăn chặn. Phải qua nhiều ngày, nhiều tháng chiến đấu, thần nước tiếp tục tạo một con suối thứ hai từ phía đông lên (nay gọi là suối Krông Pac). Cuộc chiến quyết liệt, Dăm Di phải nhờ thần núi tạo núi, đồi mới chặn được dòng nước và không cho con suối chảy qua xâm chiếm đất. Người dân kể rằng từ đó đến nay suối Krông Buk chỉ chảy hướng Krông Pac không còn chảy về xã Eatul nữa. Khi chiến thắng kẻ xâm lược, Dăm Di dựng buôn tại đây để cai quản vùng đất này, nay gọi là buôn Sah.

Chuyện xưa kể lại: Trong buôn Sah có nhiều cô gái xinh đẹp, trong đó có hai chị em ruột H’Bea và H’Bri. Sáng nào, chiều nào hai chị em cũng tắm rửa, rồi gùi nước về. Một hôm chàng Dăm Di đi rừng về, chợt nghe tiếng cười, vui đùa, tiếng nói như chim hót vang khắp núi rừng, lúc đến gần chàng Dăm Di thấy hai nàng đang tắm vui đùa bên vòi nước chảy, xinh đẹp như hoa pơ lang, làn da trắng óng như hoa aring dỡng, đôi tay nàng trắng như hoa kăn ki na, thân hình đầy đặn, đôi môi hồng tuyệt đẹp, chàng nhìn không chớp mắt.

Hai cô nàng không hề biết chàng Dăm Di đã đứng ở ngay sau lưng mình. Khi nghe tiếng của chàng, hai cô nàng giật mình lấy váy, áo che thân mình và không vui nữa.

Hai cô nàng biết chàng rất nhiều vợ xinh đẹp, cứ ai xinh đẹp ở làng gần, làng xa chàng đều lấy bằng được để làm vợ. Vì vậy, hai chị em không thích chàng Dăm Di. Trong lúc chàng đang muốn sờ vào bầu ngực đầy căng của hai chị em thì hai cô nàng chạy mất. Say đắm trước vẻ đẹp của hai nàng, chàng Dăm Di lấy kiếm đang đeo bên hông vẽ lên đá hình ảnh của hai nàng. Nghĩ lại vì không chiếm được hai nàng, chàng tức giận, vung kiếm chém, chân đạp mạnh xuống hình ảnh trên đá... Đến nay do sự bào mòn của tự nhiên vết vẽ hiện không còn nhưng vẫn còn hiện nguyên dấu chân của chàng.

Đến với bến nước Dăm Di, du khách có cảm giác như đến với chốn thần tiên mà thiên nhiên ban tặng cho Cư M’gar.  Phong cảnh thiên nhiên nơi đây tuyệt đẹp, đường đi lối lại cơ bản được bê tông hóa, hạ tầng được chỉnh trang phục vụ cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng… Du khách sẽ được xem tận mắt các sản phẩm của làng nghề dệt thổ cẩm với khăn, quần áo nam, nữ, túi xách… xem diễn tấu cồng chiêng, hát ây rây, múa cổ, kể khan và thưởng thức món ăn truyền thống dân tộc Ê đê. 

PHƯƠNG HIẾU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyền thoại bến nước buôn Sah