Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

12/12/2017 17:05

Sáng 12.12, các đại biểu thảo luận tại hội trường, làm rõ một số vấn đề khác nhau trong phiên thảo luận tổ.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Thanh Miện)

Sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn

Là người đầu tiên tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Thanh Miện) cho biết Hải Dương có tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Đại biểu Nga cho biết, Hải Dương là địa phương giàu tiềm năng du lịch với tổng số trên 2.200 di tích. Trong đó có 2 khu di tích quốc gia đặc biệt gồm Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh) và quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Ngoài ra, Hải Dương còn có nhiều làng nghề truyền thống, danh thắng cấp quốc gia đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện)...

Tuy nhiên, du lịch Hải Dương chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa có sản phẩm du lịch mũi nhọn. Sản phẩm du lịch chưa tạo ra bước đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao. Chưa hình thành rõ nét đặc trưng của sản phẩm du lịch Hải Dương, đặc trưng thế mạnh của từng điểm du lịch. Còn thiếu tính liên kết giữa các điểm du lịch trong tỉnh và giữa các điểm du lịch với các tỉnh bạn. Lượng du khách đến Hải Dương chủ yếu đến thăm các di tính mang màu sắc tâm linh, thời gian lưu trú ngắn, ít khách qua đêm, mức chi tiêu còn thấp...

Theo thống kê, mặc dù tổng khách du lịch đến Hải Dương có tăng theo từng năm nhưng thấp. Năm 2016, lượng khách du lịch đến Hải Dương đạt hơn 3,39 triệu lượt khách. Năm 2017, con số này hơn 3,65 triệu lượt, tăng 7,6% so với năm 2016. Mức tăng này thấp hơn mức trung bình của cả nước 11,8% (đối với khách nội địa) và 10,2% (đối với khách quốc tế). Ngành du lịch tỉnh đã tạo việc làm cho trên 5.000 lao động trực tiếp và trên 14.000 lao động gián tiếp với mức thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng. Đây không phải mức thu nhập hấp dẫn đối với người làm trong ngành du lịch hiện nay.

Để cải thiện những hạn chế còn tồn tại của ngành du lịch, công tác quảng bá và xúc tiến du lịch đóng vai trò rất quan trọng vì nó không chỉ hướng tới mục đích cuối cùng là tăng lượng khách, doanh thu, phát triển kinh tế mà còn góp phần chuyển biến và nâng cao nhận thức của các ngành, địa phương, người dân về du lịch. Xây dựng hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người Hải Dương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch với cơ quan quản lý nhà nước địa phương và người dân để phát triển du lịch một cách đồng bộ, hiệu quả.

Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch của tỉnh đến du khách bằng việc tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch như tổ chức hộ chợ, hội thảo, hội thi... Tổ chức khảo sát, nghiên cứu thị trường và tiếp nhận, tổng hợp, cung cấp thông tin về hoạt động du lịch trong và ngoài nước. Cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Tư vấn hỗ trợ cho các tổ chức, các cá nhân hoạt động du lịch khảo sát, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước. Bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho viên chức, lao động. Trung tâm cần làm đầu mối hợp tác liên doanh, liên kết mở các tua, tuyến du lịch trong nước, quốc tế và thực hiện các dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm theo quy định. Tỉnh cần xây dựng chính sách mời gọi, khuyến khích, ưu đãi, trợ giúp theo một cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, các doanh nghiệp lữu hành đưa khách đến Hải Dương.

Tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công

Về kế hoạch đầu tư công, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn đề nghị khi triển khai những dự án đầu tư mới cần giành ra nguồn vốn cụ thể, đặc biệt số vốn giành cho công tác giải phóng mặt bằng. "Không bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng thì sẽ không có mặt bằng triển khai dự án", bà Liễu nói. Hiện có nhiều dự án đã ghi kế hoạch, địa phương triển khai giải phóng mặt bằng nhưng lại không có vốn dẫn đến dân lấn chiếm. Chế độ chính sách về giá đất biến động gây khó khăn trong việc tuyên truyền cho người dân chấp hành việc giao đất cho nhà đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn

Đối với dự án đường 38B đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công, bà Liễu đề nghị tỉnh cần bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng để đón nguồn kinh phí từ trung ương. Đối với đường trục Bắc - Nam tỉnh đã đưa vào kế hoạch thực hiện giai đoạn tiếp theo từ nguồn vốn ODA, bà liễu đề nghị tỉnh cần sớm triển khai xây dựng báo cáo tiền khả thi để thu hút nguồn vốn để triển khai dự án. Đây là tiền đề để huyện xây dựng thị xã Kinh Môn và phát triển du lịch của địa phương.

Về công tác bảo vệ môi trường, Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng đóng trên địa bàn xã Phạm Mệnh gây ô nhiễm môi trường, làm cho người dân bức xúc. Huyện đề nghị các cơ quan chức năng thanh tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này. Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thanh tra từ tháng 7-2017 nhưng đến nay chưa có kết luận đánh giá tác động môi trường của Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng.

Trong lúc chưa có kết luận, doanh nghiệp vẫn hoạt động, xả khói bụi ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân hai xã Phạm Mệnh và Duy Tân - đây là hai địa phương có quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Bà Liễu đề nghị tạm dừng hoạt động của Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng đến khi có kết luận thanh tra đánh giá tác động môi trường.

Trong kế hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có đề xuất dừng lại 14 dự án, trong đó có dự án ở Kinh Môn, Nam Sách và Chí Linh. Bà Liễu cho biết, hiện các dự án đều đã được các sở, ngành liên quan thẩm định nên đề nghị dừng thu hồi đất cho các dự án sẽ gây khó khăn cho địa phương và doanh nghiệp, bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư. Bà Liễu đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cần xem xét để thu hút đầu tư, tránh lỡ cơ hội để huyện thu hút các doanh nghiệp vào làm ăn kinh doanh.

Về vấn đề biên chế, trong thực hiện vị trí Đề án vị trí việc làm của chính phủ và Đề án tinh giản biên chế của chính phủ đang có sự vênh nhau. Đề án vị trí việc làm bố trí số biên chế cao hơn số biên chế hiện nay của các huyện. Trong khi đó, Đề án tinh giản biên chế lại yêu cầu phải giảm cơ học 2,5% từng năm. Ngoài ra, Đề án tinh giản biên chế chỉ tinh giản những người không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp hoặc không bảo đảm sức khỏe. Đây là vướng mắc để các sở, ngành, địa phương thực hiện.

Ngoài ra, thực hiện Nghị  định 150, 158 của Chính phủ về luân chuyển các bộ công chức và viên chức. Trong khi đó văn bản của Bộ Chính trị lại quy định không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng