Chuyện kể trên núi Bình San

12/03/2018 16:23

Chần chừ mãi rồi tôi cũng đến Hà Tiên. Theo lịch sử, năm 1671, Mạc Cửu không thần phục nhà Thanh dắt theo một đoàn tùy tùng gồm 400 người đến đây phá đất mở cõi bờ.


Khu mộ trên núi Bình San lúc nào cũng rợp bóng cây xanh

Khi đến núi Bình San, chân theo những bậc cấp lên cao dần, gặp ngôi mộ của Mạc Cửu, trong lòng tôi bộn bề cảm xúc. Núi Bình San cao hơn 50 m. Trên đỉnh núi còn vết tích đàn Xuyên Sơn và Xã Tắc, là nơi xưa kia diễn ra những nghi lễ tế trời, tế thần núi, thần sông.

Trước đền thờ Mạc Cửu có 3 hồ sen làm cho cảnh quan vừa tôn nghiêm vừa dịu dàng, chỉ tiếc là khi chúng tôi tới hồ sen đang trong thời kỳ trồng lại, nước còn mênh mông. Khách tìm tới không hề bị níu kéo mua bán, tự mình vào đền.

Vào cổng, có nơi để sẵn trà nước cho khách ghé thăm uống nước, ông từ giữ đền đang ngồi. Bên trái là nơi thờ có rất nhiều bài vị, còn chính giữa là đền thờ Mạc Cửu. Khi chúng tôi thắp nhang, tưởng nhớ người đã có công khai phá đất Hà Tiên thì ông từ đã khoác áo lam vào đánh chuông. Tiếng chuông thanh thoát và ngân vang. Đặc biệt, trước đền có 4 con kỳ lân, 2 con đã cũ màu đen đều cột nơ đỏ. 

Chuyện kể vào năm 1671, Mạc Cửu đã lên một con thuyền đến vùng đất này. Thuở ấy Hà Tiên mênh mông đất rộng, người thưa. Ông xin vua Chân Lạp cho mình ra đất Mang Khảm, Sài Mạt khai hoang, buôn bán giao thương. Theo sách Đại Nam thực lục, tháng 8.1708, Mạc Cửu đã xin dâng vùng đất Sài Mạt gồm một phần tỉnh An Giang, Cà Mau và toàn bộ tỉnh Kiên Giang cùng một số đảo trong vịnh Thái Lan ngày nay lên chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được phong làm Tổng binh. 


Ở hai bên cổng đền thờ dòng họ Mạc là 2 câu đối bằng chữ Hán Nôm do nhà Nguyễn ban tặng, dịch là "Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ/Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu"

Sử liệu ghi lại, buổi đầu, đền chỉ bằng gỗ lợp lá do Mạc Công Du là cháu 4 đời của ông theo lệnh vua Gia Long xây dựng năm1818. Đến năm 1833, Mạc Công Du theo Lê Văn Khôi chống lại vua Minh Mạng thất bại, bị trị tội nên không còn người chăm sóc ngôi đền. Năm 1846, vua Thiệu Trị cho lập lại đền kiên cố hơn nhưng ở một vị trí khác (tức vị trí bây giờ) và đặt tên là Trung Nghĩa từ. Năm 1897, chí sĩ Nguyễn Thần Hiến vận động nhân dân đóng góp tiền công trùng tu lại đền và hoàn thành năm 1900.

Sau khi vào đền, chúng tôi theo con đường bên phải vào khu lăng mộ. Cây xanh hai bên lối đi được chăm sóc cẩn thận tạo cảnh quan tươi mát. Thỉnh thoảng ở dọc đường có những chiếc ghế đá do những Mạnh Thường Quân tặng, khuất trong bóng cây. 

Chúng tôi liên tục rẽ qua trái hoặc qua phải, mỗi lần rẽ là một ngôi mộ. 59 lăng mộ lớn nhỏ được bố trí trên ngọn núi. Do con đường lên không cao, lại cây xanh bao phủ, những thảm cỏ xanh làm dịu mắt, nên người tìm tới cứ thế mà bước cho tới tận cùng. Lăng Mạc Cửu nằm trên đỉnh núi, cây xanh bao quanh, được xây dựng cao dần hình bán nguyệt, hướng nhìn ra vịnh Hà Tiên. Lăng rộng 15 m, dài 25 m. Bia được dựng vào năm Ất Mão (1735) do con trai ông là Mạc Thiên Tích lập, tạc khá đơn giản, nội dung ghi: mộ của người họ Mạc được phong làm Trấn quốc, tặng là Nghị võ, tước Cửu Lộc hầu. Ngoài lăng Mạc Cửu, mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc, vợ Mạc Thiên Tích và mộ Mạc Tử Hoàng nằm bên dưới mộ ông không xa. Cảnh quan hai bên mộ cũng nhiều cây xanh.

Khi dừng lại trước lăng mộ người đã có công khai phá đất Hà Tiên, chúng tôi thắp một nén hương mà ai đó để sẵn. Lăng mộ có hai bức tượng nhỏ như hai vị quan kiên trì hầu hạ ông. Ở đây dường như đang thấy mây ngàn thoáng trôi qua. Cuộc biển dâu 300năm ấy đã tạo nên một dải đất gấm vóc, rộn ràng ngựa xe với những con người đôn hậu. Và mỗi khi đến Hà Tiên, du khách ghé đến Lăng Mạc Cửu, thong dong đi giữa những cây xanh, trên đỉnh Bình San ấy gió dường như đang thầm thì kể về một câu chuyện lịch sử cách đây đã mấy trăm năm...

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện kể trên núi Bình San