Tháng hành động vì trẻ em: Chung tay xóa nỗi đau đuối nước ở trẻ

01/06/2019 09:00

Tuy mới đầu mùa hè nhưng đã xảy ra hàng loạt các vụ đuối nước tại các địa phương trong cả nước khiến nhiều trẻ em tử vong thương tâm.

Ảnh minh họa: PV/Vietnam+

Chỉ trong một tuần qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình liên tiếp xảy ra 4 vụ đuối nước làm 9 em nhỏ tử vong, các em đều là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Tại tỉnh Khánh Hòa cũng xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm khiến 7 học sinh tử nạn.

Gần đây nhất, ngày 30.5, sau khi liên hoan cuối năm học, một nhóm học sinh xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An kéo nhau xuống khu vực đập nước tắm thì không may bị tụt xuống hố sâu khoảng 3m khiến 5 em học sinh bị đuối nước dẫn tới tử vong. Tại Nghệ An, năm 2018 có 20 em tử vong vì đuối nước nhưng chỉ riêng trong năm tháng đầu năm 2019 đã có hơn 30 em chết đuối.

Những tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của trẻ em đang gióng lên những hồi chuông báo động về đuối nước và trở thành nỗi ám ảnh day dứt không chỉ đối với phụ huynh, giáo viên mà còn của nhiều các cơ quan chức năng về quản lý, bảo vệ trẻ em trong mùa hè.

Trước đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, "phòng chống đuối nước vì sự an toàn của trẻ em" đã trở thành một trong ba chủ đề chính của Tháng hành động vì trẻ em năm nay.

Việt Nam có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực

Theo báo cáo của các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh thành, trong 4 tháng đầu năm có 133 trẻ em tử vong do đuối nước. Đặc biệt, có một số vụ đuối nước nghiêm trọng làm nhiều trẻ em tử vong trong một vụ như: 8 em học sinh tử vong tại Quảng Nam, 9 em tại Hòa Bình, 3 em ở Nghệ An. Có vụ đuối nước cả hai chị em ruột cùng tử vong.

Thi thể các em học sinh bị đuối nước ở Hòa Bình. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em trong số trẻ em bị tai nạn thương tích. Giai đoạn 2015 - 2017, mỗi năm khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

Những vụ việc trẻ em tử vong do đuối nước liên tiếp đã khiến Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp tám lần các nước phát triển.

Đây là những con số được đưa ra tại Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Phân tích về nguyên nhân đuối nước ở trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay nhiều trường hợp trẻ em tử vong do tự ý đi bơi, đi chơi không có người lớn đi kèm. Mặc dù nhiều em đã biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu, nguy hiểm, do cứu bạn hay do ngã xuống ao, các hồ nước xây dựng.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết các vụ đuối nước gây tử vong ở trẻ em tập trung xảy ra vào những tháng hè, đặc biệt là đầu mùa hè khi trẻ em vừa kết thúc năm học tại nhà trường.

“Việc giám sát, quản lý trẻ em trong kỳ nghỉ hè chưa chặt chẽ. Khi nghỉ hè trẻ tự ý đi chơi, bơi tại vùng nước nguy hiểm, không có người lớn đi kèm. Trong khi đó, sự phối hợp giữa nhà trường, chính quyền cơ sở, địa phương trong việc bàn giao, quản lý học sinh trong kỳ nghỉ hè còn hạn chế,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng nguyên nhân dẫn tới đuối nước trẻ em thời gian qua chủ yếu là do sự chủ quan, bất cẩn của gia đình, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Đặc biệt, nguyên nhân muôn thuở là trẻ em từ 6 tuổi trở lên chưa biết bơi và chưa được trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước.

Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng đuối nước?

Cuối tháng 5 vừa qua, tại Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra câu hỏi: “Chúng ta đã thực sự tích cực, nghiêm túc chưa? Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, sau đó có rất nhiều chỉ đạo nhưng đến nay mới chỉ có gần 1.000/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi; khoảng 1.000/11.000 xã triển khai chương trình phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Chúng ta phải thực sự làm nghiêm túc, trách nhiệm trước tính mạng của nhân dân, đặc biệt của trẻ em.”

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng chiếm 77%, tại gia đình chiếm 22% và tại trường học chỉ chiếm 1%.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh biết bơi chưa đủ mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý để cứu người bị đuối nước. Các cấp, các ngành cần làm tốt công tác cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước như vực xoáy, sụt cát, nước sâu; hạn chế rủi ro thiên tai bằng các biện pháp giữ rừng, cấm hút cát ven sông…

Theo phân tích từ các chuyên gia, gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, trong đó có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Ông Nguyễn Trọng An cho rằng, để phòng chống đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên vẫn là tuyên truyền, giáo dục để các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ nhận biết được các nguy cơ tiềm ẩn, gây nguy hại cho tính mạng của trẻ em. Các bậc cha mẹ nếu đã biết bơi có thể dạy lại cho con trẻ. Đó là phương pháp gần gũi, dễ thực hiện và đem lại hiệu quả cao.

Về phía nhà trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị cần thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho trẻ khi hoạt động trong môi trường nước để trẻ biết cách đối phó với các hiểm nguy tiềm ẩn.

Tính đến ngày 30.10.2018, toàn quốc có 4.689 bể bơi các loại, trong đó có 1.796 bể bơi đạt chuẩn, 2.893 bể bơi, hồ bơi đơn giản được các địa phương cải tạo các điểm ao hồ, sông ngòi, lắp đặt mô hình bể bơi đơn giản để dạy bơi cho trẻ em. Hiện nay, các loại hình bể bơi, hồ bơi đơn giản là giải pháp trước mắt khắc phục tình trạng thiếu bể bơi phục vụ nhu cầu cấp bách về việc phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng tài liệu dạy bơi, kỹ năng thoát hiểm khi bơi và chơi trong môi trường nước.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay, các địa phương đang tập trung tập huấn, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ Đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, giáo viên, cha mẹ và trẻ em. Bảo đảm cho các em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam khẳng định: “Đuối nước hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Ta có thể đạt được những kết quả bền vững qua huy động quần chúng nhân dân một cách hiệu quả, thu hút truyền thông vào cuộc, tuyên truyền về thói quen an toàn, tạo phong trào xã hội trong các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng bởi đuối nước. Đồng thời, tập trung nâng cao trách nhiệm của cha mẹ, người nuôi dưỡng và chính quyền địa phương”.

HỒNG KIỀU (Vietnam+)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháng hành động vì trẻ em: Chung tay xóa nỗi đau đuối nước ở trẻ