Năm Tuất nói chuyện nuôi “khuyển” ở Trường Sa

17/02/2018 17:00

Những chú chó (khuyển) được nuôi thành từng đàn và trở thành “chiến hữu” thân cận của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.


Đại úy Nguyễn Minh Quý, Phân đội trưởng Cụm chiến đấu số 1 đảo Trường Sa Đông vui đùa cùng Lu và đàn con của nó

Sự hiện diện của những người bạn đặc biệt này giúp cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa luôn cảm nhận được hình bóng quê nhà, khoảng cách giữa hải đảo và đất liền như gần lại.

Lu lanh lợi

Tại các đảo, điểm đảo thuộc phía nam quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) mà tôi có dịp ghé qua trong chuyến công tác đầu năm nay như Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát, Trường Sa Đông, Trường Sa… đều nuôi rất nhiều chó. Hôm ở đảo Trường Sa Đông, tôi nhìn thấy một chú chó có màu lông đen tuyền, đôi mắt tinh nhanh đang chạy từ bãi biển vào, trên miệng cắp một con cá to. Phía sau chú chó này một đoạn là tốp gần chục cán bộ, chiến sĩ vừa bắt cá ở dưới bãi cạn san hô trở về. Tôi cất lời: “Các anh ơi, em vừa thấy một chú chó đen tha con cá to lắm. Có cách nào để lấy lại con cá không chứ để thế thì phí hoài quá”. Mọi người nhìn tôi và cùng cười ồ lên. Thấy tôi ngơ ngác, đại úy Nguyễn Minh Quý, Phân đội trưởng Cụm chiến đấu số 1 đảo Trường Sa Đông lên tiếng: “Nó tha về bếp của đơn vị để cho anh em làm món ăn đấy. Con này khôn ngoan lanh lợi lắm”.

Anh Quý cho biết ở trên đảo Trường Sa Đông có hàng chục chú chó, nhưng đặc biệt như Lu chỉ có một. Lu là con chó cái 8 tuổi. 2 năm trước, nó theo tàu từ trong đất liền ra đảo Trường Sa Đông. Ngày mới ra, nó nhút nhát, khó gần. Anh Quý thấy vậy nên thường xuyên gần gũi, “cưng chiều” và rồi Lu cũng thích nghi được cuộc sống trên đảo. Lu coi anh Quý là người chủ của mình. Anh đi đâu, làm gì nó cũng đi theo. “Lu luôn đi bên tôi như hình với bóng. Chỉ khi nào tôi bảo Lu về chuồng thì nó mới ra chỗ khác. Đến ca trực của tôi, Lu cũng theo ra vọng gác cho đến khi hết phiên thì cùng về”, anh Quý chia sẻ.

Sống lâu trên đảo với bộ đội, Lu cũng có ý thức kỷ luật rất cao. Nó chưa lần nào bước chân lên thềm nhà doanh trại, trừ khi các cán bộ, chiến sĩ gọi “Lu ơi vào đây”. Thực phẩm tươi sống, thức ăn ở nhà bếp dù có để hớ hênh thế nào nó cũng không bao giờ đụng tới. Trong đất liền, nếu chủ vứt miếng thịt ra đất, nhiều chú chó sẽ chạy lại ăn ngay. Với Lu thì khác, cán bộ, chiến sĩ hành động như vậy Lu sẽ quay đi, thậm chí lầm lũi đi về chuồng. Nó biết tự ái. Vậy nên bộ đội thường phải gọi “Lu ơi, thịt này” nó mới lại ăn.

Con nào cũng có tên


Lính đảo Đá Tây và những chú chó nô đùa dưới bãi biển

Hôm chúng tôi vào đảo Đá Đông điểm B, cả đàn chó gần 20 con to, nhỏ cũng theo chân cán bộ, chiến sĩ ra chân cầu đón khách. Gặp người lạ nhưng chúng không sủa hay gầm gừ mà vẫy đuôi, nhẩy lên mừng quýnh, quấn lấy chân mọi người rồi hít hà những vị khách tới từ đất liền. Một chú chó nhỏ trong đàn gặm và kéo chiếc dây giày của chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, phóng viên Báo Hậu Giang như thể rất thích nô đùa. Chị Hằng ngồi xuống ôm nó vào lòng, vuốt ve bộ lông mềm mịn rồi thốt lên: “Chúng thật dễ thương quá mấy anh ơi”.

Đại úy Trần Văn Phương, Chính trị viên đảo Đá Đông điểm B cho biết chó nuôi ngoài các đảo, điểm đảo ở Trường Sa chủ yếu là giống chó Phú Quốc, lông có nhiều màu, có xoáy ở mông, lưng, dù nhỏ con nhưng rất khôn ngoan, lanh lợi và biết nghe lời. Ngoài ra cũng có một số giống chó được các chiến sĩ mang từ quê ra nuôi. Chỉ tay về phía đàn chó, anh Phương nói: “Từ lúc lọt lòng chúng đều được đặt tên cho dễ phân biệt. Cán bộ chiến sĩ căn cứ vào hình dáng, màu lông, tính cách của mỗi chú chó để đặt tên như: vàng, xám, đen, mập, gấu, khoang... Đàn chó khá đông nhưng chúng tôi nhớ tên từng con một”.

Ở đảo Đá Tây điểm A cũng có đàn chó lên tới cả chục con. Hôm chúng tôi tới thăm, những chú chó dễ thương đang tung tăng nhảy nhót, vui đùa với chiến sĩ bên bờ biển. Có con lội cả xuống nước tinh nghịch. Riêng một số con “có tuổi” thì nằm dưới gầm nhịp cầu nối 2 tòa nhà trên đảo. Khi thấy đoàn khách lạ, chúng rủ nhau chạy tót lên bờ, tiến lại gần mọi người và bắt đầu quấn quýt như thể muốn làm quen. Anh Phan Hữu Nhớ (quê Bình Định), một chiến sĩ ở điểm đảo này cho biết quanh năm bốn bề chỉ có sóng và gió nên hễ có người lạ tới là chúng lại như vậy. “Chắc chúng cũng thèm hơi đất liền không kém chúng em mà”, anh Nhớ tươi cười nói.

Niềm vui nơi đảo xa


Mỗi khi lính đảo có tâm tư, những chú chó thường gần gũi, bên cạnh như muốn sẻ chia

Ở đây, hằng ngày ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tăng gia sản xuất, các cán bộ, chiến sĩ luôn dành thời gian để chăm chút, nô đùa với những chú chó dễ thương. Họ coi đó là niềm vui, giúp vơi bớt nỗi nhớ nhà, vừa có thêm nghị lực, tinh thần để chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chiến sĩ Lương Thế Anh ở đảo Đá Đông điểm A kể rằng các chiến sĩ trẻ trên đảo thường tranh nhau để được cho chó ăn. Có người còn sẻ bớt phần cơm, thức ăn cho chú chó mà mình “cưng” nhất. Đến bữa, họ dùng thìa sắt gõ vào nồi cơm đã trộn lẫn thức ăn là những chú chó sẽ từ tứ phía chạy về hội "quân”. Chiến sĩ chia cơm thành nhiều đĩa để chúng không tranh giành nhau khi ăn. “Nhìn chúng xúm lại ăn ngon lành, có con thi thoảng còn ngước mắt lên nhìn tụi em như thể muốn cảm ơn. Những lúc như thế trong lòng chúng em rất vui sướng, hình ảnh thân thương ở quê nhà lại ùa về anh ạ”, chiến sĩ Thế Anh nói.

Ở ngoài đảo, nhất là đảo chìm, những chú chó không có nhiều không gian để nô đùa. Nhưng bù lại chúng luôn nhận được sự quan tâm, chăm chút chu đáo của bộ đội. Anh Thế Anh cho biết 2 tháng trước, con Đốm sinh, các chiến sĩ phân công nhau đi thu gom những mảnh gỗ trôi dạt xung quanh đảo để đóng chuồng cho mẹ con nó ở. Những ngày đầu, mấy chú cún con còn yếu, cán bộ, chiến sĩ trên đảo bảo nhau nhường phần sữa của mình cho chúng uống.

Được chăm sóc tận tình, những chú chó cũng biết cách trả ơn những người lính đảo. Chiến sĩ Đỗ Thanh Tuấn ở đảo Đá Tây điểm A cho biết mỗi lần thủy triều rút, những chú chó trưởng thành luôn đi theo chiến sĩ xuống các rặng san hô để bắt cá mắc cạn. Nhiều khi chiến sĩ không phát hiện ra vị trí có cá nhưng nhờ sự di chuyển linh hoạt, đôi mắt tinh nhanh và khả năng đánh hơi nhạy bén nên những chú chó này đã giúp bộ đội bắt được rất nhiều loại cá như: mú đá, trố, bò, xạo, thu bè... để cải thiện bữa ăn. Đại úy Nguyễn Minh Quý kể con Lu cũng rất thích đi bắt cá cùng lính đảo mỗi khi thủy triều rút. Lu bơi, lội nước rất nhanh. Có hôm anh em vẫn chưa bắt được con nào thì nó đã tha được 1 con cá cháp nặng gần 2 kg lên bờ. Cá cháp rất khỏe, bơi nhanh, kể cả khi đã mắc vào bãi cạn vẫn rất khó bắt. Bộ đội trên đảo thường bóp vỡ mắt con cá để nó mất phương hướng và bị tê liệt mới tóm được. “Không biết Lu quan sát được kinh nghiệm này của chúng tôi từ bao giờ mà cũng biết cắn vào mắt cá để nó không cử động được rồi mới tha về cho bộ đội”, anh Quý nói.

Mỗi khi rảnh rỗi, cán bộ, chiến trên đảo lại lôi mấy chú chó xuống tắm biển và tổ chức các cuộc thi bơi. Buổi tối họ ngồi bên bờ biển, ôm đàn ghi ta hát, những chú chó cũng ngồi cạnh “bầu bạn”. “Có những lúc em buồn ngồi ở bờ biển một mình, con vàng lại sấn vào lòng, chà lớp lông vào chân em như thể muốn chia sẻ”, anh Thế Anh kể.

Tết này, anh Thế Anh được về đất liền sau một năm thực hiện nhiệm vụ ngoài đảo. Nhìn đàn chó đang quấn lấy chân mình, anh Thế Anh nói với giọng trầm lắng: “Em luôn coi chúng là những người bạn của mình. Ngày mai lên tàu để trở về đất liền em sẽ rất nhớ chúng và có lẽ chúng cũng sẽ rất nhớ em”.

Kết thúc mỗi buổi thăm các đảo, điểm đảo ở Trường Sa, cả người ở lẫn người đi đều lưu luyến, bịn rịn. Tại chân cầu cảng, ngoài những cái ôm, cái vẫy tay tạm biệt giữa người với người, còn có những chú chó lặng lẽ, ngơ ngác chạy ra tận mép nước đăm đắm nhìn theo khi xuồng rời đi.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm Tuất nói chuyện nuôi “khuyển” ở Trường Sa