Giữ nét đẹp mùa Vu Lan báo hiếu

16/08/2019 14:28

Vu Lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp quỷ đói. Cứ vào dịp rằm tháng bảy, lễ Vu Lan lại được tổ chức ở nhiều ngôi chùa trong tỉnh.

Chị Mai Thị Hương ở xã Gia Khánh (Gia Lộc) cho rằng báo hiếu cha mẹ có thể bằng những việc làm nhỏ, đơn giản hằng ngày 

Trân trọng gìn giữ 

Trong mùa Vu Lan, nhiều gia đình thường thắp nhang đèn, bày hoa quả để cúng ở bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên. Với nhiều người, ngoài Tết Nguyên đán, đây cũng là dịp để sum họp, đoàn viên.

Mỗi dịp Vu Lan, căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Diệp (90 tuổi) và bà Phạm Thị Nhàn (85 tuổi) ở xã Gia Khánh (Gia Lộc) lại rộn ràng tiếng nói cười. Vợ chồng ông Diệp có 16 người con trai gái, dâu rể và 29 cháu chắt. Các con của ông bà đều thành đạt và có nhiều cách báo hiếu bố mẹ. Tùy theo khả năng của từng người, các con thống nhất lập một quỹ, trích kinh phí hằng tháng để có thể chăm sóc bố mẹ tốt hơn. Ông Diệp, bà Nhàn sống cùng vợ chồng người con thứ bảy. Bà Nhàn bị tai biến vài năm nay, đi lại rất khó khăn. Hàng xóm, láng giềng hết lời khen ngợi tấm lòng hiếu thảo của con dâu ông bà là chị Mai Thị Hương (41 tuổi). Chị Hương chăm lo chu đáo cho mẹ chồng từ bữa ăn đến giấc ngủ bao nhiêu năm nay mà không hề kêu ca, phàn nàn. 

Không chỉ hỗ trợ về tài chính, các con của ông bà Diệp đều hiểu rằng, đối với tuổi già, đời sống tinh thần rất quan trọng. Bởi thế, hằng tuần các con cháu đều bố trí về thăm ông bà, cha mẹ. Mỗi khi ông bà Diệp đau ốm đều có các con ở bên chăm sóc tận tình. Cuối tuần trước, gia đình ông Diệp làm mấy mâm cơm cúng rằm, tập hợp đông đủ con cháu về quây quần. Những ngày này, dù có bận rộn hơn nhưng chị Hương luôn cảm thấy vui vẻ. Chị bảo: “Chung sống trong một gia đình 3 thế hệ với những quan điểm, suy nghĩ khác nhau nên để giữ được sự hòa thuận cần phải luôn trao đi yêu thương rồi sẽ nhận lại yêu thương". Chị Hương cho rằng báo hiếu cha mẹ có thể bằng những việc làm nhỏ, đơn giản như thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe khi các cụ đau ốm. Hoặc có thể là những món quà nhỏ như bộ quần áo, chiếc khăn hay một bữa cơm có những món ăn bố mẹ thích... Cùng với việc mời thầy giảng kinh Vu Lan để các con hiểu rõ về ý nghĩa của ngày này, chị Hương cũng thường xuyên nhắc nhở con lễ phép, hiếu kính với ông bà, cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày. 

Từ lâu, ngày rằm tháng 7 cũng là dịp các con của bà Phạm Thị Nga (76 tuổi) ở phố Đặng Quốc Chinh (TP Hải Dương) tặng mẹ những món quà ý nghĩa. Đôi khi là bộ quần áo mới, đôi bông tai... Với bà Nga, việc báo hiếu trọn vẹn nhất chính là sự lễ phép, biết quan tâm, yêu thương của con cháu. Cả việc con cháu nỗ lực, phấn đấu học tập và làm việc, cống hiến cho xã hội cũng chính là điều bà Nga cảm thấy tự hào. Ông Vũ Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Lê Thanh Nghị cho biết: “Gia đình bà Nga là gia đình tiêu biểu của phường. Bà và các con luôn tích cực tham gia, đóng góp vào những phong trào của địa phương. Nhiều năm liền, gia đình bà Nga được nhận danh hiệu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”. 

Lan tỏa rộng khắp 

Theo sư thầy Thích Diệu Hương, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, mùa Vu Lan là dịp những người con, người cháu báo hiếu với ông bà, cha mẹ còn đang sống và cả những người đã khuất. Mùa Vu Lan chính là thể hiện việc nhớ và báo đáp tứ trọng ân (ân Tổ quốc; ân Phật, tổ, thầy; ân ông bà, cha mẹ; ân chúng sinh). Trước đây, các nhà chùa thường tổ chức lễ Vu Lan với quy mô nhỏ, gói gọn với sự tham gia chủ yếu của tăng ni, phật tử. Khoảng chục năm trở lại đây, ngày càng có nhiều ngôi chùa tổ chức mở rộng, thu hút nhiều người dân tham gia. Gần đây, còn có một số đơn vị, doanh nghiệp cũng tổ chức lễ Vu Lan. Do đó, mùa Vu Lan đã tạo sự lan tỏa rộng khắp với nhiều ý nghĩa tốt đẹp, tưởng nhớ người đã khuất, báo đáp công ơn những người đang sống, hướng con người tích cực làm điều thiện... 

Lễ Vu Lan báo hiếu, dâng y ca sa và cài hoa hồng do chùa An Đức ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) tổ chức vào ngày 10.8 (tức 10.7 âm lịch) vừa qua. Buổi lễ đã thu hút hơn 300 tăng ni, phật tử, đại diện một số đoàn thể, người dân địa phương tham dự. Theo sư trụ trì chùa An Đức Thích Quảng Khiết, ngoài việc tụng kinh, tiến hành nghi thức bông hồng cài áo, lễ Vu Lan còn cầu cho quốc thái, dân an, cầu siêu cho anh linh các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của đất nước, dân tộc. 

Chùa Linh Sơn Vạn Phúc ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) luôn tổ chức lễ Vu Lan vào đúng ngày rằm tháng 7, thu hút hàng trăm người dân sinh sống tại phường và một số nơi lân cận. Trong đại lễ, các sư thầy thuyết giảng về kinh Vu Lan, giảng giáo lý nhà Phật, dâng cúng phẩm vật, thắp nến cầu nguyện, thả đèn hoa đăng, phóng sinh. Các sư thầy không chỉ thuyết giảng Phật pháp, mà còn hướng các phật tử, nhân dân bày tỏ tấm lòng, tình cảm, báo hiếu đến ông bà, cha mẹ. Hằng năm, nhà chùa đều tặng quà những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, 40 suất quà với tổng trị giá 8 triệu đồng được trao tận tay những mảnh đời nghèo khó. Điều này cũng khuyến khích người dân tích cực làm việc thiện, biết yêu thương, san sẻ. 

Theo sư thầy Thích Diệu Hương, không phải đợi tới ngày lễ mới tỏ lòng thành tâm, hiếu kính với ông bà, cha mẹ mà hãy biến mỗi ngày đều trở thành ngày Vu Lan. Mỗi người phải hành động bằng cái tâm trong sáng, tích cực làm những điều thiện, biết vị tha, chăm lo cho những người thân yêu.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ nét đẹp mùa Vu Lan báo hiếu