Gia Lộc nỗ lực giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

10/11/2017 04:06

Huyện Gia Lộc đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người dân, từ đó giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Cán bộ dân số và cán bộ Chi hội Phụ nữ thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn tuyên truyền cho người dân về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh


Nhận thức rõ hậu quả nặng nề của sự mất cân bằng giới tính, huyện Gia Lộc đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người dân, từ đó giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS). 9 tháng đầu năm nay, tỷ số GTKS của huyện Gia Lộc thấp nhất tỉnh.

Kết quả tích cực

Rất nhiều gia đình trong dòng họ Phùng Danh tại xã Phạm Trấn không sinh thêm sau khi có hai con gái. Ông Phùng Danh Nghìn, trưởng họ Phùng Danh cho biết: “Mỗi lần họp họ tôi thường nhắc nhở các con cháu phải chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những vấn đề về dân số-KHHGĐ, mất cân bằng GTKS cũng thường xuyên được nêu ra để nhắc nhở các gia đình trong họ nghiêm túc chấp hành. Vì vậy, khoảng 5 năm nay dòng họ chúng tôi không có gia đình nào sinh thêm con thứ ba”.  

Ngày càng có nhiều gia đình, dòng họ tại huyện Gia Lộc thay đổi nhận thức về giới như dòng họ Phùng Danh ở xã Phạm Trấn. Nhờ vậy, tỷ số mất cân bằng GTKS ở huyện ngày càng giảm. Theo Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Gia Lộc, tỷ số GTKS từ năm 2012 - 2016 của huyện giảm dần qua các năm, lần lượt là 125 bé trai/100 bé gái, 120/100, 115,7/100, 112,1/100, 113,6/100. 9 tháng đầu năm 2017, tỷ số GTKS ở huyện Gia Lộc là 109/100, thấp nhất tỉnh (tỷ số trung bình của tỉnh là 117 bé trai/100 bé gái).

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Đạt được kết quả tích cực trên là nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong huyện. Để giảm tình trạng mất cân bằng GTKS trên địa bàn, UBND huyện Gia Lộc đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND về thực hiện kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch đề ra những mục tiêu cụ thể như phấn đấu trung bình mỗi năm tỷ số GTKS giảm ít nhất 0,4 điểm % để đến năm 2020 tỷ số này ở mức dưới 112 bé trai/100 bé gái.

Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện giảm mất cân bằng GTKS theo từng năm, xác định chỉ tiêu về tỷ số GTKS, đề ra nhiệm vụ, giải pháp và nghiêm túc thực hiện. Huyện đẩy mạnh truyền thông giáo dục về thực trạng, nguyên nhân, những ảnh hưởng của tình trạng mất cân bằng GTKS và quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Nêu gương các gia đình có hai con gái chăm ngoan, học giỏi hoặc thành đạt. Huyện duy trì 36 câu lạc bộ tuyên truyền về các vấn đề dân số tại tất cả các xã, thị trấn. Các câu lạc bộ phụ nữ, mẹ chồng - nàng dâu, nam nông dân không sinh con thứ ba... thường xuyên phối hợp với các đoàn thể để lồng ghép vấn đề dân số vào các hội nghị tuyên truyền tại địa phương.

Hiện nay, Gia Lộc có gần 300 cán bộ, cộng tác viên trực tiếp làm công tác dân số. Đội ngũ này đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền các vấn đề dân số tại địa phương. Để có kinh phí tuyên truyền, UBND huyện khuyến khích các xã, thị trấn hằng năm trích khoảng 5-7 triệu đồng từ ngân sách dành riêng cho công tác dân số-KHHGĐ. Khoản kinh phí này được sử dụng để tuyên truyền lồng ghép vấn đề dân số-KHHGĐ và mất cân bằng GTKS trong các hội nghị, buổi gặp mặt tại địa phương. Một số nơi ưu tiên dành nhiều kinh phí cho tuyên truyền công tác dân số như thị trấn Gia Lộc, các xã Đồng Quang, Phạm Trấn…

Ở những xã còn khó khăn, các cán bộ, cộng tác viên dân số đã chủ động và có nhiều sáng tạo trong công tác tuyên truyền. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, các cộng tác viên, cán bộ dân số thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình trên địa bàn mình phụ trách để vận động kịp thời, giúp người dân hiểu rõ các chính sách về dân số, thay đổi nhận thức. Chị Phạm Thị Hạnh, cán bộ dân số-KHHGĐ xã Thống Nhất cho biết xã không bố trí được kinh phí tuyên truyền dân số-KHHGĐ. Các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ hầu hết là công nhân làm việc tại các công ty, đi làm về muộn nên rất khó tiếp cận họ. “Chúng tôi thường tuyên truyền vấn đề mất cân bằng GTKS đồng thời với việc tư vấn, sàng lọc trước sinh và sau sinh cho các bà mẹ mang thai; rà soát, chú trọng tuyên truyền cho các bà mẹ mang thai con thứ hai và những gia đình sinh con một bề", chị Hạnh nói. Nhiều lần cán bộ dân số xã phải tranh thủ thời gian buổi tối để đến vận động những người có mong muốn sinh thêm con trai “nối dõi”. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm nay, tỷ số GTKS tại xã Thống Nhất là 93 bé trai/100 bé gái, giảm 38 bé trai so với cùng kỳ năm 2016.

VIỆT QUỲNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia Lộc nỗ lực giảm mất cân bằng giới tính khi sinh