Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày

25/08/2019 11:10

"Một mẹ nuôi được mười con nhưng mười con không nuôi được một mẹ", câu nói ấy phản ánh đúng thực trạng ở một số gia đình hiện nay.

Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi trước hết là trách nhiệm của con cháu rồi mới đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội. Trong ảnh: Hội Người cao tuổi xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) tặng quà hội viên ốm đau (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Có những gia đình đông con, nhiều cháu nhưng lại so bì, tị nạnh, kể công phụng dưỡng, đùn đẩy việc chăm sóc bố mẹ cho nhau. 

Coi cha mẹ là gánh nặng

Cụ L.T.A. 90 tuổi ở xã Tuấn Hưng (Kim Thành) sinh được 6 con trai, 5 con gái. Đa số các con của cụ đều xây dựng gia đình, lập nghiệp tại quê hương. Những tưởng đông con, nhiều cháu, cụ A. sẽ có một cuộc sống an nhàn, thảnh thơi khi về già, nhưng thực tế lại rất trớ trêu. Các con của cụ tìm nhiều cách, lý do để đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già. Bất đồng, mâu thuẫn xảy ra khiến anh em mất đoàn kết, tình thân rạn nứt. Trước đây, các con của cụ A. thống nhất mỗi người con trai luân phiên mang cơm và thức ăn cho mẹ trong vòng 1 tháng, sau đó thời gian rút ngắn xuống còn 1 tuần. Chăm sóc mẹ hơn thua vài ngày cũng khiến các con của cụ A. tị nạnh nhau. Cuối cùng việc luân phiên mang cơm, thức ăn được rút ngắn xuống theo ngày. Sau đó, thấy phân chia như thế không mấy ổn thỏa nên các con của cụ đã thống nhất phương án để người con trai thứ tư là ông N.B.S. chịu trách nhiệm nuôi mẹ nhưng phải kèm theo quyền lợi. Ông N.B.C. - người con trai cả của cụ A. sinh sống, lập nghiệp trong Nam nhưng có một mảnh đất ở quê. Ông C. đã cho người khác thuê lại mảnh đất này, số tiền thu được hằng tháng đưa cho ông S. chăm sóc, thuốc thang cho mẹ. Họ cũng đã thỏa thuận sau này cụ A. mất thì mảnh đất của ông C. đang cho thuê sẽ thuộc quyền sử dụng của ông S. 

Tuổi cao, sức yếu, cụ A. không còn minh mẫn, lúc nhớ, lúc quên, mỗi khi trở trời lại ốm đau liên miên. Ông S. thường xuyên than vãn, kể lể chăm sóc mẹ vất vả, mệt mỏi. Có lần những người con khác đến thăm mẹ nhưng ông S. cáu gắt, mắng mỏ, đuổi về. Chứng kiến cảnh anh em chia bè phái để nhắm tới lợi ích riêng, đùn đẩy trách nhiệm nuôi mẹ người ngoài không khỏi lắc đầu ngán ngẩm. 

Gia đình cụ N.T.D. 85 tuổi ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) có 3 con gái, 2 con trai. Cụ D. ở với người con trai thứ hai là ông N.V.V. Cụ D. bị khiếm thị nên phải có người thường trực ở bên chăm sóc. Ông V. nuôi mẹ cũng vì nhắm tới mảnh đất mà mẹ chưa có ý định sang tên cho người con nào. Nhưng ông V. hay kêu ca, phàn nàn, kể công nuôi mẹ vất vả, thậm chí có lúc còn gằn hắt mẹ đã khiến cụ D. không chịu đựng được, phải chuyển tới ở với người con trai cả là ông N.V.Ch. Cũng vì chuyện chăm sóc mẹ mà anh em ông Ch. thường lục đục, mâu thuẫn. 

Làm tròn trách nhiệm 

Có con cháu hiếu thảo, lo lắng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ là điều ai cũng mong muốn nhưng để làm được điều đó không dễ, nhất là đối với những người không xem trọng chữ hiếu. Những câu chuyện như ở gia đình cụ A., cụ D. không hề hiếm gặp trong xã hội hiện nay. Không ít trường hợp chăm sóc ông bà, bố mẹ một cách miễn cưỡng, thậm chí phải gắn liền với quyền lợi. Việc chăm sóc cha mẹ được phân công, thực hiện theo nhiều hình thức. Có thể các con sẽ đóng góp tiền bạc để một người đứng ra nuôi cha mẹ. Hoặc cha mẹ ở với mỗi người con trong một khoảng thời gian nhất định, rồi lại chuyển sang ở nhà người con khác. Một số người hay than vãn, kể lể công chăm sóc bố mẹ. 

Theo ông Lương Anh Tế, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh, Hải Dương đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với khoảng 277.000 NCT. Trong đó còn hơn nửa số NCT hiện sống bằng sức lao động của mình hoặc bằng nguồn hỗ trợ của con cháu. Việc chăm sóc, phụng dưỡng NCT đầu tiên phải gắn với trách nhiệm của con cháu, người thân trong gia đình, sau đó mới đến phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội.

Tâm lý người già thường dễ tủi thân, cô đơn, những việc làm không trọn chữ hiếu của con cháu dễ khiến người già suy nghĩ, muộn phiền. Con cháu mâu thuẫn trong chăm sóc, phụng dưỡng khiến họ cảm thấy mình chính là gánh nặng của gia đình. Một số người đề cao vật chất mà quên đi những giá trị về tinh thần. Chăm sóc, phụng dưỡng phải gắn với cái tâm, sự hiếu kính của con cháu, chứ không chỉ đơn thuần là biếu cha mẹ tiền hoặc chỉ cần đóng tiền với anh em để lo cho cha mẹ là hết trách nhiệm. 

Con cái có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, bệnh tật. Trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Điều này đã được quy định rất cụ thể tại Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật NCT. 

NCT thường nhạy cảm. Nhưng cũng nên có cái nhìn cảm thông, bớt khó tính, khắt khe với con cháu. Đây là một trong những nhân tố khiến cho mối quan hệ giữa NCT và con cháu hài hòa, bớt nảy sinh mâu thuẫn.

HOÀNG QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày