Chiến tranh lạnh

30/10/2017 19:00

Đã mấy ngày nay chị Minh chả thèm nói với chồng nửa lời. Hễ có nội dung gì cần truyền đạt tới chồng chị đều nói qua con, ví dụ: "Con bảo bố chiều mẹ đi đám cưới cô Thụy, không ăn cơm nhà.

Mấy bố con tự mà lo cho nhau" hay "Bà nội dặn ngày kia giỗ cụ, cả nhà nhớ về quê, nhà ông Tùng tổ chức cúng buổi trưa"... Những lúc con đi học vắng nhà, bí quá thì chị nhắn tin cho anh, nhưng nhất định không đối thoại trực tiếp. Nguyên nhân của cuộc chiến tranh lần này cũng không có gì to tát, chỉ là vì anh lăng xăng đẩy xe lên nhà giúp cô hàng xóm trước khi quay lại đẩy xe cho chị. Phố nhà chị hay bị ngập nên nhà nào cũng xây nền rõ cao, cách đường gần 1 mét. Những hôm không có anh ở nhà, chị vẫn để số 1 là dắt lên được. Nhưng nếu có anh ở nhà thì đó đương nhiên là việc của anh. Ấy thế mà lần này anh lại ga lăng với... cô hàng xóm trước.

Có người giận chồng thường bỏ về nhà mẹ đẻ. Có người thì bắt chồng "ăn chay", không cho gần gũi... Còn với chị, chiến tranh lạnh là chiến thuật chị thường áp dụng mỗi khi giận nhau. Hồi đầu, mỗi lần chị áp dụng, anh đều không chịu được lâu mà chủ động tìm mọi cách để làm lành. Nhưng đến giờ, sống với nhau đã chục năm, anh như con bệnh đã nhờn thuốc. Chị không nói cũng chả sao, vì anh biết kiểu gì mình cũng sẽ nhận được những thông tin cần trao đổi từ chị không bằng cách này thì cách khác. Mỗi lần chiến tranh lạnh diễn ra, anh lại cảm thấy có phần thích thú vì nhà cửa yên tĩnh hẳn, đỡ mệt lỗ tai. Bởi mọi hôm không có chiến tranh, cứ về đến nhà là chị nói, nói rất nhiều. Hết ta thán thịt, rau hôm nay đều lên giá, lại than phiền con không biết giữ gìn đồng phục, đi học về quần áo bẩn bê bẩn bết... Mà có khi những câu chuyện của chị chả phải chuyện gì liên quan đến gia đình, chỉ là chuyện về bạn của bạn, chồng của bạn... chị lượm lặt được trong giờ giải lao ở cơ quan.

Thái độ bất cần của anh khiến chị càng thêm bực. Các cuộc chiến tranh lúc đầu chỉ 1-2 ngày, dần dà có khi kéo dài cả nửa tháng. Có vẻ như chị cũng đã nhận ra vấn đề. Chị đem chuyện này kể với một cô bạn thân. Cô này không cho chị lời khuyên cụ thể nào mà chỉ hẹn: "Chủ nhật này bố trí thời gian tao với mày gặp nhau. Quán cũ nhé. Gặp rồi buôn". Bất ngờ là khi đến quán chị không chỉ thấy mỗi cô bạn thân từ thời cấp ba, rồi đại học mà còn có cả một gã đàn ông. Đó là Tần- cậu bạn thân trong bộ ba của bọn chị. Bất ngờ nhưng chị cũng rất vui vì lâu lắm ba người mới có dịp gặp gỡ, tán chuyện với nhau. Cả ba từng cực kỳ thân thiết, thậm chí mọi người còn đoán già đoán non rằng kiểu gì Tần cũng thành đôi thành cặp với một trong hai đứa con gái bọn chị. Nhưng thân quá nên không yêu được, mỗi người rồi cũng có gia đình riêng. Và dần dần cuộc sống bộn bề cứ cuốn họ đi. Dù sống cùng thành phố nhưng cả ba chả mấy khi gặp nhau. Chỉ thường xuyên cập nhật thông tin về nhau thông qua Facebook, Zalo.

Tán đủ thứ chuyện, bỗng dưng anh Tần quay sang chị hỏi: "Thế nào, nghe nói bà đang có vấn đề muốn hỏi chị Thanh Tâm hả? Thôi để anh Thanh Tần giải đáp cho". (Hồi trước, mỗi khi gặp vấn đề rắc rối trong chuyện tình cảm, chị hay viết thư gửi cho mục "Tổng đài Thanh Tâm" của báo Phụ nữ Việt Nam). Biết cô bạn đã kể cho anh Tần nghe chuyện của mình, chị quay sang đấm vào lưng bạn. Nhưng rồi chị phải thầm cảm ơn cô bạn, bởi không ai hiểu chị hơn những người bạn thân thiết từ thuở ấu thơ này. Đặc biệt là anh Tần, vừa đứng trên cương vị một người bạn tri kỷ từ thuở nhỏ hiểu đến từng tính tốt cũng như thói xấu của chị, vừa đứng ở vị thế của một người đàn ông đã có gia đình mà phân tích cho chị. Anh bạn đã nói cho chị hiểu cảm giác của chồng chị. Khi nghe bạn phân tích, cả chị và cô bạn đều gật như bổ củi. Đúng là có những tật xấu không chỉ mình chị mà không ít chị em mắc phải, trong đó có tật nói nhiều, hay kể lể, than thở... Người chồng hằng ngày đi làm đã phải chịu nhiều áp lực ngoài xã hội, ở cơ quan, khi về nhà đôi khi chỉ mong sự bình yên, được vợ cơm dẻo canh ngọt, chào đón bằng sự yêu thương. Nhưng các bà vợ thì lại nghĩ mình cũng đi làm cả ngày, tan sở vừa tất bật đón con, đi chợ, về tới nhà lao vào bếp nấu nướng, đúng là khổ hết chỗ nói. Thế là khi chồng về, bao nhiêu bức xúc từ cơ quan, chợ, trên đường... mà mình gặp phải liền trút cả lên chồng. Làm sao mà vừa cơm dẻo canh ngọt, vừa tươi cười, âu yếm được, họa chỉ có trên phim hay trong các quảng cáo mà thôi. Chính sự không hiểu nhau dẫn tới những cuộc chiến tranh không có hồi kết.

Anh Tần kết luận: "Đến chiến tranh giữa các nước cũng còn phải có các hội nghị đàm phán nữa là. Nếu bà mà chiến tranh lạnh, không nói chuyện với ông ấy thì chả bao giờ giải quyết được vấn đề. Cuộc sống mà cứ tích tụ những hiểu lầm, cứ phải chiến tranh với nhau thế mệt mỏi lắm".

Nghe bạn nói, chị hiểu là mình sẽ phải chủ động hóa giải mâu thuẫn giữa hai vợ chồng để kết thúc "chiến tranh".   


KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiến tranh lạnh