Công trình công cộng “bỏ quên” người khuyết tật

01/12/2019 08:11

Hải Dương có khoảng 4 vạn người khuyết tật (NKT), đều có nhu cầu sử dụng các công trình công cộng.

Hầu hết vỉa hè không có lối lên cho người khuyết tật

Tuy nhiên, họ gặp không ít khó khăn vì phần lớn các công trình này của tỉnh thiếu hoặc không bảo đảm.

Bất tiện

Theo Luật NKT hiện hành thì NKT được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, sống độc lập, hòa nhập cộng đồng, tiếp cận công trình, phương tiện giao thông công cộng.

Đây là quy định bắt buộc nhưng thực tế NKT vẫn chưa thể được hưởng lợi. Trong năm nay, tổ chức NKT quốc tế  khảo sát 137 công trình công cộng tại các quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội).

Kết quả cho thấy chỉ có 11% số công trình cho phép NKT sử dụng thuận tiện, đồng thời chỉ ra rằng đa số những công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, bưu điện, bảo tàng có rất ít hạng mục đạt chuẩn, phục vụ tốt cho nhu cầu của NKT.

Ở tỉnh ta, dù không có báo cáo nào của cơ quan chức năng đánh giá một cách toàn diện về vấn đề này nhưng một số NKT thường xuyên sử dụng các công trình công cộng phản ánh họ gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Vũ Thị Mận ở xã Cổ Bì (Bình Giang) bị liệt 2 chân phải ngồi xe lăn. Mới đây, chị Mận đến một ngân hàng ở huyện Gia Lộc để giao dịch theo nhu cầu cá nhân.

Nhưng ngân hàng lại không có lối lên dành cho NKT đi xe lăn như chị. Đúng thời điểm ngân hàng vắng khách không có người qua lại để giúp đỡ nên chị Mận đành bất lực quay về.

“Đây là trở ngại tôi thường xuyên gặp phải khi sử dụng các công trình công cộng. Mỗi lần ra khỏi nhà làm bất kỳ việc gì tôi rất đắn đo xem nơi đó có đi lại thuận tiện hay không”, chị Mận chia sẻ.

Anh Dương Tiến Hưng ở phường Thái Học (TP Chí Linh) cũng bị liệt 2 chân, phải ngồi xe lăn. Do nhu cầu công việc, anh Hưng thường xuyên phải đến nhiều nơi trong tỉnh.

Tuy nhiên, anh Hưng cho biết hầu như anh không dám lựa chọn đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng. Một vài lần thử lên xuống một số nhà chờ, điểm dừng xe, anh Hưng không thể tự mình đẩy xe lăn lên được do độ cao giữa mặt đường và vỉa hè lên xuống quá lớn.

Không những vậy, ở Hải Dương hầu hết các nhà vệ sinh công cộng không đáp ứng được yêu cầu để những NKT như anh Hưng có thể sử dụng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì những dãy nhà cao tầng được xây dựng từ thời gian trước đều không bảo đảm yêu cầu về công trình phụ trợ dành cho NKT. Điển hình nhất là các trường học cao tầng không có thang máy nhưng hệ thống thang bộ không có lối dành cho NKT đi xe lăn. Không ít trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước cũng thiếu đường lên dành cho NKT.

Thiếu chế tài

Trong năm nay, khi triển khai chỉnh trang đô thị, TP Hải Dương đã quan tâm đến một số chi tiết thuộc công trình phụ trợ dành cho NKT. Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương, khi cải tạo vỉa hè các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng… thành phố đã làm một số đoạn đường dẫn hướng cho người khiếm thị, lối đi riêng cho xe lăn lên vỉa hè.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm được như thế, ngay ở trung tâm tỉnh những kết cấu hạ tầng thuận tiện cho NKT cũng chưa nhiều. Chị Nguyễn Thị Nha, cán bộ Hội NKT tỉnh cho biết mới đây khi đến thăm trụ sở làm việc của một xã tại thị xã Kinh Môn, chị thấy ở đây không xây đường lên cho NKT. Hỏi các công nhân thi công về vấn đề này, chị nhận được câu trả lời là trong thiết kế không có nên họ không làm.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc thực hiện các quy định về công trình dành cho NKT còn nhiều hạn chế như trên. Trước tiên do nhận thức của các ngành, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế chưa tốt, chưa thấy hết tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của vấn đề này.

Nhiều khi vì lợi ích, sợ tốn kém thêm chi phí xây dựng nên họ bỏ qua. Việc thẩm định, phê duyệt, cấp phép hoạt động đối với các công trình công cộng cũng còn kẽ hở, chưa chặt chẽ trong đánh giá các chi tiết phù hợp, bảo đảm cho NKT sử dụng.

“Tôi tham gia rất nhiều chương trình tập huấn cấp trung ương. Bất kỳ lần nào khi đánh giá về nguyên nhân vi phạm trong thực hiện công trình tiếp cận cho NKT, các chuyên gia đều nhận định rằng thiếu chế tài là nguyên nhân hàng đầu. Hầu hết các đơn vị nếu có vi phạm chỉ bị nhắc nhở”, chị Nha cho biết.

NGỌC THANH

Luật Người Khuyết tật quy định rõ về lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng. Theo đó, đến ngày 1.1.2020, các công trình công cộng phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật gồm trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao. Đến ngày 1.1.2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội không thuộc trường hợp quy định trên phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công trình công cộng “bỏ quên” người khuyết tật