Sáng kiến làm lợi hàng trăm tỷ ở Hòa Phát

29/01/2020 07:01

Phong trào thi đua sáng tạo, cải tiến kỹ thuật ở Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương đã thu được những kết quả hết sức ấn tượng.

Sáng kiến sử dụng bột thạch anh bổ sung SiO2 cho quặng thiêu kết làm lợi cho công ty 144 tỷ đồng mỗi năm

Nhiều sáng kiến đã được áp dụng thành công, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Không đầu hàng

Trong tiếng ồn ào của dây chuyền thiêu kết bên trong nhà máy luyện gang, kỹ sư Đỗ Đăng Dũng, cán bộ Phòng Công nghệ (Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương) say sưa giới thiệu về hiệu quả của sáng kiến sử dụng bột thạch anh bổ sung SiO2 cho quặng thiêu kết.

Theo anh Dũng, trước đây nhiều loại nguyên liệu đầu vào sử dụng cho thiêu kết có tỷ lệ SiO2 thấp, đặc biệt là vảy cán, quặng cám limonit Quý Sa, Thái Nguyên...

Khi phối liệu sử dụng nhiều nguyên liệu có tỷ lệ SiO2 thấp, các kỹ sư sẽ phải điều chỉnh giảm tỷ lệ phối vôi nung để bảo đảm độ kiềm quặng thiêu kết. Giảm tỷ lệ vôi nung lại làm cho tính kết dính, tạo viên của hỗn hợp nguyên liệu sau trộn không tốt, lớp liệu lên thiêu kết kém thông thoáng, vận hành thiêu kết khó khăn.

“Sử dụng bột thạch anh bổ sung SiO2 cho phối liệu thiêu kết sẽ làm tăng tỷ lệ sử dụng vảy cán và các loại quặng có SiO2 thấp, giúp giải quyết tốt vấn đề công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Dũng chia sẻ.

Ông Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương đánh giá sáng kiến của Phòng Công nghệ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của dây chuyền thiêu kết mà còn đem lại lợi ích kinh tế lớn cho doanh nghiệp.

Ước tính mỗi năm sáng kiến này làm lợi cho công ty khoảng 144 tỷ đồng. Đây là giải pháp hoàn toàn mới, thể hiện sự cố gắng, sáng tạo của đội ngũ kỹ sư của công ty. Giải pháp này khi áp dụng vào thực tế đã giúp việc sử dụng nguyên liệu cho sản xuất gang lò cao được đa dạng và linh hoạt hơn. 

Sáng kiến cải tiến nâng công suất quạt trợ đốt, làm mát từ 220 kW lên 250 kW để tăng năng suất lò vôi 3 của đội ngũ kỹ sư nhà máy chế biến nguyên liệu cũng được lãnh đạo công ty đánh giá rất cao.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Khanh, cán bộ phụ trách điện của nhà máy nguyên liệu giới thiệu lò vôi 3 có công suất thiết kế 500 tấn/ngày, sử dụng quạt trợ đốt, làm mát công suất 220 kW. Với nguyên liệu hiện nay, để sản xuất đạt sản lượng theo thiết kế thì động cơ quạt trợ đốt, làm mát đang sử dụng không đáp ứng được yêu cầu.

“Khi tăng sản lượng cần tăng thêm lưu lượng gió trợ đốt và làm mát bằng cách tăng tần số biến tần của động cơ quạt trợ đốt. Lúc đó dòng điện động cơ tăng cao gần bằng dòng điện định mức, động cơ phát nhiệt xấp xỉ 90 độC, không bảo đảm an toàn cho thiết bị. Do vậy, lò vôi số 3 chỉ duy trì sản lượng gần 460 tấn/ngày”, kỹ sư Khanh giải thích.

Ông Đỗ Đức Đôn cho biết thêm: “Để giải quyết tình trạng này, các kỹ sư của nhà máy chế biến nguyên liệu đề xuất thay 2 động cơ quạt trợ đốt và làm mát, nâng công suất lên 250kW.

Sau khi thay động cơ mới, sản lượng lò vôi 3 đạt công suất thiết kế, 100% sản phẩm chất lượng loại 1. Sau một thời gian, động cơ mới hoạt động ổn định, an toàn, giảm lượng điện tiêu thụ, công suất lò vôi nâng lên tối đa, làm lợi cho công ty 10 tỷ đồng mỗi năm”.

Lan tỏa

Theo lãnh đạo Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương, để phong trào sáng tạo, cải tiến kỹ thuật lan rộng, lãnh đạo công ty đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích rất cụ thể, kịp thời như động viên, khen thưởng dựa trên lợi ích kinh tế mà sáng kiến đó đem lại.

Kỹ sư Đỗ Đăng Dũng chia sẻ: “Lãnh đạo công ty và các phòng, ban luôn quan tâm, động viên, khuyến khích cán bộ, công nhân viên thi đua sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Bất kể khi nào chúng tôi có ý tưởng mới, lãnh đạo công ty đều dành thời gian lắng nghe chúng tôi trình bày, sau đó cùng phân tích để đưa ra phương án tối ưu nhất”.

Chính vì thế, ngoài 2 sáng kiến nổi bật nêu trên, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân các nhà máy, xí nghiệp của Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương đã đề xuất nhiều cải tiến kỹ thuật được áp dụng thành công vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm tiêu hao nguyên liệu, góp phần bảo vệ môi trường.

Đơn cử như sáng kiến nâng cao chất lượng phôi đúc cho hệ thống máy đúc giúp cải tiến cây nước làm mát, cải tiến cây nước chân khuôn, hạn chế khuyết tật phôi lỗi… làm lợi cho công ty khoảng 12 tỷ đồng một năm. Hay như sáng kiến sử dụng quặng hồi lò cao thay thế quặng thiêu kết dùng cho quá trình tạo xỉ trong công đoạn nấu luyện thép lò thổi đã đáp ứng yêu cầu tạo xỉ lò thổi và điều nhiệt lò.

Nhờ đó, 3 lò cao không còn thiếu quặng thiêu kết trong quá trình hoạt động. Sáng kiến này đã làm lợi cho công ty hơn 11 tỷ đồng mỗi năm. Một sáng kiến khác dù không đem lại lợi ích trực tiếp về kinh tế nhưng lại góp phần bảo đảm sức khỏe, an toàn cho công nhân là sáng kiến

“Cảnh báo đầy phễu coke”. Với sáng kiến này, công nhân có thể biết khi nào coke trong phễu sắp đầy để chủ động vận hành, giúp quá trình sản xuất được thực hiện liên tục, không bị dừng dây chuyền đột ngột, ảnh hưởng tới tuổi thọ của thiết bị. Nhờ vậy, công nhân không phải vào kiểm tra thường xuyên, tránh việc tiếp xúc với khói bụi độc hại.

Phong trào thi đua sáng tạo, cải tiến kỹ thuật ở Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương lan rộng và đạt những kết quả nổi bật. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây đã có hơn 40 sáng kiến cải tiến được đề xuất, áp dụng hiệu quả trong thực tế, làm lợi cho công ty hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Điều quan trọng nhất là phong trào đã có sức lan tỏa lớn, trở thành động lực trong sản xuất, là mục tiêu phấn đấu của các cán bộ, kỹ sư, công nhân ở tất cả các phân xưởng, nhà máy, xí nghiệp.

LÃ VỌNG

(0) Bình luận
Sáng kiến làm lợi hàng trăm tỷ ở Hòa Phát