Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

14/08/2018 12:17

Cơ sở sản xuất đồ gỗ Dũng đục nằm cạnh trục đường 390 địa phận xã Thanh Xá (Thanh Hà). Đây là cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Quách Trung Dũng (38 tuổi) ở thôn 2, xã Thanh Xá.

Dù sở hữu cơ sở làm nghề mộc rộng hàng trăm m2 nhưng anh Dũng vẫn ấp ủ dự định mở rộng sản xuất

Anh Dũng là hội viên Hội Liên hiệp thanh niên xã Thanh Xá, một thanh niên dám nghĩ, dám làm khi bắt tay vào khởi nghiệp chỉ với 5 triệu đồng. Đến nay, anh Dũng đã có trong tay 1 xưởng sản xuất đồ gỗ và 1 cửa hàng bán đồ gỗ với số vốn lên tới hàng tỷ đồng.

Chưa học hết THCS, năm 14 tuổi, gia đình cho anh Dũng đi học nghề đục ở huyện Cẩm Giàng. Sau 2 năm theo học, anh về quê làm nghề. Năm 19tuổi, anh lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Dũng trở về tiếp tục theo học nghề đục ở làng nghề mộc Đông Giao (Cẩm Giàng). Sau 3 năm, anh về quê mở xưởng sản xuất Dũng đục. Ngày đầu mở xưởng, anh Dũng gặp không ít khó khăn. Trong tay chỉ có 5 triệu đồng là số tiền của một người khách đặt hàng, anh Dũng mua 2 máy chuyên dụng và mượn thêm đồ về bắt đầu thực hiện công việc. Để có nguyên liệu, anh Dũng đạp xe đi khắp huyện tìm mua gỗ xà cừ về để đục con giống, tạc tượng...

Năm 2007, anh Dũng làm thêm nghề mộc. Bởi theo anh để đào tạo một người thợ đục mất rất nhiều thời gian, người thợ không chỉ cần có sức khỏe tốt, đôi bàn tay khéo léo, kiên trì mà đòi hỏi phải có năng khiếu. Vì vậy, làm nghề đục không thuê được nhiều thợ và thu nhập cũng thấp. Trong khi đó, nhu cầu thị trường cửa gỗ ngày một phát triển nên anh đã chuyển dần sang nghề mộc. So với nghề đục, làm nghề mộc vừa tận dụng được máy móc, vừa dễ thuê nhân công, đem lại lợi nhuận cao hơn.

Anh Dũng vay thêm vốn đầu tư máy móc, mở xưởng sản xuất mộc. Từ 2 chiếc máy đục ban đầu, đến nay anh đã có 1 xưởng sản xuất đồ mộc rộng hàng trăm m2 với hàng chục máy móc các loại để làm ra các sản phẩm như cửa gỗ, cầu thang, bàn, ghế... Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn huyện. Cơ sở của anh tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 9-10 lao động địa phương, thu nhập mỗi người từ 2,5 - 7,5 triệu đồng/tháng, tùy từng việc.

Ngoài xưởng sản xuất đồ gỗ, anh Dũng còn mở 1 cửa hàng chuyên bán đồ gỗ, mỗi năm doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng. Trong sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, anh luôn lấy uy tín, chất lượng làm đầu. "Làm nghề gì cũng phải có lòng yêu nghề, sự nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc mới thành công. Khó khăn lớn nhất trong làm ăn đó là nguồn vốn. Nếu có thêm vốn, tôi sẽ tham khảo nhu cầu thị trường để mở rộng sản xuất", anh Dũng chia sẻ về dự định của mình.

Bí thư Đoàn xã Thanh Xá Phạm Văn Kiên cho biết: "Ngoài phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, anh Dũng còn tích cực hỗ trợ các phong trào, hoạt động của đoàn, hội ở địa phương như tham gia đội múa lân của xã, đóng góp kinh phí, công sức hỗ trợ hoạt động hè...".

NGỌC HÀ

(0) Bình luận
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng