Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trên mạng

06/09/2019 09:00

​Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin do Sở Công thương triển khai đã tạo không gian mở giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường...


Sở Công thương đang xây dựng phần mềm quản lý chương trình khuyến mãi và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng trong thương mại điện tử

Thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) góp phần phát triển thương mại điện tử (TMĐT), hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, được doanh nghiệp đánh giá cao.

Tạo không gian mới cho doanh nghiệp

Cuối năm 2017, Sở Công thương đã hoàn thiện mô hình Bản đồ trực tuyến điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp, cơ sở, đại lý phân phối hàng Việt Nam trong tỉnh được tích hợp bằng tọa độ trên bản đồ của Google Map. Mô hình này giống như bức tranh phản ánh thực trạng, quy mô một số sản phẩm hàng Việt Nam bán tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Thông qua bản đồ này, doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin về các nhà phân phối, tổng đại lý phân phối, mạng lưới cơ bản các chợ, các ngành hàng tiêu dùng, xăng dầu, gas... trong toàn tỉnh. Bản đồ trực tuyến được cập nhật thường xuyên, giúp doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xác định vị trí, khu vực có cung, cầu về từng loại hàng hóa để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Xác định tầm quan trọng của CNTT đối với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, từ năm 2018 đến nay, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho một số doanh nghiệp trẻ xây dựng website để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm. Doanh nghiệp được ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% kinh phí xây dựng, vận hành website thời gian đầu. Cuối năm 2018, cơ quan này xây dựng thành công sàn giao dịch TMĐT theo mô hình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp và cho phép bán lẻ sản phẩm. Việc xây dựng, phát triển sàn TMĐT giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, tiết kiệm thời gian và nhiều loại chi phí. Sàn giao dịch TMĐT sẽ góp phần phát triển dịch vụ logistics, dịch vụ đóng gói, giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp trung gian.

Sở Công thương còn xây dựng được mô hình “Phần mềm quản lý thông tin xuất nhập khẩu Hải Dương” giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá và kiểm soát các hoạt động xuất nhập khẩu, cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong tỉnh.

Ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho sở triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Sở đang xây dựng phần mềm quản lý chương trình khuyến mãi và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Hải Dương xúc tiến bán hàng trong TMĐT. Dự kiến, cuối năm nay phần mềm này đi vào hoạt động, sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch khi xử lý các hồ sơ khuyến mãi, giảm chi phí cho doanh nghiệp.


Từ khi có website, số lượng đơn hàng của Công ty TNHH Thương mại quảng cáo Dũng Ninh Phát (TP Hải Dương) tăng mạnh

Hiệu quả thiết thực

Hiện nay, mô hình Bản đồ trực tuyến điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn Hải Dương đã tích hợp trên 400 điểm bán hàng của các doanh nghiệp, đại lý, tổng đại lý phân phối hàng Việt Nam. Sàn TMĐT Hải Dương mới đi vào hoạt động từ đầu năm nay nhưng đã có trên 100 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Hơn 2 năm trước, Công ty TNHH Thương mại quảng cáo Dũng Ninh Phát ở đường Thống Nhất (TP Hải Dương) không có website quảng cáo dịch vụ của doanh nghiệp. Việc mời chào, tìm kiếm đơn hàng chủ yếu dựa vào các mối quan hệ quen biết từ trước. Khách hàng của công ty phần lớn ở TP Hải Dương. Đầu năm nay, công ty được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng website. Sở Công thương liên hệ, giới thiệu các đơn vị cung cấp, xây dựng website uy tín để doanh nghiệp lựa chọn. Từ khi có website riêng, công ty đã giới thiệu các dịch vụ đến nhiều khách hàng. Ông Giang Đức Dũng, Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: “Từ khi có website, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình đã đặt hàng qua số điện thoại của công ty cung cấp trên website”.

Công ty CP Xử lý nước và Môi trường Tân Đại Minh ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) đăng ký hoạt động từ năm 2014. Đi sau nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước sạch nên việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với công ty là điều không dễ dàng. Từ năm 2018, nhờ có Bản đồ trực tuyến điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh, công ty đã chủ động tiếp cận thị trường ở các huyện khác, mở rộng mạng lưới phân phối nước sạch ở thị trường nông thôn. "Thông qua mạng lưới điểm bán hàng, công ty đã định hướng được chiến lược phân phối, kế hoạch bán hàng và kiểm soát hiệu quả hệ thống phân phối, giảm những chi phí chung", ông Nguyễn Văn Tiền, Giám đốc công ty chia sẻ.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trên mạng