Vì sao người dân không được đầu tư kiên cố hóa kênh mương?

01/03/2019 16:40

Báo Hải Dương nhận được phản ánh của một số hộ dân ở thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) về việc UBND xã ngăn cản người dân kiên cố hóa kênh tiêu thoát nước nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường.


 Một đoạn kênh qua thôn Lạc Dục đã được người dân xây dựng kiên cố

Theo phản ánh của anh Nguyễn Ngọc Hải ở thôn Lạc Dục, từ giữa tháng 2.2019, gia đình anh nạo vét, dọn dẹp đoạn kênh tiêu thoát nước nằm ngay cạnh mảnh đất của gia đình rồi xây dựng kiên cố đoạn kênh này. “Đoạn kênh này nhiều năm nay luôn đọng bùn rác, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Gia đình tôi tự bỏ tiền mua vật liệu về xây lại đoạn kênh vừa giữ đất tránh sạt lở, vừa xử lý ô nhiễm môi trường”, anh Hải cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, đoạn kênh mới được xây dựng kiên cố có chiều dài 25 m, rộng gần 2 m, sâu 1,5 m được xây bằng gạch nung, trên mặt kênh đổ bê tông dầy 15 cm. Theo phản ánh của người dân, UBND xã Hưng Đạo đã cho nhân viên ra yêu cầu gia đình anh Hải dừng xây dựng. “Cán bộ xã nói rằng đây là đất công nên gia đình không được phép xây dựng”, anh Hải cho biết thêm.       

Cũng tại khu vực này, con kênh tiêu thoát nước chạy phía sau khu dân cư từ lâu trở thành nơi chứa nước thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngay đầu kênh có một hộ nuôi vài chục con chó, mèo thường xuyên xả phân, nước thải chưa qua xử lý xuống lòng kênh. Đồng thời, rác thải, nước thải từ các nơi dồn về cũng khiến đoạn kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Anh Phạm Văn Luyện ở thôn Lạc Dục cho biết: “Các hộ dân ở đây đều mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng nạo vét, kiên cố hoá tuyến kênh này để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu chính quyền địa phương chưa bố trí được kinh phí, người dân sẽ tự đóng góp để nạo vét, xây dựng".

Trước những kiến nghị của người dân, ông Phạm Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết kênh tiêu thoát nước dài gần 2 km lấy nước từ trạm bơm Bỉnh Di cung cấp nước tưới cho một phần diện tích đất nông nghiệp, rau màu của thôn Lạc Dục. Đây là tuyến kênh thuộc Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi (KTCTTL) huyện Tứ Kỳ quản lý, UBND xã không có quyền quyết định các hoạt động xây dựng trên tuyến kênh này. Vừa qua, khi phát hiện gia đình anh Hải kiên cố hoá một đoạn kênh, UBND xã đã yêu cầu dừng xây dựng, báo cáo Xí nghiệp KTCTTL huyện để có hướng giải quyết. "UBND xã hoàn toàn nhất trí khi người dân kiên cố hoá đoạn kênh này. Người dân tự bỏ tiền xây dựng góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Nhưng do tuyến kênh thuộc sự quản lý của Xí nghiệp KTCTTL huyện nên mọi hoạt động xây dựng phải có sự đồng ý của đơn vị này. Việc người dân tự ý xây dựng không theo thiết kế chung sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu, thoát nước của tuyến kênh", ông Đức cho biết. Theo ông Đức, ngay khi phát hiện người dân tự ý xây dựng, UBND xã đã mời gia đình lên làm việc, yêu cầu tạm dừng các hoạt động xây dựng và hướng dẫn người dân bổ sung các thủ tục xây dựng cần thiết.

Đối với tuyến kênh chạy phía sau khu dân cư đang trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ông Đức cho biết nếu có nguyện vọng đóng góp kinh phí kiên cố hoá tuyến kênh này, các hộ dân cần có đơn, UBND xã sẽ mời Xí nghiệp KTCTTL huyện về hướng dẫn người dân xây dựng theo đúng thiết kế, bảo đảm khả năng tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một lãnh đạo Xí nghiệp KTCTTL huyện Tứ Kỳ cho biết tuyến kênh chạy qua thôn Lạc Dục là kênh N5, lấy nước từ trạm bơm Bỉnh Di cấp cho một số diện tích đất nông nghiệp của xã Hưng Đạo. Xí nghiệp KTCTTL huyện Tứ Kỳ chỉ quản lý tuyến kênh này đến đầu thôn Lạc Dục. Từ đầu thôn trở vào thuộc sự quản lý của UBND xã Hưng Đạo. Mọi hoạt động xây dựng trên đoạn kênh này thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương. "Kênh thuộc quản lý của UBND xã nên mọi hoạt động xây dựng trên đoạn kênh này do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Nếu xã nhờ xí nghiệp giúp đỡ thẩm định các vấn đề kỹ thuật khi xây dựng, xí nghiệp sẵn sàng hỗ trợ để bảo đảm các chỉ tiêu theo quy định", vị lãnh đạo này cho biết.

Việc người dân tự ý xây dựng kênh mương khi chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương là không đúng quy định. Nhưng người dân tự bỏ kinh phí để xây dựng, góp phần giảm gánh nặng ngân sách địa phương, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cần được khuyến khích. Đoạn kênh này thuộc quản lý của chính quyền địa phương, UBND xã Hưng Đạo không nên đẩy trách nhiệm cho Xí nghiệp KTCTTL huyện mà cần có những hướng dẫn cụ thể để người dân tiến hành nạo vét, xây dựng kênh mương bảo đảm quy định.

    VỊ THUỶ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao người dân không được đầu tư kiên cố hóa kênh mương?