Mục đích việc thu hồi chợ cũ; nghĩa vụ, quyền lợi khi buôn bán tại chợ tạm... chưa được thông tin rõ ràng, kịp thời là những nguyên nhân khiến tiểu thương chợ Huề Trì không đồng ý di chuyển sang chợ tạm.
Khu vực chợ tạm được nhà đầu tư dự án khu dân cư mới An Phụ xây dựng nằm cách chợ Huề Trì hiện nay khoảng 100 m
Chợ Huề Trì ở phường An Phụ (Kinh Môn) nằm trong diện tích phải giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án khu dân cư (KDC) mới phường An Phụ. Nhưng phần lớn các tiểu thương ở đây không đồng ý di chuyển sang chợ tạm.
Chưa rõ thông tin
Chợ Huề Trì được hình thành từ gần 20 năm trước. Chợ có khoảng 190 tiểu thương kinh doanh thường xuyên, họp hằng ngày từ 5 - 9 giờ sáng. Chợ chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt của người dân. Sau khi chính quyền, cơ quan đoàn thể thông báo, vận động người dân di chuyển vào khu vực chợ tạm để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án KDC mới An Phụ, các tiểu thương ở đây đều rất lo lắng và chưa đồng thuận.
Chị Nguyễn Thị Nhinh có ki-ốt kinh doanh hoa quả tươi trong chợ Huề Trì cho biết chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đã họp, vận động tiểu thương di chuyển vào chợ tạm để giải phóng mặt bằng (GPMB). Mặc dù vậy, người dân không nắm được thông tin cụ thể về chợ tạm hoạt động như thế nào, nghĩa vụ và quyền lợi của các tiểu thương ra sao... "Tôi và nhiều tiểu thương phải đóng tiền mua ki-ốt trong chợ để kinh doanh. Chúng tôi đều mong muốn được các cơ quan chức năng giải thích rõ những thắc mắc của người dân", chị Nhinh nói.
Đầu năm 2003, vợ chồng ông Phạm Hữu Cao ở khu 2, phường An Phụ đã đóng 1,8 triệu đồng mua lại một ki-ốt trong chợ Huề Trì (dưới hình thức đóng góp xây dựng chợ) để kinh doanh hàng mã. Gia đình ông Cao không đồng ý di chuyển vì không biết rõ chính sách bồi thường, hỗ trợ cho gia đình như thế nào, người dân phải đóng góp cho việc xây dựng chợ mới ra sao, chợ mới sẽ xây dựng ở đâu... Ông Cao chia sẻ: "Nếu Nhà nước thu hồi chợ Huề Trì làm công trình phúc lợi xã hội, công trình công cộng, chúng tôi đều nhất trí cao. Nếu Nhà nước thu hồi đất chợ để doanh nghiệp kinh doanh thực hiện dự án thì chính quyền địa phương phải thông tin rõ ràng, minh bạch về dự án chợ mới và các vấn đề liên quan cho các tiểu thương".
Chợ Huề Trì là chợ dân sinh có từ gần 20 năm nay, chỉ họp buổi sáng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân
Để nhân dân đồng thuận
Theo ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường An Phụ, chợ Huề Trì nằm trong diện tích phải GPMB của dự án KDC mới An Phụ. Việc hình thành các KDC mới có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội phường An Phụ.
Liên quan đến dự án KDC mới An Phụ, tháng 4.2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt lựa chọn liên danh công ty CP: Đông Hải 27-7 và Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc là nhà đầu tư thực hiện dự án. Tháng 7.2018, UBND huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn) có thông báo về việc thu hồi hơn 81.675m2 đất để thực hiện dự án, trong đó có hơn 2.632 m2 đất chợ. Dự án KDC mới An Phụ đã được xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt trên 90% khối lượng. Chủ đầu tư cũng đã xây dựng xong chợ tạm Huề Trì cách chợ cũ hơn 100 m, với diện tích gần 3.000 m2 để các tiểu thương di dời sang kinh doanh.
Đầu tháng 11.2020, Công ty CP Đông Hải 27-7 đề xuất đầu tư dự án chợ An Phụ với diện tích 8.495 m2 nằm trong quy hoạch KDC mới An Phụ. Sau khi lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị liên quan, đầu tháng 12.2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Thông báo số 2803/TB-SKHĐT nêu rõ chưa đủ cơ sở để thẩm định đề xuất thực hiện dự án xây dựng chợ An Phụ của Công ty CP Đông Hải 27-7.
Việc chậm GPMB khu vực chợ Huề Trì cũ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật KDC mới An Phụ. Khối lượng gần 10% công việc còn lại chưa thể triển khai do vướng mặt bằng thuộc diện tích chợ cũ chưa được bàn giao. "Phải có mặt bằng khu vực chợ Huề Trì cũ chúng tôi mới có thể hoàn thành thi công hạ tầng KDC mới An Phụ theo đúng tiến độ đề ra", ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Đông Hải 27-7 cho biết.
Do không được bàn giao mặt bằng nên dự án đã được UBND tỉnh gia hạn lần 2, đến ngày 16.5.2021 phải hoàn thiện, bàn giao hạ tầng kỹ thuật của dự án cho Nhà nước. Cũng theo ông Tùng, xây dựng chợ An Phụ là dự án thành phần riêng biệt, không liên quan đến dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KDC mới An Phụ. Việc lựa chọn nhà đầu tư, quy mô chợ cũng như hình thức kinh doanh tại chợ mới do UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh quyết định.
Để ổn định tâm lý tiểu thương trong chợ Huề Trì, bảo đảm việc GPMB thực hiện dự án KDC mới An Phụ, chính quyền địa phương cần thông tin cụ thể, minh bạch về việc xây dựng chợ Huề Trì để người dân hiểu và đồng thuận trong triển khai thực hiện; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân ổn định kinh doanh, đời sống.
VỊ THỦY-NGUYỄN LAN