Nơi lưu giữ hệ thống điêu khắc nghệ thuật quý giá

05/04/2021 18:08

Thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) còn lưu giữ được một di tích quý giá, đó là đình Phú Lộc. Ngôi đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2001.


Nổi bật trên bờ nóc ngôi đình là hình tượng hổ phù đội mặt trời lửa với những đạo hỏa bay lên, hai bên đầu kìm có rồng lạc long đắp nổi

Báo mộng giúp vua thắng trận

Đình Phú Lộc là di tích có quy mô lớn nhất còn tồn tại đến nay trong 6di tích tại thôn Phú Lộc gồm đình, chùa, nhà thờ và 3 ngôi miếu. Đình có tên nôm là Ma Há, tọa lạc tại trung tâm thôn, vị trí được cho là trán rồng với thế đắc địa “ngũ mã chầu tiền, tam thai ứng hậu” nghĩa là phía trước có gò đống như 5 con ngựa chầu, phía sau có một chiếc ao, tam thai ứng với 3 miếu thờ tại địa phương.

Theo thần tích, thần sắc, tư liệu còn lưu tại đình và truyền thuyết ở địa phương, ngôi đình thờ Thành hoàng có tên Khánh phu nhân (tục gọi là Càn Hải Dư Linh), vốn là vợ một vị vua thời Tống của Trung Quốc. Do bị nhà Nguyên cướp ngôi nên Khánh phu nhân cùng các con trẫm mình xuống biển, xác trôi dạt về phương nam, đến địa phận Càn Hải, thuộc đất Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhưng thi hài còn tươi nguyên. Nhân dân ở đây thấy lạ đã chôn cất chu đáo và lập miếu thờ.

Đến đời vua Trần Anh Tông (trị vì từ năm 1293-1314), do biên thùy phía Nam có loạn giặc Chiêm, nhà vua thân chinh cầm quân đi đánh dẹp. Khi xa giá qua cửa Càn Hải, vua truyền đóng quân. Đêm đó, nhà vua được nữ thần Càn Hải báo mộng sẽ trợ giúp. Thắng trận trở về, nhà vua cho lập đền thờ. Đối chiếu với chính sử, theo Đại Việt sử ký toàn thư (Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội 1971), năm Kỷ Mão niên hiệu Thiệu Bảo nhà Trần (1279) có ghi nhận: "Quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn, quân Tống thua, Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú phu cùng vua Tống nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày, xác nổi trên mặt biển đến hơn 10 vạn người. Tháng 12 năm Tân Hợi (1311) vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành vì vua nước ấy là Chế Phỉ phản trắc".

Văn bia “Phú Lộc kiều bi” khắc: Năm Quý Dậu Chính Hòa (1693) ghi nhận vào thế kỷ XVII-XVIII, thuyền buôn xứ Thanh, xứ Nghệ thường đi qua nhánh sông Cẩm Giàng vào Phú Lộc để trao đổi hàng hóa, Phú Lộc trở thành một trong những trung tâm giao lưu kinh tế sầm uất của xứ Đông. Nhiều khả năng tín ngưỡng thờ Khánh phu nhân đã du nhập vào vùng đất này từ đó. Không chỉ ở Phú Lộc, 2 làng lân cận là Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ) và Hoành Lộc (xã Cẩm Văn) cũng suy tôn bà là Thành hoàng. 

Ngôi đình cũng là nơi gắn liền với truyền thống yêu nước của nhân dân địa phương. Năm 1940, đình là căn cứ hoạt động bí mật của nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Đến năm 1945, đình là trụ sở của Hội Cứu tế đỏ, sau đó là nơi tổ chức Việt Minh huấn luyện võ thuật cho thanh niên và tổ chức lực lượng tự vệ cách mạng. Tháng Tám năm 1945, sân đình là nơi đội tự vệ các xã và đông đảo quần chúng nhân dân đã tập trung để tiến về huyện giành chính quyền.


Ngôi đình còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị lịch sử

Nhiều cổ vật giá trị

Ngôi đình được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 9 (1856) với quy mô lớn. Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ “công” gồm 5 gian đại bái, 2 gian cổ giải và 3 gian hậu cung. Tòa đại bái kết cấu khung lòng thuyền. Liên kết ngang "thượng ngũ hạ ngũ", vì kiểu giá chiêng xen chồng rường. Từ trên xuống, gối đỡ thượng lương là 1 guốc nóc vát đầu khắc chữ "thọ" cách điệu. Dưới guốc nóc là đấu chạm cánh sen cách điệu. Tại đầu cột cái, một đầu dư tạo dáng rồng vươn về trung tâm, đầu rồng đỡ bụng câu đầu, đuôi rồng đỡ hoành. Liên kết dọc ngôi nhà gồm hệ thống xà dọc, xà đai và 11 bộ hoành mái chạy suốt 3 gian nhà 4 vì chính tạo thành khung nhà vững chắc. 

Ngôi đình còn lưu giữ được hệ thống điêu khắc nghệ thuật độc đáo. Từ ngoài nhìn vào, nổi bật trên bờ nóc là hình tượng hổ phù đội mặt trời lửa với những đạo hỏa bay lên, hai bên đầu kìm có rồng lạc long đắp nổi. Tiếp đó là hệ thống bờ dải kết hoa chanh chạy từ đầu kìm xuống bờ mái được đắp 4 con chối, loại linh vật cùng họ với nghê tại các trụ biểu, trong đó có 2 con chất liệu đất nung. Các linh vật đều trong tư thế vận động múa chầu. Cuối cùng tại 4 góc đình là 4 đao kép uốn cong đắp nổi hình tượng rồng chầu, phượng múa, đầu rồng vươn cao hướng về chim phượng, thân rồng hóa thành bờ dải, vây rồng ẩn kết hoa chanh tinh xảo. Ngôi đình còn bảo lưu nhiều mảng chạm khắc tứ linh, tứ quý, hoa lá tinh tế, thể hiện vốn liếng tài hoa của các nghệ nhân dân gian.

Ngôi đình cũng lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị, tiêu biểu là hệ thống sắc phong thời Nguyễn phong cho nhân thần và thiên thần, bia đá cổ. Hệ thống hiện vật gỗ còn khá phong phú như nhang án, ngai thờ, sập thờ, mâm bồng, câu đối… và một số đồ thờ bằng đồng, gốm khác. Phần lớn các cổ vật có niên đại cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX với giá trị lịch sử và nghệ thuật phong phú. Đến nay, ngôi đình được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, chỉ xuất hiện một số hư hỏng nhỏ.

Chị Đào Thị Ngân, người dân xã Cẩm Vũ cho biết: “Tuổi thơ tôi là những lần cùng bạn bè chơi đùa ở sân đình, tham gia lễ rước mỗi lần đình tổ chức lễ hội. Trưởng thành với cây đa, giếng nước, sân đình, ngôi đình đã trở thành điểm tựa tinh thần của tôi và nhiều người dân nơi đây”.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi lưu giữ hệ thống điêu khắc nghệ thuật quý giá