Độc đáo đình Ngọc Trục

26/05/2020 13:52

Điểm đặc sắc trong lễ hội đình Ngọc Trục ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) là tục kết chạ, thể hiện tinh thần đoàn kết. 

Bài trí thờ tự tại đình Ngọc Trục

Đình Ngọc Trục ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) thờ ba vị Thành hoàng có nhiều công lao với vương triều Lý Nam Đế (thế kỷ VI). 

Lịch sử xây dựng lâu đời

Theo tấm bia đang được lưu giữ tại di tích, đình Ngọc Trục xây dựng vào trước năm Cảnh Trị thứ 3 (1665). Di tích tọa lạc trên một khuôn viên rộng, ba mặt bao bọc bởi ao tạo cảnh quan, đồng thời cũng là nơi lưu thủy, tụ phúc, mặt tiền quay hướng tây nam. 

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ hưởng ứng phong trào diệt giặc đói, diệt giặc dốt và giặc ngoại xâm. Đình cũng là nơi luyện tập của dân quân, du kích địa phương, điểm đóng quân, diễn tập của Đại đội 3 (Quân khu III) trước khi tiến công đánh giặc. 

Năm 1962, thực hiện chủ trương “Bài trừ mê tín dị đoan”, ngôi đình bị hạ giải hoàn toàn lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi. Năm 2006, với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự góp công, góp của của nhân dân trong thôn, con em xa quê, đình Ngọc Trục được khôi phục trên nền xưa, hướng cũ, kiến trúc chữ Đinh (J). Hệ thống cột cái, cột quân, câu đầu, trụ đấu, xà nách, thượng lương, hoành đều làm bằng bê tông sơn màu giả gỗ, rui bằng gỗ, mái lợp ngói mũi. Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ một số cổ vật có giá trị như bia ký, sắc phong, lục bình, mâm bồng... có niên đại vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

Đình Ngọc Trục được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2018

Sự tích ba vị Thành hoàng

Đình Ngọc Trục thờ ba vị Thành hoàng có tên hiệu là Đô Thiên chi thần, Đại Đô chi thần và Đại Đức chi thần, có công giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc Lương xâm lược vào thế kỷ VI. Căn cứ vào thần tích, thần sắc làng Ngọc Trục tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội cùng hệ thống bia ký, sắc phong, câu đối, đại tự lưu giữ tại di tích và truyền ngôn trong nhân dân, vào triều Tiền Lý, giặc
Lương đem quân sang xâm lược nước ta do viên tướng Tiêu Tư dẫn đầu. Vua Lý Nam Đế xuất chinh đánh giặc, khi đến đạo Hải Dương, huyện Đa Cẩm, trang Bình Lãng, tổng Ngọc Trục (nay là xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng) bèn cho quân sĩ dừng lại đóng quân tại đây. Đêm ấy, nhà vua nằm mộng thấy ba ngài đều bảo vua rằng: “Có giặc nhà Lương đuổi theo, xin giúp nhà vua trừ Lương tặc”. Vua tỉnh dậy, đã thấy tướng giặc Tiêu Tư đuổi theo đến nơi. Ba ngài Đô Thiên, Đại Đô, Đại Đức giúp vua bình được quân giặc rồi hóa (tức ngày mồng 9 tháng giêng). Nhớ ơn ba ngài, vua Lý Nam Đế truy ân tặng phong và cho phép các trang thuộc tổng Ngọc Trục lập miếu thờ tự, ngàn năm hương hỏa.

Do có công lao với dân, với nước, trải qua các triều đại phong kiến nhà Lê, Nguyễn, ba ngài được ban tặng nhiều sắc phong. Triều Nguyễn đời vua Tự Đức 3 (năm 1850) sắc phong: “Tự chính đoan túc Đô Thiên, Đại Đô, Đại Đức tối linh đại vương”; đời vua Đồng Khánh 2 (năm 1887) sắc phong: “Gia tặng dực bảo trung hưng thượng đẳng chi thần”; đời vua Thành Thái nguyên niên (năm 1889) sắc phong: “Linh phù chi thần”; đời vua Duy Tân 3 (năm 1909) sắc phong: “Gia tặng đoan túc ngưng hậu”; đời vua Khải Định 9 (năm 1924) sắc phong: “Tuy mục thượng đẳng chi thần”.

Tục kết chạ độc đáo

Hằng năm, từ ngày 9 - 11 tháng giêng, dân làng Ngọc Trục tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ công ơn của ba vị Thành hoàng. Trước Cách mạng Tháng 8.1945, lễ hội diễn ra với quy mô lớn có sự tham gia của 7 xã: Ngọc Trục, Bình Phiên, Ngọc Quyết, Nghĩa Trạch, Tế Bằng, Thu Lãng và Cẩm Trục của tổng Ngọc Trục xưa. Theo lệ, vào ngày mồng 9, các đình trong 7 xã phải rước kiệu về đình Bình Phiên để tham gia hợp tế. Trong lúc tế, dâng rượu, đốt văn tế, nhạc sinh đều phải cử. Sau đó, từ đình Bình Phiên, các đoàn cùng tham gia rước. Nếu năm nay đến đình làng Ngọc Quyết, thì năm sau sẽ đến đình làng Tế Bằng, cứ lần lượt như vậy cho đến hết đình của các xã trong tổng, quay trở về đình Bình Phiên tế tạ rồi đình của xã nào rước về đình của xã ấy. Tục kết chạ giữa các xã trong tổng Ngọc Trục với nhau là một nét văn hoá đặc sắc. Tham gia lễ hợp tế tại đình Bình Phiên không chỉ có đoàn tế của các xã mà còn gồm các vị cao tuổi đại diện toàn thể người dân ở các xã, thể hiện tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong văn hóa của người dân Việt.

Để được tham dự hội, ngoài tiêu chuẩn gia đình không có tang, mỗi thành viên trong các đoàn với tư cách đại diện cho nhân dân trong địa phương phải là những người tiêu biểu, vẹn tròn tài đức, gia đình hoà thuận, có đóng góp cho xã. Do đó, trong cả một năm ròng, người dân nào cũng cố gắng sống tốt, nêu gương thảo hiền, hiếu đễ với gia đình và làng xóm.

Để phù hợp với điều kiện hiện nay, trong lễ hội, phần lễ chỉ tổ chức tế lễ tại đình. Phần hội có các trò chơi bịt mắt bắt dê, kéo co, bóng chuyền, bóng bàn, giao lưu văn nghệ thôn với thôn Ngọc Kha, Mỹ Vọng, Mỹ Hảo, Cẩm Trục với các tiết mục hát quan họ, hát chèo và những ca khúc mới ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ... thu hút đông đảo người dân trong thôn, ngoài xã tham gia. 
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, đình Ngọc Trục đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2018.

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo đình Ngọc Trục