Chùa Giám, nơi thờ danh y Tuệ Tĩnh

01/07/2010 19:09

Chùa Giám (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng) là một công trình kiến trúc cổ, đồ sộ, nơi có tượng thờ danh y Tuệ Tĩnh, người đã từng trụ trì ngôi chùa, trồngthuốc nam cứu sống nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo.


Chùa Giám có tên chữ là chùa Nghiêm Quang, được trùng tư lớn vào thời Hậu Lê thế kỷ XVIII và được trùng tu nhiều  lần vào thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Các công trình kiến trúc hiện nay phần lớn được trùng tu vào thời Vĩnh Thịnh (1705 -1720).

Trước năm 1974, chùa Giám nằm cạnh sông Thái Bình, cách vị trí hiện nay 7 km về phía nam. Trước ngày 27 tháng giêng năm 1947, chùa Giám là một chùa có kiến trúc kiểu "nội công ngoại quốc", trong chùa có nhiều công trình kiến trúc đồ sộ. Năm 1974, chùa Giám được chuyển về địa điểm mới và được tạo dựng hoàn chỉnh  vào ngày 5-2-1975. Chùa Giám hiện nay được đặt theo hướng đông, các công trình trước đây bị hủy hoại, nay đã khôi phục lại.

Tam quan chùa được xây dựng năm 1987, kiến trúc theo kiểu chồng diêm cổ các 8 mái, với gốc đao cong, tạo dáng nhập với kiến trúc của các công trình chính.

Tòa tiền đường gồm 5 gian 2 dĩ, là công trình được tạo dựng vào thế kỷ XVII. Kiến trúc chính của tòa tiền đường là kiểu kèo cầu trụ báng, nhà thấp, cột to. Các chi tiết bẩy hiên được chạm lá lật, trúc hóa long, cúc hoá long khá sinh động, hệ thống xà nách, các con thuận, câu đầu, kèo cầu, trụ báng đều dùng kỹ thuật bào trơn đóng bén, các chi tiết lắp khít với nhau, không bị xô lệch. Hệ thống hoành, xà quân, xà thượng, thượng lương, hoành, rui đều bằng gỗ lim khá tốt, phần cửa và ngưỡng cửa được tạo dựng chắc chắn với hệ thống cửa bức bàn và ngưỡng có chạm rồng ở lá ngạch khá sinh động. Móng, tường xây bằng gạch Bát Tràng và gạch chỉ, mái lợp ngói mũi thuyền. Bờ nóc, bờ cánh mềm mại với chi tiết cải hoa chanh tạo cho công trình tính nghệ thuật cao.

Nối liền tòa tiền đường là 3 gian ống muống, kiến trúc của 3 gian này cũng theo phong cách của tiền đường, tuy nhiên tại hai vị trí nối giữa tiền đường và ống muống có hai bức cồn lưỡng long chầu nguyệt, mang phong cách thời Lê đầu thế kỷ XVIII khá sinh động. Ngoài ra còn một bức chạm lá lật, hoa lá với những nét chạm phóng khoáng, mềm mại. Ba gian ống muống là nơi bài trí các pho tượng Phật trong chùa.

Tiếp sau 3 gian ống muống là tòa thượng điện - là tòa nhà nằm ở vị trí song song với tòa tiền đường. Thượng điện có 1 gian 2 dĩ. Ống muống nối tiền đường và thượng viện thành kiến trúc kiệu chữ công. Thượng điện có 2 vì kèo chính nối với vì kèo gian ống muống, tạo thành thế vững chắc cho toàn tòa thượng điện. Hai gian dĩ hạ khoảng bởi hệ thống xà đùi, kẻ góc, trụ cái và các cột quân tạo thành 4 góc đao cao vút với phù điêu rồng chầu, phượng mớm khá nghệ thuật.

Nhà phẩm được tạo dựng 4 mặt giống nhau với 3 tầng, 12 mái, cao 8 m. Kiến trúc chính của ngôi nhà này là 4 cột tứ trụ và 12 cột quân cùng hệ thống xà kẻ góc, tất cả các chi tiết đều được kiến tạo hết sức linh hoạt, tại mỗi tầng mái lại có các ván gió tre che kín. Trước đây các ván gió này còn được các nghệ nhân chạm các đề tài truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa lá cách điệu, nhưng nay không còn. Mái tạo dáng 12 đầu đao cong, các đầu đao đều đắp rồng chầu, phượng mớm khá nghệ thuật, mái lợp ngói mũi, trên chóp mái có phù điêu hình nậm rượu khá sinh động.

Cửu phẩm liên hoa được đặt chính giữa nhà phẩm, gồm 9 tầng sen chồng lên nhau, càng lên cao các tầng sen càng nhỏ đi theo thế "thượng thu hạ thách" . Các tầng cửu phẩm liên hoa kiến tạo hình lục giác đều. Tầng 1 mỗi cạnh dài 1,2 m, các tầng kế tiếp càng lên cao, cạnh càng nhỏ. Mỗi cạnh được chạm những cánh hoa sen mập nằm sát nhau theo hàng ngang sơn màu đỏ, mép cánh hoa nhũ vàng. Tầng 9 có một pho tượng A Di Đà ngồi tư thế tọa thiền, đầu đội vào trần như giữ thăng bằng cho tòa cửu phẩm. Trước đây, mỗi cạnh của một tầng cửu phẩm có 3 pho tượng Phật nhỏ cao chừng 20 cm, là những pho tượng cổ được sơn son thếp vàng khá đẹp, nhưng đã từ lâu do lụt lội di chuyển và thất thoát, các pho tượng cũ gần như không còn, thay vào đó là các tượng Phật bằng đất nung mới. Hiện tại cửu phẩm liên hoa có 145 pho tượng. Toàn bộ cửu phẩm liên hoa được kiến tạo gắn với một trụ lim lớn ở giữa, phía dưới đặt trên một ngõng đá, tựa như một ổ bi, hai người đẩy, cửu phẩm có thể quay tròn được.

Sau nhà phẩm là 7 gian nhà thờ tổ, các vì kèo của công trình này có kết cấu theo kiểu con chồng đấu sen, kỹ thuật chủ yếu là bào trơn đóng bén, móng và tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, công trình thấp. Tuy nhiên, do luôn luôn được tư sửa nên công trình không bị đổ nát. Trong nhà tổ có nhiều tượng các vị sư tổ đã trụ trì tại chùa. Đặc biệt, tại đây còn có tượng danh y Tuệ Tĩnh, người đã từng trụ trì, trồng thuốc nam và cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo từ thời Trần.

Nhà tổ nối với tiền đường bằng hai dãy hành lang hai bên, mỗi bên 11 gian, kiến trúc hai dãy hành lang theo kiểu cầu trụ báng, được tạo dựng bằng chất liệu gỗ sến, táu mới, có chất lượng tốt, tường xây phía sau, là nơi đặt 18 tượng vị La Hán của đạo Phật. Mái lợp ngói mũi, hên hoàn với hai tòa tiền đường và nhà tổ.

Chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 13-3-1974.

(Theo Địa chí Hải Dương)



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chùa Giám, nơi thờ danh y Tuệ Tĩnh