Những "kỳ quan" thiên tạo cần bảo vệ

17/07/2018 19:13

Những "kỳ quan" do thiên nhiên tạo hóa rất cần được cộng đồng bảo vệ.


Cây đề ở chùa Điềm, phường Tân Bình (TP Hải Dương) phủ kín chiếc tháp cổ

Con người qua nhiều thế kỷ đã cải tạo thiên nhiên theo mục đích riêng của mình, biến rừng rậm thành trang trại, biến đầm lầy thành ruộng lúa, thậm chí san bằng cả quả đồi hay đục xuyên qua núi để làm đường giao thông... Nhưng thiên nhiên khó lường, luôn rình rập chờ cơ hội để tấn công lại con người.

Trên thế giới, đảo Ross, một khu định cư của Anh bị bỏ hoang ở quần đảo Andaman xa xôi hẻo lánh tại Ấn Độ Dương đang bị "Mẹ thiên nhiên" chiếm lại. Những căn nhà gỗ xa hoa, một nhà thờ rất to, nhiều phòng khiêu vũ... bị cây rừng nhiệt đới xâm lấn mà không cách nào chống lại được. 

Nhưng thiên nhiên tấn công đôi khi vô tình cũng có lợi. Angkor Wat của Campuchia là một ví dụ. Cây rừng đã phủ kín các đền đài và tháp cổ đến mức khiến người dân quên hẳn rằng đất nước mình đã từng có các công trình hoành tráng như thế. Mãi đến khi một trong những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Angkor là António da Madalena - một nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đã phát hiện vào năm 1586 và viết rằng "nó là một kiến trúc phi thường mà không giấy bút nào tả xiết". Các cây rừng khổng lồ đã ngự trị trên các kiến trúc cổ đổ nát và phủ các bộ rễ chằng chịt, có nơi nuốt chửng cả những tòa tháp lớn. Cuộc tấn công của thiên nhiên ấy đã làm nên một kỳ quan thiên nhiên khiến cho du khách ở khắp nơi trên thế giới đổ về chiêm ngưỡng, mang cho đất nước này nhiều triệu đô la mỗi năm.

Nhưng sự tấn công của thiên nhiên mang lại cái hại nhiều hơn. Ở nước ta, hằng năm thác lũ cuốn đi nhiều nhà cửa, thậm chí có khi cả một xóm làng ở các vùng núi hẻo lánh. Chưa kể nhiều thôn làng ven sông, nhất là ở các tỉnh phía nam nước ta bỗng sụt lở hàng loạt mà chưa tìm ra được các phương án khắc phục hiệu quả.

Ở TP Hải Dương, khu Trung tâm Thương mại Hải Dương mới bị cháy năm 2013, đến nay chưa được 5 năm, dù bị bức tường tôn cao quây kín mà hạt các cây phát tán đã mọc rậm rạp, xanh um, cao vượt cả bức tường vây quanh. Ở chùa Điềm (phường Tân Bình) có một tháp cổ bị cây đề phủ rễ. Theo anh Trần Văn Giang, Bí thư Đoàn Thanh niên phường, lúc nhỏ anh còn nhìn thấy chân tháp nhưng đến giờ rễ đã phủ kín đến mức không còn nhìn thấy gì ở bên trong. Điều thú vị nữa là ở thôn Chiền (xã Tân Hưng) có quán Chiền cũng bị cây đề phủ rễ kín, chỉ hở một khe nhỏ, người nhỏ nhắn lắm mới có thể chui vào được để thắp hương. Vì quán Chiền to hơn nhiều so với chiếc tháp ở phường Tân Bình nên bộ rễ cực kỳ đồ sộ và hấp dẫn, trông giống như một "tiểu cảnh Angkor Wat" ở Hải Dương vậy. 

Xã Tân Việt (Thanh Hà) cũng có cây si ôm chặt lấy cây cọ, chỉ để cho cây trổ ngọn lên trời. Hỏi ra được biết hạt si phát tán vào bẹ cây cọ, mọc lên rồi buông rễ xuống tận đất. Gặp đất, cây phát triển nhanh phủ kín cây cọ. Hiện tượng này khoa học gọi là cây ký sinh "bóp cổ" cây chủ, một hiện tượng thường thấy ở rừng nhiệt đới, thậm chí còn gặp ở ngay công viên Bách Thảo (thủ đô Hà Nội). Gần đây cây si mới bị chết.

Trước tác động của thiên nhiên, các địa phương cần bảo vệ các "kỳ quan" này. Ở quán Chiền cần giữ cho được chiếc khe cửa hẹp để biết là đã có cái quán khá to ở bên trong, nhất là nơi này lại nằm trên đường vào đình Liễu Tràng, nơi thờ Thám hoa Lương Như Hộc - ông tổ của nghề khắc chữ và in ấn đã truyền nghề cho các làng nghề nơi đây. 

NGUYỄN VĂN KHANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những "kỳ quan" thiên tạo cần bảo vệ