Đình Kim Quan - Trại giam một thời

12/07/2018 13:55

Từ năm 1951, đình là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với những chiến sĩ cách mạng của ta. Chúng đã sử dụng ngôi đình làm nơi giam giữ và tra tấn các chiến sĩ cách mạng.

Đình Kim Quan là di tích lịch sử nằm ở trung tâm làng Kim Quan, xã Kim Giang (Cẩm Giàng)

Đình Kim Quan nằm ở trung tâm làng Kim Quan, xã Kim Giang (Cẩm Giàng). Thế kỷ XV, Kim Quan có tên là Kim Lan. Đến thời Lê trung hưng, đào sông Bùi, tách Kim Lan làm hai làng: phía tây gọi là Ngọc Quan, phía đông gọi là Kim Quan.

Thờ 2 trung thần phò Lê, diệt Mạc


Đình được xây dựng vào thế kỷ XVII theo kiến trúc thời Lê, đến thời Nguyễn năm 1933 được trùng tu lại hoàn toàn theo kiểu kiến trúc thời Nguyễn. Đình gồm nhà tiền tế 5 gian, nhà hậu cung 3 gian, mái lợp ngói ta, ở hai đầu bờ nóc đắp rồng chầu, cửa gỗ bức bàn, đầu tư chạm lá lật, đầu khắc chữ triện cài vân mây. Nhà làm kiểu lòng thuyền tứ trụ, còn 20 cột lim đường kính 30cm. Những bức cốn chạm kênh bong long, ly, quy, phụng và cảnh thiên nhiên với nhiều loại động vật.

Đình thờ Tiến sĩ Lại Kim Bảng và Hoàng Duy Nhạc là những trung thần phò Lê, diệt Mạc. Năm 1992, đình Kim Quan được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Theo thần tích sắc phong, bia ký còn lại tại đình và nhiều nguồn tư liệu lịch sử thì Lại Kim Bảng sinh ngày 12 tháng giêng năm 1502 tại trang Kim Lan (Kim Quan ngày nay), đời vua Lê Chiêu Tông. Ông là người nổi tiếng văn thơ, có khí tiết, đương thời được mọi người nể trọng. Năm 16 tuổi, ông đỗ Nhị giáp Tiến sĩ khoa Mậu Dần và làm quan thời Lê tới chức Giám sát ngự sử, có tiếng liêm chính, trung thành.


Khi nhà Mạc (Mạc Đăng Dung) cướp ngôi nhà Lê (năm 1527), Lại Kim Bảng đã tập hợp binh sĩ kết hợp với Hoàng Duy Nhạc công khai phò Lê, diệt Mạc. Nhưng việc không thành, ông và gia đình mũ áo chỉnh tề bái vọng về Lam Sơn và tự trầm mình ở sông Tức Mực (sông Hồng) vào ngày 11 tháng 8. Đến năm 1549, thời vua Lê Trung Tông, ông được biểu dương là tiết nghĩa, được tặng là Tả thị lang bộ lễ và truy phong là phúc thần, ban sắc, ban tên là "Đoan phượng" và cho lập đền thờ cùng với Nguyễn Thái Bạt ở Bình Lãng gọi là đền "Tiết nghĩa song từ" và bạ hương án thờ. Sau đó, nhân dân thôn Kim Quan rước ông về thờ tại đình làng. Đến thời vua Lê Anh Tông, ông tiếp tục được phong là "Đoan phượng đại thần" và ban cho trang Kim Lan làm hộ nhi thần (những người trông coi bảo vệ thần), chuẩn phê cho xã được miễn tô thuế dịch vụ để phụng sự miếu đường và các đời sau đều có ban sắc.

Hoàng Duy Nhạc là người Nại Trạch (Nghệ An), từ nhỏ đã là người khôi ngô, học giỏi, đặc biệt có tài võ, bắn cung, cưỡi ngựa. Ông đỗ tiến sĩ và làm quan tới chức Đô thống. Sau khi cùng Lại Kim Bảng phò Lê, diệt Mạc không thành, ông bỏ chốn quan trường về quê bán nhà cửa, ruộng vườn và ra Kim Lan khẩn hoang lập ấp sinh sống. Nhân dân Kim Lan rất mến mộ tài đức nên sau khi ông mất đã tôn là thành hoàng và tạc tượng thờ tại đình làng. Trong thần tích ở đình cũng ghi "Hoàng tướng công tên thụy" tức quan đại thần trải qua các triều đại đều được gia phong "Thượng đẳng tối linh đại vương", "Thượng đẳng thần Lê triều đô thống hiển hách linh phù thiên hạ, đô đại Thành hoàng". Đời vua Lê Trung Tông gia phong "Bách thần" và phê chuẩn cho trang Kim Lan miễn tô thuế, thuận cho 50 mẫu ruộng, 10 suất đinh để phong tự hương hỏa.
Hiện nay, trong đình Kim Quan còn lưu giữ 15 sắc phong cho Lại Kim Bảng, trong đó có 4 sắc phong thời Lê và 11 sắc phong thời Nguyễn; 2 sắc phong cho Hoàng Duy Nhạc, trong đó có một sắc phong thời Lê trung hưng và một sắc phong thời Khải Định. Trong các sắc phong đều có ghi "Tiết nghĩa phò Lê, diệt Mạc", "hộ quốc tý dân", "trung thần tiết nghĩa"...

Nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp

Lỗ tròn có đường kính khoảng 10cm do thực dân Pháp đục để gác gỗ làm giường nằm cho tù nhân và để gông tù

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Kim Quan là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, là nơi Việt Minh dán truyền đơn, áp phích chống Nhật thu thuế. Đây cũng là nơi thành lập Bảo an đoàn (thực chất là đội dân quân tự vệ của địa phương), thành lập đội thiếu niên Lý Công Uẩn của thôn Kim Quan. Nơi này cũng là địa điểm xử kiện tên tri huyện Nguyễn Thiện Thuật về việc chiếm đoạt muối và sau đó phát cho dân gây tiếng vang lớn trong nhân dân lúc bấy giờ.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều hoạt động cách mạng sôi nổi của địa phương cũng diễn ra tại đây. Đình được dùng làm nơi tổ chức quyên góp tiền, vàng ủng hộ Chính phủ, là nơi đón đoàn cảm tử quân đánh giặc ở thị xã Hải Dương và tiếp đón thương binh từ Hải Dương về. Đình còn là nơi tổ chức bình dân học vụ xóa nạn mù chữ cho nhân dân địa phương.

Từ năm 1951, đình là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với những chiến sĩ cách mạng của ta. Chúng đã sử dụng ngôi đình làm nơi giam giữ và tra tấn các chiến sĩ cách mạng.

Sau khi thực dân Pháp chiếm đình, chúng đã dựng biển CAMP 18 (Trại 18) và biến đình thành nhà tù. Thỉnh thoảng lính Pháp ở các đồn bốt ở trong xã và các xã lân cận lại đi càn. Những ai bị nghi là Việt Minh, là người hoạt động cách mạng đều bị chúng bắt và đưa về giam tại đình. Tại đây, chúng chia thành từng khu giam giữ khác nhau. Những người mới bị bắt chúng nhốt riêng trong hậu cung. Những người cũ thì bị giam ở gian chính của đình và thường xuyên bị chúng bắt đi lao động. Với những người chúng cho là tù chính trị quan trọng đều bị tra tấn bằng điện và bị nhốt trong xà lim dựng ngay cạnh đình. Để bảo vệ nhà tù (đình), chúng dựng nhiều lớp hàng rào dây thép gai xung quanh và xây nhà, dựng chòi để quản lý, canh tù. Các cửa sổ, cửa ra vào cũng bị chúng rào dây thép gai và chỉ để một lỗ nhỏ để chui ra, chui vào. Xung quanh đình cách khoảng vài trăm mét chúng còn xây nhiều lô cốt bảo vệ.


Trong khoảng thời gian từ năm 1951 - 1954 đã có khoảng 200 người bị chúng tình nghi và nhốt tại đây. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954 đình lại được dùng làm kho thóc, rồi làm nơi dạy học xóa nạn mù chữ cho dân. Hiện nay, trên những hàng cột tại gian chính của đình vẫn còn nguyên vẹn những lỗ tròn có đường kính khoảng 10cm do thực dân Pháp đục để gác gỗ làm giường nằm cho tù nhân và để gông tù...

  TUẤN SỸ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình Kim Quan - Trại giam một thời