Đền Đươi - dấu xưa còn mãi

30/05/2018 11:13

Đền Đươi, nơi thờ tự Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan là một trong số ít di tích lịch sử văn hóa cổ xưa còn được gìn giữ đến ngày nay trên đất Hải Dương.


Đây là ngôi đền cổ được xây dựng từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ 11).

Tương truyền đền Đươi, xã Thống Nhất (Gia Lộc) được xây dựng từ thời nhà Lý ngay từ khi Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan còn sống. Trên thực tế qua khảo sát và nghiên cứu hiện ở đây còn khá nhiều gạch thời Trần song di tích hiện tại thì mới được trùng tu vào thời Lê.

Đền Đươi toạ lạc ở thôn Cẩm Đới. Trước mặt di tích là một vùng đầm, hồ rộng lớn có hình 9 con rồng nên nhân dân ở đây thường gọi là Cửu Long hội tụ. Đầm nối với sông Sặt, thuyền bè có thể ra vào dễ dàng. Theo truyền thuyết trước đây Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan đi thị sát tình hình đất nước, thuyền của bà ghé vào đây, thấy cảnh đẹp bà đã cho sắc chỉ và tiền bạc để nhân dân ở Cẩm Đới xây dựng đền, chùa.

Để ghi nhớ công ơn của vương mẫu, nhân dân Cẩm Đới đã xây dựng đền, chùa để tôn thờ bà. Từ đó đến nay trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền hiện nay vẫn còn để đón nhân dân trong xã và khách thập phương đến chiêm ngưỡng và tưởng nhớ công ơn của mình với vương mẫu Ỷ Lan - người đã đem tâm sức cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước. Với công lao to lớn đó nên các triều đại sau này đều có sắc phong về đền Đươi để nhân dân địa phương được tôn thờ và học tập bà.


Đền thờ Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan (7.3.1044-25.7.1117)

Tưởng nhớ bà, hằng năm cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày sinh; và 25 tháng 7 âm lịch là ngày mất của bà, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội để nhắc lại công lao của vương mẫu Ỷ Lan cho mọi người ghi nhớ và học tập. Tượng của bà được đưa lên kiệu rước đi quanh xã để mọi người chiêm ngưỡng và ghi nhớ sâu sắc người đã có công với dân tộc.


Tòa tiền tế gồm 3 gian, 2 dĩ dài 17 m, rộng 8,1m, có kiến trúc kiểu chữ nhất, với 4 vì kèo chính và 2 dãy cột quân của 2 gian. Đây là công trình thời hậu Lê khá tiêu biểu với hệ thống cột thấp và các bức chạm tinh xảo.

Tiếp nối dấu ấn lịch sử xưa, tại di tích năm 1943 - 1944, đội tuyên truyền giải phóng quân cũng như đội tự vệ của xã thường xuyên tổ chức luyện tập quân sự để chuẩn  bị cho cao trào cách mạng dân tộc như đồng chí Thiều, đồng chí Tuệ. Tháng 8.1945 cán bộ cách mạng và quần chúng đã tập trung ở đến tiến đi giành chính quyền ở huyện Gia Lộc rồi sau đó về tịch thu bằng, triện của bọn quan lại, cường hào, lý dịch, xóa bỏ chính quyền của bọn thực dân phong kiến. Chính quyền lâm thời được thành lập trong niềm vui mừng phấn khởi của nhân dân.

Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, Thị đội Hải Dương sơ tán về đền kịp thời chỉ đạo cuộc kháng chiến. Đội du kích của xã đã lấy khu đền làm địa điểm luyện tập quân sự. Năm 1947, đồng chí Trần Dừa, Trưởng ty Công an và đội Việt Hùng đã về đền đóng để đi tiêu trừ bọn Việt gian phản quốc.


Cặp nghê đá thời nhà Lê hiện còn lưu giữ và đặt trang trọng ngay bên tả, hữu trước cửa tòa tiền tế.

Năm 1948, Ủy ban kháng chiến huyện Cẩm Giàng và đơn vị bộ đội Quang Trung cũng sơ tán về đền làm việc và luyện tập. Sau đó là ủy ban kháng chiến xã Thạch Khôi sơ tán về để giữ vững hoạt động.

Tại khu di tích còn được đào các hầm bí mật để che giấu bảo vệ cán bộ, bộ đội. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, đền Đươi là cơ sở của cuộc kháng chiến ở địa phương và là đường dây liên lạc lên chiến khu Việt Bắc. 

Năm 1991, đền được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

KIM THANH ((Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đền Đươi - dấu xưa còn mãi